Phát triển du lịch dựa trên công nghiệp văn hóa
(VHQN) - Sự thu hút của du lịch Quảng Nam dựa vào xương sống văn hóa với các di sản quan trọng như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và văn hóa cư dân bản địa đặc sắc. Từ nhiều năm nay, Quảng Nam đã tạo ra mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa khá thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên để có thể gia tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Quảng Nam cần học hỏi thêm từ bài học kinh nghiệm phát triển du lịch dựa trên công nghiệp văn hóa của nhiều quốc gia, mà Hàn Quốc có thể là một nơi rất đáng quan tâm.
Về tiềm năng phát triển du lịch, Quảng Nam có những thế mạnh mà nếu so cùng một tỉnh tương đương ở Hàn Quốc thì không hề thua kém. Bởi, Quảng Nam đang sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật Bài chòi), 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cù Lao Chàm - Hội An). Đó là chưa kể 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp; 70 lễ hội và hàng trăm làng nghề truyền thống; 437 khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…
Hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông gồm sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ… và hệ thống lưu trú đều phát triển và thuận tiện. Nếu so sánh thì Quảng Nam đủ khả năng đọ sức với các địa danh du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc như Jiongju, đảo Jeju, Busan…
Tuy nhiên, điều mà Hàn Quốc đã làm rất tốt trong phát triển du lịch, là người Hàn Quốc rất chuyên nghiệp khi sử dụng công nghiệp văn hóa làm đòn bẩy, với 2 phương thức chính: [1] Trau chuốt để tạo ra gói sản phẩm tốt nhất, và [2] Quảng bá mạnh mẽ và hiệu quả.
Ví dụ về 2 làng cổ là Di sản văn hóa thế giới ở Hàn được du khách tới thăm rất nhiều là Hahoe và Yangdong (ở tỉnh Gyongsangbuk). Đó là những ngôi làng điển hình cho phong cách sống vào thời Joseon (1392 - 1910).
Tại đây có thể thấy những ngôi nhà cổ, các khu sinh hoạt chung của làng, nhà của các gia đình quý tộc và của thường dân, vườn rau, khu trường học… Phong cảnh núi non, cây xanh và các loại ao hồ quanh làng… đều được bảo tồn rất tốt, ngăn nắp, quy củ, sạch sẽ. Trong các khu làng này luôn có những nhân viên mặc trang phục của thời Joseon, đang làm các công việc sinh hoạt thường ngày thời đó, để thu hút sự quan tâm của khách du lịch.
Hàn Quốc thực hiện công tác bảo tồn các di sản như 2 ngôi làng này rất nghiêm ngặt. Từ năm 1984, 2 ngôi làng đã được bảo vệ bởi Đạo luật Bảo vệ di sản quốc gia. Tuy nhiên, họ không chỉ bảo vệ 2 ngôi làng này trong phạm vi diện tích đất làng, mà còn mở rộng ra các vùng đệm và khu xung quanh bao gồm cả vùng trồng trọt của làng, rừng, khu vực bảo vệ môi trường tự nhiên.
Vùng này sẽ chịu sự quản lý từ các luật bảo vệ của chính quyền trung ương và của địa phương. Trong đó những ngôi nhà quý giá nhất ở đây được công nhận là Bảo vật quốc gia và được bảo vệ cẩn trọng.
Trong khi đó, những khu du lịch mới mọc lên sau này như là sản phẩm phim trường từ một bộ phim ăn khách, chẳng hạn như đảo Nami, nơi từng quay vài cảnh chính trong bộ phim truyền hình “Bản tình ca mùa đông”.
Những người thiết kế tour du lịch đến đảo Nami đã tạo nên không khí khá lãng mạn, phù hợp với du khách vốn là người hâm mộ bộ phim này. Du khách đến đảo Nami có thể dạo chơi hay đi xe đạp như 2 nhân vật chính trong phim trên con đường tuyệt đẹp giữa đảo, rồi sau đó dừng chân ăn món gà rán nổi tiếng trong vùng ở quán ven đường và trở về. Du khách hoàn toàn có thể tưởng tượng ra mình chính là một phần của bộ phim, từ những ký ức trong phim được hỗ trợ bằng tour rất sống động trên thực tế.
Điều này có nghĩa là khi tạo ra một sản phẩm du lịch dựa vào văn hóa, những người làm du lịch ở Hàn Quốc bám chắc vào việc khơi gợi cho du khách một câu chuyện gắn với các trải nghiệm cá nhân.
Và để câu chuyện đó hấp dẫn, đặc sắc, họ trau chuốt từng chi tiết để có thể đẩy trải nghiệm đó lên đỉnh cao. Và họ tính toán rất kỹ cho từng chi tiết sao cho hiệu quả. Đây là điều mà ngành du lịch Quảng Nam có thể học hỏi để giúp cho sản phẩm du lịch khi thiết kế ra không rơi vào tình trạng nhàn nhạt, chung chung, và thiếu tập trung.
Ở phương thức thứ hai, người Hàn Quốc rất giỏi quảng bá sản phẩm của mình, dựa trên công nghiệp văn hóa.
Chẳng hạn, trên các chuyến của hãng Korea Air, người Hàn đã sử dụng các ban nhạc K-Pop nổi tiếng lồng vào nội dung của các video hướng dẫn an toàn bay cho du khách.
Điều này khiến cho hành khách có thể cảm nhận rằng họ cũng được đi cùng chuyến bay với các ngôi sao K-Pop mà họ mến mộ. Bằng cách này, người Hàn vừa bán chuyến bay tới du ngoạn xứ họ, vừa bán cả nhạc K-Pop cho du khách.
Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người Hàn Quốc rất tích cực quảng bá các điểm đến và nền ẩm thực phong phú của họ. Ngoài các bộ phim truyền hình dài tập quảng bá cho văn hóa Hàn Quốc, có rất nhiều bộ phim giới thiệu về nền ẩm thực truyền thống của nước này (chẳng hạn như phim “Dae Jang-geum”).
Họ còn giới thiệu các món Hàn dễ nấu và dễ ăn trên kênh truyền hình Asia Food Netword để người xem tự nấu và thưởng thức; hoặc làm rất nhiều phim quảng bá về du lịch Hàn Quốc chiếu trên các kênh Discovery Asia hay Neflix để quảng bá. Những phim quảng bá này được đầu tư, thực hiện rất chuyên nghiệp, bài bản, hấp dẫn người xem toàn thế giới quan tâm tới xứ sở kim chi.
Tóm lại, người Hàn Quốc chú ý đến vấn đề truyền thông về các đặc trưng và giá trị văn hóa của nước này để thu hút du khách hơn là làm quảng cáo về du lịch đơn thuần. Là vì chỉ có truyền thông thì mới có đủ thế mạnh truyền tải nội dung phong phú, đa dạng theo lớp lang bài bản.
Họ sẽ bắt đầu từ xây dựng nhận thức, sau đó tạo ra thái độ tích cực cho người xem (cũng là du khách tiềm năng) sao cho hoàn toàn thuyết phục được họ mua sản phẩm du lịch của mình. Và bằng cách này, họ tận dụng mọi phương tiện, mọi chương trình từ đắt tiền tới rẻ tiền, từ chiến lược rầm rộ cấp quốc gia tới tiếp thị “du kích”… miễn là tạo ra hiệu quả cao nhất là được.
Đây là những điều hay mà Quảng Nam cần tham khảo và học hỏi khi nghĩ đến việc sử dụng công nghiệp văn hóa để giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của địa phương này nhằm phát triển du lịch.