Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đất đai: Nhiều bất cập từ thực tiễn

THÀNH CÔNG 13/05/2022 07:07

Rất nhiều tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn đã được đề cập tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vào sáng qua 12.5. Hội nghị nhằm lắng nghe nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của ngành chức năng, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Nhiều địa phương gặp khó trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân liên quan đến những bất cập trong các chính sách pháp luật về đất đai. Ảnh: T.C
Nhiều địa phương gặp khó trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân liên quan đến những bất cập trong các chính sách pháp luật về đất đai. Ảnh: T.C

Nhiều tồn tại, bất cập

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho hay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển sôi động trở lại, đất đai tiếp tục là vấn đề nóng bỏng thu hút sự quan tâm của cử tri trong tỉnh.

Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai ngày càng phức tạp, kéo dài. Bất cập về quản lý hiện trạng, sự phức tạp, rối rắm đến từ các thủ tục hành chính về đất đai, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn.

Cùng với đó, những vướng mắc, bất cập, tồn tại do triển khai thực hiện chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, sai thẩm quyền cũng phát sinh nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân và gia tăng áp lực cho cơ quan chuyên môn.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường thông tin, trong thực tế, vẫn còn một số hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bị trễ hẹn, mà nguyên nhân chính do tính phức tạp của hồ sơ, cần phải xem xét, tra cứu những văn bản quy định có liên quan, hoặc có trường hợp phải tổ chức kiểm tra thực địa, lấy ý kiến của các sở, ngành.

Tương tự, việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương cũng bị chậm, nhất là các dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường trong giai đoạn thay đổi cơ chế, chính sách. Một số dự án lớn thực hiện kéo dài nhiều năm, nhưng chưa hoàn thành ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động không tốt đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trong năm 2021, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận, giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ, tuy nhiên, số hồ sơ có sai sót chuyển trả về các chi nhánh bổ sung, chỉnh sửa lên đến hơn 2.600 hồ sơ.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đến từ công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan; nhu cầu giải quyết hồ sơ tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng đột biến do tình hình thị trường bất động sản biến động; trình tự thực hiện xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận hiện nay chưa có trong bộ thủ tục hành chính cấp huyện nên việc tiếp nhận hồ sơ, trình tự thực hiện tại các chi nhánh còn lúng túng...

Cần có sự điều chỉnh

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương và gia tăng áp lực đối với đảm bảo an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Minh Hiếu cho hay, Điện Bàn hiện còn rất nhiều hồ sơ tồn đọng, áp lực giải quyết hồ sơ liên quan đất đai rất lớn. Ảnh: T.C
Ông Nguyễn Minh Hiếu cho hay, Điện Bàn hiện còn rất nhiều hồ sơ tồn đọng, áp lực giải quyết hồ sơ liên quan đất đai rất lớn. Ảnh: T.C

“Hiện nay, Điện Bàn đang phải giải quyết lượng hồ sơ rất lớn, trung bình khoảng 150 hồ sơ/ngày. Con người không đáp ứng được, dữ liệu về đất đai chưa đảm bảo, dẫn đến trễ hẹn, gây bức xúc cho nhân dân. Nhiều người dân tự ý xây nhà trái phép, dù địa phương chỉ đạo giải quyết, xử lý nhưng thực tế vẫn diễn ra xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của người dân.

Địa phương hiện có gần 3.000 hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đề nghị các đại biểu Quốc hội đề xuất với Quốc hội điều chỉnh ngay những bất cập, nhanh chóng có sự thay đổi phù hợp để tháo gỡ tồn tại, đảm bảo quyền lợi ích của nhân dân” - ông Hiếu nói.

Thông tin về những áp lực của chính quyền địa phương xuất phát từ việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chậm hỗ trợ tái định cư cho dân, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho rằng cần có giải pháp giải quyết dứt điểm để người dân thoát khỏi cảnh “đi không được, ở không xong”, sống tạm bợ trong những ngôi nhà xuống cấp.

“Địa phương rất tích cực tuyên truyền, vận động, đồng thời kiến nghị các cấp giải quyết nhưng vẫn chưa dứt điểm. Đề nghị cần có sự vào cuộc, đừng để hình thành điểm nóng từ cơ sở” - ông Thống phát biểu.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh, thực hiện chính sách pháp luật về đất đai đang là vấn đề được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

“Hội nghị là dịp quan trọng để Đoàn Đại biểu Quốc hội lắng nghe những bất hợp lý từ thực tiễn, từ đó nắm thông tin, đưa kiến nghị, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội, góp phần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung luật, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Thời gian tới các địa phương, ngành chức năng phải tập trung, phát huy trách nhiệm, đừng để hồ sơ tồn đọng quá nhiều, quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người dân” - ông Lê Văn Dũng nói.

THÀNH CÔNG