Nâng cao nhận thức chăm sóc mắt trong cộng đồng
Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt tại Quảng Nam vẫn còn khá cao, trong đó, các tật khúc xạ về mắt tại học sinh đang tăng hàng ngày. Đây chính là lý do để mở rộng các dự án chăm sóc mắt tại cộng đồng cho người dân Quảng Nam.
Gia tăng bệnh về mắt
Sau quãng thời gian dịch bệnh, ngành y tế nhận định các bệnh liên quan về mắt ngày càng gia tăng. Làm việc online, học trực tuyến, tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều... gây suy giảm thị lực, gia tăng bệnh về mắt, đặc biệt ở học sinh.
Tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ gia tăng, trong đó, gần 40% các em đeo những cặp kính chưa tối ưu (sai số, kính hỏng), trong đó khoảng 10% đeo kính không đúng so với độ cận, loạn, viễn thị thực tế.
Các chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ cận thị học đường ở thành thị thường gia tăng liên quan đến không gian sống chật hẹp, trẻ bị hạn chế hoạt động vui chơi bên ngoài và thường xuyên phải nhìn gần với các thiết bị điện tử.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20 - 40% ở khu vực thành thị, từ 10 - 15% tại khu vực nông thôn. Trong đó, tỷ lệ mắc tật khúc xạ chiếm khoảng 20% tổng số học sinh.
Trong số những em mắc tật khúc xạ có tới 57,8% chưa được chỉnh kính, 19,8% chỉnh kính không đúng số ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển về thể chất.
Ông Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Nam cho biết, trong các đợt khám sàng lọc tại trường học, số học sinh Quảng Nam gặp các tật về mắt chiếm từ 20 - 25%, thường gặp ở nhóm tuổi THCS.
Cùng với đó, khảo sát của Tổ chức The Fred Hollows Foudation (FHF), các bệnh về mắt gây mù lòa ở người dân vẫn đang là một vấn đề quan trọng tại Việt Nam. Trong đó, đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù lòa 2 mắt ở Việt Nam (chiếm 74%), sau đó đến bệnh bán phần sau (6.3%), biến chứng sau phẫu thuật đục thể thủy tinh (4.6%), sẹo giác mạc không phải do mắt hột (4.1%), glôcôm (4.0%)... Ngoài ra, bệnh võng mạc do đái tháo đường có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Kết hợp truyền thông và chăm sóc
Hiện tại, cùng với dự án Chăm sóc mắt học đường mở rộng, FHF hiện đang hỗ trợ Quảng Nam thực hiện song song dự án “Ánh sáng hy vọng”. Đại diện FHF cho biết, hiện nay chính sách ưu việt của Bảo hiểm y tế (BHYT) đã bao phủ trên 95% dân số và cũng chi trả hầu hết các khoản chi phí mổ, điều trị các bệnh về mắt.
Tuy nhiên, do thiếu thông tin, nhận thức của người dân về chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa vẫn còn hạn chế, bên cạnh công tác khám sàng lọc các bệnh về mắt vẫn chưa được BHYT chi trả. Đây chính là rào cản cho việc tiếp cận các dịch vụ khám và chữa trị các bệnh về mắt của người dân trong tỉnh.
“Vì vậy, việc truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt kết hợp khám sàng lọc các bệnh về mắt có nguy cơ dẫn đến mù lòa là rất cần thiết đối với người dân, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn” - đại diện FHF cho biết.
Đối với việc chăm sóc mắt học đường, mục tiêu chính của các dự án hỗ trợ vẫn là tăng cường chính sách phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ nhà trường (nhân viên y tế, giáo viên và tổng phụ trách đoàn/đội) và cán bộ nhãn khoa (tuyến huyện và xã) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh.
Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho học sinh. Qua đó nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên.
Dự án đã có những tiếp cận mới. Theo đó, can thiệp sớm tại trường học được xem là rất hiệu quả để quản lý các bệnh về mắt, tình trạng suy giảm thị lực, đặc biệt là tật khúc xạ ở học sinh. Từ các hoạt động truyền thông trong nhà trường, phát hiện sớm các bệnh về mắt và giảm thị lực bằng bảng thị lực thu nhỏ, lập danh sách học sinh giảm thị lực và có bệnh về mắt.
Riêng đối với khâu chăm sóc mắt cho lứa tuổi học sinh, ông Nguyễn Minh Thu khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ cũng như quản lý thời gian dùng máy tính, tivi hoặc điện thoại mỗi ngày của trẻ. Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần chăm sóc mắt cho lứa tuổi này...