ASEAN thành lập trung tâm ứng phó khẩn cấp về y tế công cộng
(QNO) - Các nhà lãnh đạo y tế các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vừa thống nhất thành lập trung tâm giám sát, phát hiện và phòng ngừa các bệnh có nguy cơ trở thành đại dịch.
Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh mới nổi
Cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 15 (AHMM-15) diễn ra tại Bali, Indonesia với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế 10 thành viên ASEAN. Hội nghị nhất trí thành lập Trung tâm Y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi ASEAN (ACPHEED).
ACPHEED sẽ gồm 3 trụ cột: giám sát/phát hiện, ứng phó và quản lý rủi ro. Trong đó, việc đồng bộ hóa các quy trình y tế trong khu vực để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm là rất cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia - ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đồng ý đặt các văn phòng của ACPHEED tại 3 nước này. ACPHEED đảm bảo rằng trong trường hợp đại dịch có nguy cơ bùng phát trong tương lai, khu vực này sẽ sẵn sàng ứng phó.
Mọi quốc gia ASEAN đều có quyền cử đại diện làm việc tại 3 văn phòng của ACPHEED trên tinh thần hợp tác, giải quyết các vấn đề khác biệt về giao thức y tế giữa các quốc gia trong ASEAN.
ACPHEED cũng sẽ ứng phó với các loại tình huống khẩn cấp khác về sức khỏe cộng đồng, không chỉ các bệnh truyền nhiễm. Lãnh đạo ngành y tế của Indonesia cho rằng, ACPHEED sẽ hoạt động tương tự như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
ASEAN tiến tới công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc xin"
AHMM-15 cũng thông qua các Tuyên bố chung của hội nghị, bao gồm Tuyên bố chung của Bộ trưởng Y tế ASEAN về công nhận lẫn nhau chứng chỉ Covid-19.
Các quan chức ASEAN khẳng định, việc công nhận lẫn nhau các chứng chỉ tiêm chủng vắc xin Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại quốc tế, nhưng vẫn bảo đảm quyền riêng tư và an ninh dữ liệu của mỗi quốc gia thành viên ASEAN.
Theo Bộ Y tế Singapore, với việc ASEAN đang phục hồi sau đại dịch và mở cửa lại biên giới khu vực với thế giới, điều quan trọng là phải thiết lập việc đi lại thông suốt trong khu vực, chẳng hạn như sử dụng công nghệ kỹ thuật số để công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm chủng giữa các quốc gia.
Bộ trưởng Y tế Singapore - ông Ong Ye Kung nhấn mạnh, các quốc gia thành viên ASEAN đã xoay xở để vượt qua đại dịch Covid-19 nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên, nhưng các quốc gia phải luôn cảnh giác với đại dịch.
Cũng tại AHMM-15, đại diện các quốc gia ASEAN chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý đại dịch Covid-19 và thảo luận về sự hợp tác trong tương lai về việc tăng cường hệ thống y tế cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, hợp tác y tế khu vực là chìa khóa để tăng cường khả năng sẵn sàng tập thể và ứng phó với đại dịch, cho dù là đối với các đợt Covid-19 mới hay một loại vi rút mới.