Giới hạn của truyền thuyết
Truyền thuyết và những nhân vật hư cấu xung quanh chuyện vị vua đầu triều Nguyễn “giam vợ, ném con” ngoài Côn Đảo đang nhắc chúng ta về giới hạn của sự tưởng tượng…
Hồi tháng 7.2018 có dịp đến Côn Đảo, như nhiều khách phương xa khác, tôi chiêm bái những di tích lịch sử và điểm du lịch tâm linh danh tiếng. Ngoài hệ thống nhà tù được mệnh danh “địa ngục trần gian” hay nghĩa trang Hàng Dương linh thiêng, tôi cũng kịp viếng thăm Vân Sơn tự và gửi gắm ít nhiều cảm xúc trên báo Quảng Nam về tiếng chuông địa đầu.
Lần ấy, đoàn có dừng ở An Sơn miếu. Nhưng mãi đến bây giờ, nhân câu chuyện thời sự xen kẽ trong truyền thuyết liên quan đến vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, hình ảnh ngôi miếu ấy trỗi dậy.
Ai viếng thăm An Sơn miếu cũng sẽ nghe nhắc đến bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh/Nguyễn Phúc Ánh, tức vua Gia Long sau này. Chuyện về bà vừa bàng bạc như truyền thuyết vừa chi li như chính sử.
Thuở ấy, bị quân Tây Sơn truy đuổi, bà cùng con nhỏ (hoàng tử Hội An) theo chúa Nguyễn Ánh chạy ra Côn Đảo, do ngăn cản chúa cầu viện Pháp nên bà bị giam giữ trong một hang đá. Đó là năm 1783. Hoàng tử khóc đòi mẹ liền bị chúa ra lệnh ném xuống biển, xác trôi dạt vào làng Cỏ Ống.
Bà thứ phi được 2 con vật nuôi sống trong hang đá, rồi đưa bà về làng Cỏ Ống. Sau đó, bà được làng An Hải mời dự lễ cúng tế rằm tháng 10 âm lịch, nhưng rồi bà tự tử năm 1785 sau khi bị một người làng xâm phạm danh tiết. Làng thương tiếc, lập miếu thờ… Ngôi miếu hiện tại (An Sơn miếu) được xây dựng năm 1958, ngay trên nền miếu thờ cũ.
*
* *
Khi tôi viếng, An Sơn miếu đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh hơn 10 năm, còn truyền thuyết lan truyền trong dân gian cũng ngót 200 năm. Lúc ấy, trong tôi thoáng chút do dự khi đối chiếu chính sử.
Nhà sử học Phan Khoang viết “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777” hồi năm 1967 từng nghi vấn về hành trình bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh, không ra Côn Lôn (tức Côn Đảo). “T.L.T.B (tức “Đại Nam thực lục tiền biên” - PV) nói Nguyễn vương (tức Nguyễn Ánh - NV) chạy đến đảo Côn Lôn, Trương Văn Đa đem quân vây đảo ba vòng. Nhưng chu vi Côn Lôn rộng, quân đâu mà vây được ba vòng. Vậy Nguyễn vương chạy đến đảo Cổ Long thì đúng hơn” (Sđd, Nhà sách Khai Trí, trang 648).
Nhưng rồi, chi tiết ấy nhanh chóng thoáng qua và “khuất lấp” trong huyền tích. Câu chuyện lâm li về mẹ con bà thứ phi tiếp tục được kể, mỗi khi có khách đi tour ra thăm Côn Đảo. Cho đến đầu tháng 4 năm nay, khi di tích này được “thăng hạng”, lễ giỗ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì truyền thuyết xưa đã bị kéo trở về với thực tại.
Có nhiều lý do để Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cùng với một số nhà nghiên cứu phản bác. Bởi bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Hội An là 2 nhân vật không có trong thế phả của hoàng tộc và chính sử triều Nguyễn.
Truyền thuyết bà Phi Yến cũng khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, dần biến thành tục thờ Bà Cậu khi tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ ở Nam Bộ. Chưa kể, đoạn mô tả chúa Nguyễn Ánh “giam vợ, ném con” bị cho là xúc phạm vị vua lập ra vương triều nhà Nguyễn…
Đến nay, nhiều chi tiết chép trong chính sử vẫn đang được giới chuyên môn bàn luận, thí dụ sự kiện chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Đảo. Vẫn thấy có nhà nghiên cứu dẫn “Đại Nam thực lục” để khẳng định “Côn Lôn” chính là “Côn Đảo”.
Tuy nhiên, từ năm 1930, học giả người Pháp Charles B.Maybon quả quyết “Côn Lôn” trong ngữ cảnh quân Tây Sơn truy đuổi chúa Nguyễn Ánh hồi năm 1783 không phải địa danh “Côn Đảo” mà là Koh-rong (đảo Cổ Long), hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc.
Lúc ấy, chúa Nguyễn Ánh phiêu bạt ở vịnh Xiêm La, từ Phú Quốc chạy ra Koh-rong (đảo Cổ Long), đến Koh-kut (đảo Cổ Cốt), rồi trở lại Phú Quốc, đến Poulo-Panjang (đảo Thổ Chu).
*
* *
Truyền thuyết có sức sống riêng, có thể vô hạn; nhưng khi hiển hiện lên hồ sơ di tích thì cần xác lập giới hạn. Ngành quản lý văn hóa hẳn sẽ xem xét kỹ đề xuất của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam xung quanh việc thu hồi danh hiệu di sản quốc gia đối với lễ giỗ bà thứ phi.
Bởi dù có là “biểu đạt văn hóa”, “thực hành văn hóa” khi công nhận lễ hội ở tầm quốc gia, thì nhân vật lịch sử (vua Gia Long) vẫn không thể đánh đồng với các nhân vật truyền thuyết khác như vua Hùng, Thánh Gióng…
Sực nhớ, tác giả Phạm Hoàng Quân trong tác phẩm “Những mảnh sử rời” (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2018) có một phiếm đàm về “Bia, miệng, và sử” gây chú ý. Ông nhắc đến địa danh Đá Bia/Thạch Bi sơn và chuyện vua Lê Thánh Tông bình Chiêm năm 1471. “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ viết vua đánh hạ kinh đô Đồ Bàn rồi quay về.
Hơn 300 năm sau, năm 1776, Lê Quý Đôn viết “Phủ biên tạp lục” có mô tả: “Mài đỉnh núi dựng bia để phân ranh giới, lưng bia hướng bắc, mặt bia hướng nam. Vì quá lâu năm nên bia mòn mất chữ”.
Đến năm 1820, Phan Huy Chú viết trong “Dư địa chí”: “Khi Thánh Tông bình Chiêm mới mài đá trên đỉnh núi, dựng bia làm mốc giới”. Đến nửa cuối thế kỷ 19, trong “Đại Nam phương dư chính biên”, Nguyễn Văn Siêu còn viết kỹ hơn: “Tương truyền văn bia ghi rằng: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất; An Nam qua đây, tướng chết quân tan”.
Thế rồi, đến năm 1934, có vị tri phủ Tuy Hòa nhận lời khảo sát đỉnh núi Đá Bia giúp một thành viên Hội Đô thành hiếu cổ - Huế lại khẳng định rằng “người ta không khắc lên đó một hàng chữ nào cả”, nếu có thì ở nơi nào đó chứ không phải núi Đá Bia. Từ đó, tác giả Phạm Hoàng Quân gọi đấy là “câu chuyện sử học cổ tích”.
Ông bảo, từ chỗ vua Lê chưa từng đến núi Đá Bia, dần dần chép ra “đi ngang qua”, rồi chép “có khắc bia”, rồi “bia bị mờ”, thậm chí có người còn nhớ đầy đủ 2 câu khắc trên đá…
Những ghi chép tiếp nối của đời sau vô tình “khắc” thành bia miệng cho tấm bia đá trên núi Đá Bia. Truyền thuyết và hư cấu lâu nay về vị vua “giam vợ, ném con” ngoài Côn Đảo, nếu không vạch giới hạn, cũng sẽ lập bia đá cho một di sản.