Công tác dân vận chính quyền phải luôn đổi mới, sáng tạo và thực chất
(QNO) - Ngày 12.5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ban hành Chỉ thị số 06 về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp triển khai công tác dân vận theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 24 của UBND tỉnh đạt một số kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có lúc chưa kịp thời, lồng ghép triển khai nhiệm vụ chuyên môn với công tác dân vận có nơi chưa hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực có mối quan hệ trực tiếp đến nhân dân. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa nêu cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 33 (ngày 26.11.2021) của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung quán triệt và thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác dân vận của chính quyền phải luôn được đổi mới, sáng tạo, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Gắn kết chặt chẽ giữa công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; về vị trí, vai trò, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và CBCCVC, thực hiện phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”.
Đặc biệt, chú trọng công tác dân vận trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực gắn thực hiện Chỉ thị 05. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả văn bản pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đảm bảo phát huy vai trò chủ thể, quyền làm chủ của nhân dân.
Đổi mới hình thức, phương pháp trong công tác đối thoại, tiếp công dân. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, những bức xúc, kiến nghị, nguyên vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm như đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, quản lý xây dựng…
Xây dựng chính quyền, cơ quan, đơn vị thân thiện, “của dân, do dân, vì dân”, “vì nhân dân phục vụ”. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những CBCCVC có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội theo các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Thông tin kịp thời, biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận chính quyền, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.