Vào mùa... sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận đang gia tăng, báo động sự bùng phát của dịch bệnh trong thời gian tới...
Số ca mắc tăng
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) thông tin, từ đầu năm đến nay, khu vực miền Trung đã ghi nhận 2.887 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), rất may chưa có trường hợp tử vong. Trong đó, riêng Quảng Nam, tính đến giữa tháng 5 này, đã ghi nhận 434 ca tại 14/18 huyện, thị xã, thành phố, tăng 119 ca, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Quang cho biết, CDC Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xác minh ca bệnh và xử lý 12 ổ dịch tại Điện Bàn, Tam Kỳ, Quế Sơn, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Thăng Bình.
“Hiện nay thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH là muỗi và bọ gậy phát triển, nguy cơ dịch xảy ra và lan rộng rất cao, nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch” - ông Quang nói.
Tại Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam), số bệnh nhân nhập viện vì SXH bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng khoa Y học nhiệt đới cho biết, đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu vì theo chu kỳ dịch SXH, thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trước đây, người dân ngại đến thăm khám tại cơ sở y tế. Sau khi bệnh viện thực hiện các biện pháp “mở cửa”, không xét nghiệm Covid-19 thì cũng bắt đầu ghi nhận bệnh nhân tăng, trong đó có bệnh nhân SXH.
Dự báo dịch bùng phát
Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, bệnh SXH đang bùng phát và diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Số ca nặng phải nhập viện điều trị tăng cao so với năm 2021. Các địa phương này đã ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc SXH thể nặng, tái sốc nhiều lần kèm suy đa cơ quan...
Việc điều trị các trường hợp này khá phức tạp, có nguy cơ tử vong rất cao. Bên cạnh đó, thông tin từ sở y tế các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, số ca mắc SXH đang tăng nhanh vì các địa phương này đang vào mùa mưa, cũng là lúc muỗi sinh sôi nảy nở.
Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh SXH, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị. Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH khi xác định trong thời điểm này, số ca mắc gia tăng ở một số địa phương và đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc SXH, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Dự báo thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu mùa dịch.
UBND tỉnh cũng có công văn giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH (nếu có) tại địa phương. Phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, xác định khu vực có nguy cơ cao để phun hóa chất diệt muỗi.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới phòng chống dịch. Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, lồng ghép phòng chống dịch Covid-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng thực hiện phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng...