Trung Quốc sử dụng AI và in 3D để xây đập mà không cần nhân công

AN TRƯƠNG 14/05/2022 12:34

(QNO) - Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã sẵn sàng xây dựng đập thủy điện Dương Khúc bằng trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt xây dựng và không cần đến sức lao động của con người.

Đập Dương Khúc dự kiến hoàn thành sau hai năm và sẽ cung cấp 5 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm cho quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đập Dương Khúc dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Ảnh: India News

“Nhà máy thủy điện Dương Khúc trên cao nguyên Tây Tạng được xây dựng theo phương án lắp ráp từng lớp, giống như in 3D” - tờ SCMP trích dẫn một bài báo được xuất bản vào tháng 4.2022 trên tạp chí Khoa học và công nghệ của Đại học Thanh Hoa.

Nếu được hoàn thành, dự án đầy tham vọng này sẽ là công trình kiến trúc cao nhất thế giới được xây dựng bằng quy trình in 3D. Kỷ lục hiện tại được giữ bởi một tòa nhà văn phòng 2 tầng ở Dubai cao 6,1m, trong khi đập Dương Khúc sẽ cao 180m.

Theo các nhà khoa học, một hệ thống AI trung tâm sẽ được sử dụng để giám sát dây chuyền lắp ráp tự động khổng lồ, với một đội xe tải không người lái được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng đến các bộ phận của công trường.

Khi vật liệu đến nơi, máy ủi và máy lát không người lái sẽ biến chúng thành một lớp của con đập, và sau đó các con lăn được trang bị cảm biến sẽ giúp ép từng lớp để chúng trở nên chắc chắn và bền hơn. Khi một lớp hoàn thành, rô bốt sẽ gửi thông tin về trạng thái xây dựng trở lại hệ thống AI.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, việc khai thác vật liệu xây dựng sẽ vẫn phải được thực hiện thủ công.

Tác giả chính Liu Tianyun của Đại học Thanh Hoa chia sẻ với SCMP, hệ thống AI và đội quân rô bốt sẽ giúp loại bỏ lỗi của con người, chẳng hạn như khi người điều khiển xe lu không đi theo đường thẳng hoặc khi tài xế xe tải giao vật liệu đến sai vị trí.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống này cũng sẽ cho phép công việc tại chỗ tiến triển liên tục mà không lo ngại về an toàn cho con người.

“Việc xây dựng đập và in 3D giống hệt nhau về bản chất. Sau nhiều năm thử nghiệm phát triển, công nghệ in 3D cho cơ sở hạ tầng lớn đã đủ chín muồi để ứng dụng hàng loạt và sẽ giải phóng con người khỏi những công việc nặng nhọc, lặp đi lặp lại và nguy hiểm” - ông Liu chia sẻ.

Đập Dương Khúc dự kiến hoàn thành sau 2 năm và sẽ cung cấp 5 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm cho quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo báo cáo của SCMP, nếu thành công, phương pháp xây dựng có thể cung cấp kế hoạch chi tiết cho các dự án xây dựng khác, chẳng hạn như xây dựng đường sá.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh và khả năng thiếu hụt lao động, phải chuyển sang tự động hóa để duy trì sự phát triển của các ngành công nghiệp.

AN TRƯƠNG