Thay đổi địa danh do lệnh kiêng chữ húy

HY GIANG 08/05/2022 06:10

Trong các nguyên nhân khiến địa danh thay đổi thì lệ kiêng húy là một nguyên nhân quan trọng.

Lệnh kiêng húy chữ Hoa trong tư liệu Châu bản triều Nguyễn.
Lệnh kiêng húy chữ Hoa trong tư liệu Châu bản triều Nguyễn.

Triều Nguyễn cũng như các triều đại trước đều có định lệ cấm đặt tên đất, tên người trùng với chữ húy. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu trường hợp thay đổi địa danh do lệnh kiêng tên húy của Thuận Đức Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa dưới thời vua Thiệu Trị.

Kiêng húy chữ “Hoa”

Dưới triều Nguyễn, các vị vua ban hành rất nhiều lệnh kiêng húy, trong đó vua Thiệu Trị trong 7 năm tại vị đã 8 lần xuống dụ ban bố lệnh kiêng húy, “khiến cho định lệ kiêng húy thời Thiệu Trị trở thành phức tạp nhất đời Nguyễn” (Ngô Đức Thọ, 1997, “Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại”, NXB Văn hóa, Hà Nội, tr.176). Trong số các chữ húy được ban bố dưới thời vị vua này, có lẽ chữ trọng húy “Hoa” được biết đến nhiều nhất.

Chữ Hoa là tên húy của Thuận Đức Nhân hoàng hậu, mẹ vua Thiệu Trị. Bà nguyên tên là Hồ Thị Hoa (1790 - 1806), con gái Chưởng cơ Hồ Văn Vui, được chọn làm chính phi của hoàng tử Đảm (nối ngôi vua Minh Mạng).

Bà được vua Gia Long ban chữ Thật làm tên với ý nghĩa: “Nguyên là tên Hoa có nghĩa là chỉ được tiếng thơm trong bốn mùa, sao bằng Thật có nghĩa là phúc quả để lại muôn năm thì tốt hơn”. Sau khi sinh con trai là Miên Dung (nối ngôi - tức vua Thiệu Trị) được 13 ngày, bà lâm bệnh rồi mất khi mới 17 tuổi; đến năm Thiệu Trị 1 (1841) được tôn phong là Thuận Đức Nhân hoàng hậu.

Về sự kiện định lệ kiêng tên húy của Thuận Đức Nhân hoàng hậu, vào tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 1 (3.1841), Bộ Lễ xin ban bố quy định kiêng húy các chữ ngự danh (tên của vua) và ngự húy hoàng tỷ (mẹ vua) có khoản: (1) Viết gia dạng ở trên đầu, khi đọc phải kiêng âm, tên người, tên đất cấm dùng chữ Hoa 華, Thật 實 và (2) Viết bớt nét, khi đọc phải kiêng âm, tên người, tên đất cấm dùng chữ Hoa 華.

Nếu vi phạm những chữ cấm dùng thì xử theo tội vi chế mà tăng nặng. Vua Thiệu Trị đích thân duyệt kiến nghị của Bộ Lễ, cho ban bố rộng rãi và gửi bản sao lục cho Quốc sử quán căn cứ để tuân hành.

Theo tài liệu Châu bản, chúng ta biết được việc ban bố và thực thi lệnh kiêng húy này một cách cụ thể: Vào ngày 12 tháng 3 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), các quan Nội các phụng Thượng dụ căn cứ tập tâu của Bộ Hộ trình về tên các tổng, xã, thôn phường cho đến quan dân, nguồn tấn trong các tỉnh cả nước, trong đó tên người tên đất đồng âm, đồng dạng với chữ húy. Không được mạo dùng xin do quan các địa phương kiểm tra sửa lại (…)

Trong đó bàn xin như phủ Thăng Hoa tỉnh Quảng Nam làm phủ Thăng Bình; huyện Mộ Hoa tỉnh Quảng Ngãi làm huyện Mộ Đức; phủ Hà Hoa tỉnh Hà Tĩnh làm phủ Hà Thanh, huyện Kỳ Hoa làm huyện Kỳ Anh, huyện Hoa Xuyên làm huyện Cẩm Xuyên (Châu bản triều Nguyễn - Thiệu Trị, Tập 7, Tờ 197).

Về quy định viết bớt nét, không lâu sau, cũng trong năm 1841, nhà vua cho sửa lại: đối với chữ Hoa (trong từ hoa thảo), khi đọc phải tránh âm, cấm dùng để đặt tên người tên đất, ngoài ra không phải viết bớt nét: “Nay truyền đổi lại là chữ Hoa trong hoa cỏ trừ lúc đọc cần tránh đọc âm hoa trong tên người, tên đất, còn lúc viết văn miễn không phải lược bỏ nét” (Châu bản triều Nguyễn - Thiệu Trị, Tập 10, Tờ 244).

Sau khi ban bố, các địa danh trên cả nước đều có sự thay đổi. Một mặt, cùng với tên người, các tên đất có chữ Hoa thì sẽ kiêng âm Hoa, thường được đọc trại thành Ba (Đông Hoa đọc thành Đông Ba, Hoa Phong đọc thành Ba Phong), Huê... Mặt khác, các địa danh, nhất là địa danh làng xã nếu có chữ Hoa thì đều phải đổi thành chữ khác.

Sự thay đổi địa danh

Kết hợp tư liệu Hán Nôm gồm Minh Mạng tấu nghị, tập tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên, tư liệu địa bạ, sách “Đồng Khánh địa dư chí” cùng tư liệu điền dã tại địa phương, chúng tôi bước đầu xác định và thống kê một số địa danh (1 phủ, 6 xã, 3 thôn, 1 phường, 1 tộc) được đổi tên do lệnh kiêng húy chữ Hoa như dưới đây và ghi chú về địa bàn hiện nay:

- Thăng Hoa phủ 升華府 đổi thành Thăng Bình phủ 升平府, địa bàn gồm các huyện nằm phía nam sông Thu Bồn hiện nay.

- Hoa Thử xã 花黍社 đổi thành Phong Thử xã 豐黍社, nay là thôn Phong Thử, Điện Thọ, Điện Bàn.

- Mã Châu Đông Hoa thôn 馬洲東花村 đổi thành Mã Châu Thành thôn 馬洲成村, nguyên tên Bà Mã châu Đông Hoa thôn, nay thuộc khối phố Châu Hiệp, Nam Phước, Duy Xuyên.

- Hoa Trúc thôn 花竹村 đổi thành Thanh Trúc thôn 靑竹村, nguyên tên Tre Hoa thôn, nay là thôn Thanh Trúc, Trà Đông, Trà Dương, Bắc Trà My.

- Hoa Lư phường 花鱸坊 đổi thành Lư Ngư phường 鱸魚坊, nguyên tên Bàu Lư phường, nay thuộc thôn Nam Hà 2, Điện Trung, Điện Bàn.

- Hoa Tú xã 花秀社 đổi thành Thanh Tú xã 靑秀社, nguyên tên Bàu Nạy xã, nay là thôn Thanh Tú, Điện Thắng Nam, Điện Bàn.

- Hoa Phô xã 花鋪社 đổi thành Sơn Phô xã 山鋪社, nay thuộc khối phố Sơn Phô, Cẩm Châu, Hội An.

- Hoa Trà Đông thôn 花茶東村 đổi thành Phương Trà thôn 芳茶村, nay thuộc thôn Thi Phương (được ghép từ tên làng Thi Lai và Phương Trà), Điện Phong,  Điện Bàn.

- Hoa Trà Tân tộc 花茶西村 đổi thành Thanh Trà thôn 靑茶村, nay thuộc thôn Thanh Trà, Tam Nghĩa, Núi Thành.

- Hoa Đán xã 花旦社 đổi thành Xuân Đán xã 春旦社, nguyên tên Bàu Đán xã, nay thuộc các khối phố Xuân Đán 1, Xuân Đán 2, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng.

- Hoa Hồ xã 花胡社 đổi thành Đông Hồ xã 東胡社, nay là thôn Đông Hồ, Điện Hòa, Điện Bàn.

- Hoa Ổ xã 華塢社 đổi thành Hóa Ổ xã 化塢社, nay thuộc khối phố Nam Ô, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Qua thống kê trên, chúng ta thấy chữ Hoa trong địa danh ở vùng đất Quảng Nam xưa được chọn đổi rất linh hoạt: chữ Hoa nếu là chữ đầu trong địa danh thì có thể đổi thành Thanh, Phong, Sơn, Phương, Xuân, Hóa…; còn nếu là chữ phía sau trong địa danh thì có thể đổi thành Bình, Thành… Đặc điểm này có thể giúp xác định sự thay đổi nhiều địa danh khác cùng do kiêng chữ húy này.

Ngoài chữ húy Hoa, các chữ húy khác dưới thời các vua triều Nguyễn như Kim, Tuyền, An, Lân, Minh, Bảo… cũng khiến địa danh, nhất là địa danh làng xã ở xứ Quảng thay đổi rất nhiều, chúng tôi sẽ giới thiệu lần lượt vào dịp khác.

HY GIANG