Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội

N.ĐOAN 12/05/2022 07:57

(QNO) - Chiều 11.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm chuẩn bị nội dung tham gia Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước; Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Thị Bảo Trinh chủ trì cuộc làm việc.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và  các ngành liên quan chiều ngày 11.5. Ảnh: N.Đ
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan chiều ngày 11.5. Ảnh: N.Đ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự cuộc làm việc.

Qua thảo luận buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất chuẩn bị 4 vấn đề lớn còn đang gặp vướng mắc để tham gia phát biểu tại nghị trường hoặc chất vấn các bộ ngành liên quan.

Cụ thể là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội (khóa XIV) bị chậm trễ, nguồn lực đầu tư như hiện nay là mang tính nhỏ giọt chưa tạo sự kích thích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên lĩnh vực chế độ chính sách, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận phản ánh của cử tri các địa phương về mức trợ cấp cho đối tượng người có công cách mạng có hoàn cảnh neo đơn theo Nghị định 75 ngày 24.7.2021 của Chính phủ còn thấp. Theo đó, cần kiến nghị trung ương xem xét nâng mức trợ cấp này bằng mức chuẩn nghèo theo quy định hiện nay. Đồng thời cần xem xét đối với các trường hợp đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến và nhận ưu đãi một lần, hiện nay không được hưởng chế độ gì.

Từ thực tiễn thực hiện Nghị định 34 ngày 24.4.2019 của Chính phủ cho thấy đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn trong việc thực hiện. Ngoài ra, việc thực hiện tuyển dụng cán bộ cho các địa phương vùng cao như Tây Giang, Nam Trà My gặp rất nhiều khó khăn, không tuyển dụng được cán bộ do chưa có chính sách đột phá về thu hút cán bộ công tác ở miền núi, địa bàn đặc biệt khó khăn. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có ý kiến đối với vấn đề này tại nghị trường Quốc hội.

Vấn đề quan tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay là việc quản lý, sử dụng xe công. Qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy có những bất hợp lý và cần có ý kiến hoặc chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 tới của Quốc hội. Mặc dù, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đối với kiến nghị của Quảng Nam về vấn đề này nhưng chưa rõ ràng, không thể thực hiện được trong thực tiễn.

Đại diện lãnh đạo ngành nội vụ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: N.Đ
Đại diện lãnh đạo ngành nội vụ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: N.Đ

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho rằng Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến để trung ương xem xét cho sử dụng nguồn tiền thuê đất, thu phí tham quan hai di sản Hội An và Mỹ Sơn (các nguồn này đang dùng chi thường xuyên); hay nguồn thu từ casino Hội An sắp tới đây cho đầu tư phát triển.

Ông Phong cho biết thêm, nguồn quỹ dành cho cải cách tiền lương từ nguồn vượt thu của tỉnh ước tính hiện khoảng 5.500 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn nhưng đang bị lãng phí do không thể sử dụng vào mục đích khác.

Vì vậy, Trung ương xem xét cho trích bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương với tỷ lệ 30% còn để 70% chi cho đầu tư phát triển; hoặc trích tích lũy đến mức nào đó thì áp dụng tỷ lệ này. Còn mức trích 70% như hiện nay là quá cao.

Về thông tin Quảng Nam để giảm 2.851ha rừng tự nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, UBND tỉnh vừa có báo cáo cụ thể; trong đó xác định chỉ có 26ha rừng phục vụ cho xây dựng các công trình dân sinh, như đường giao thông, đường dây điện 500kw...

Về nguồn quỹ cải cách tiền lương, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, nếu tính cả kết dư của năm 2021 thì nguồn này sẽ trên 6.000 tỷ đồng. Một nguồn lực rất lớn, nhưng giữ nguyên đó, không sử dụng vào việc gì, trong khi tỉnh phải đi vay các nguồn vốn, như ODA để đầu tư phát triển. Từ thực tiễn đó, kiến nghị trung ương xem xét cho chủ trương được sử dụng hợp lý đối với nguồn quỹ này, hoặc điều chỉnh giảm tỷ lệ trích bổ sung quỹ cải cách tiền lương từ nguồn vượt thu, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, các ý kiến đã tập trung nêu ra các vướng mắc từ thực tiễn triển khai các luật, văn bản dưới luật. Đây là cơ sở để ĐBQH tỉnh nghiên cứu, thông qua nhiều cách để chuyển các nội dung này đến Quốc hội, các bộ ngành liên quan để xem xét tháo gỡ. Nhất là đối với những luật liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế đang gặp các vướng mắc, trong đó có Luật Đất đai, Luật Đầu tư công…

N.ĐOAN