Hương làng trong vị khoai Trà Đỏa
Đâu đó, nơi góc làng Trà Đỏa (xã Bình Đào, Thăng Bình) vẫn còn những người nặng lòng với khoai. Là bởi, họ muốn níu giữ vị làng ở lại cùng trăm năm xứ sở...
Một thuở, cư dân lớn lên nơi miệt cát dài xứ Quảng ít nhiều đều nương vào củ khoai để dắt díu nhau qua mùa khốn khó. Người Bình Đào càng xem khoai là một loại lương thực để đắp đổi qua ngày. Rồi chẳng hay củ khoai làng mình qua bao ngả đi về lại trở thành đặc sản.
Từ thuở mang khoai đi… biếu tết
Câu ca “Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn” hay “Nhất gái Việt An/ nhì khoai lang Trà Đỏa” đến bây giờ vẫn còn nằm lòng nơi các bà, các mẹ một thời gồng gánh chạy chợ. Qua bao quang gánh đi về, khoai Trà Đỏa dần đi vào tiềm thức cư dân xứ Quảng như là thức quà quê thơm thảo.
Những vị cao niên trong làng vẫn còn nhớ về đận mang khoai đi… biếu tết. Thời bao cấp, những củ khoai trùi sa to nhất, nặng gần 2 ký mỗi củ (hay còn gọi là khoai chục) được bảo quản cẩn thận để mang xuống miệt biển tặng cho sui gia. Ở chiều ngược lại, người miền biển kỉnh cho dân trong đồng con cá thu gọi là đáp lễ.
Những năm sau chiến tranh, nhà nào có đất trồng khoai được là đất quý. Bởi chỉ có đất ở thôn Trà Đỏa và một ít khu vực khác ở Bình Đào trồng khoai tốt. Khoai Trà Đỏa chỉ làm 1 mùa sau khi thu hoạch lúa đông xuân.
Mùa khoai về, cha mẹ muốn sắm sửa cho con cái quần áo mới thì trông cả vào mấy rò khoai này. Còn lại bao nhiêu, xắt khô trữ chum, tằn tiện tinh bột bổ sung chống đói cả nhà mùa giáp hạt.
Mấy năm nay, người làng Trà Đỏa vẫn hay truyền tai nhau câu chuyện ông Nho - người trong làng trên đường bắt xe đò đi công chuyện ra Đà Nẵng thì được người lạ dẫn vào quán để thết đãi một bữa ra trò.
Số là do khi bắt chuyện biết ông Nho người làng Trà Đỏa, người đàn ông đi cùng chuyến xe mới thú thực cả gia đình hồi chiến tranh chạy tản cư vào làng bữa đói, bữa no dắt díu nhau qua được đận đó cũng nhờ vào… củ khoai Trà Đỏa.
Dẫu còn đó mối lo sinh kế, ông Trần Hữu Long - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Trà Đỏa vẫn nặng lòng với khoai.
Khi chúng tôi đề cập về chuyện giống khoai vồ điệp trứ danh của làng một thời đã lạc mất có ảnh hưởng đến thương hiệu khoai Trà Đỏa, ông Long quả quyết: “Tiếng lành của khoai Trà Đỏa là kết quả của nhiều yếu tố như đất cát pha, nước, cách canh tác chứ không hẳn bởi giống khoai vồ điệp. Giống vồ điệp đã thất lạc hơn nửa thế kỷ rồi nhưng khoai Trà Đỏa vẫn nức tiếng đấy thôi.
Giống trùi sa trồng lâu nay cũng rất ưu việt khi cho năng suất tốt hơn, canh tác ngắn ngày hơn và độ tinh bột vẫn tương đương với vồ điệp. Nếu là khoai Trà Đỏa đúng vụ, làm trên nền đất rạ, bón lót lá tre và rong vớt từ sông Trường Giang thì người sành khoai cắn một mẩu cảm nhận được ngay vị riêng mà chỉ ở loại khoai có lượng tinh bột cao mới sở hữu”.
Ký ức rời rạc
Mỗi lần ai đó nhắc về khoai Trà Đỏa là ông Long như trẻ lại. Trong ký ức của người đàn ông ở ngưỡng 60 tuổi này vẫn thấp thoáng hình ảnh chộn rộn của mùa thu hoạch khoai ngày cũ. Tháng Bảy âm lịch, từ các nẻo đường, thương lái tề tựu về chợ Bến Đá, chợ Bà, chợ Được để gom khoai đi Hội An, Đà Nẵng.
“Hồi đó nhà ai cũng có 2 thúng nhỏ chuyên đựng khoai. Xếp đầy 2 thúng gọi là 1 đôi. Gánh vô chợ, rồi thương lái nhìn vào thúng tính tiền chứ không cần cân. Cứ 1 rò khoai đào thẳng tới 2m là được 1 gánh khoai. Khoai Trà Đỏa chỉ có trồng trên đất pha của vùng Đồng Lành, Đồng Mùn, Kim Lệ (đều thuộc thôn Trà Đỏa) là ngon nhứt. Dưới thôn Vân Tiên cũng có làm nhưng ít hơn” - ông Long kể.
Cũng độ tháng Bảy âm lịch, dân vùng tây Thăng Bình đổ về mua ngọn. Bởi khoai không lưu giống, cứ đến mùa thu hoạch thì mua ngọn về trồng. Người làng Trà Đỏa cũng không giữ giống được, chỉ một ít hộ có đất thổ cao không bị lụt thì giữ giống, còn lại cũng đến mùa ngược lên vùng tây của huyện mua ngọn.
“Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, người Trà Đỏa luôn quan niệm khoai lấy giống tại chỗ trồng tiếp cho vụ sau thì khoai sẽ chạ, củ không to. Lạ lùng, dù ngọn khoai xuôi ngược đi về, thì chỉ sinh sôi trên đất Trà Đỏa, khoai mới mang được vị “Trà Đỏa”.
Nhắc về khoai, người trung niên làng Trà Đỏa lại nhớ đến chòi lá, tiếng dế kêu dưới những đêm trăng sáng vằng vặc. Cái buổi rò khoai còn là tài sản quý, người người phải ra đồng canh nước, đến phiên mình đắp nước thì phải giữ cho ruộng khoai nhà đầy nước, nếu không có mặt thì người ta dẫn nước đi lối khác ngay.
Khi chưa có dòng nước lành từ hồ Phú Ninh, động cát ven rừng giữ và rỉ nước quanh năm là mạch nguồn tưới mát cánh đồng khoai Trà Đỏa. Vạn chài trên dòng Trường Giang chưa quên những đận ngang qua Bình Đào ghé lại đìa Làng, giếng Lách, giếng Tiên để tiếp nước giữa nắng hè bỏng rát. Tháng năm khai đất, vỡ làng khiến những “chứng nhân” của vựa khoai Trà Đỏa dần xóa nhòa, phai nhạt.
Vãn chợ, thôi đò. Củ khoai Trà Đỏa mất hút từng ngày từ thủa bữa cơm của người nhà quê dần ăm ắp cá, thịt…
Còn lối nào cho khoai?
Ráng chiều ngả bóng trên cánh đồng phảng phất mùi rơm rạ. Một người dân trong làng tiếc rẻ: “Từ đây (cây xăng Bình Đào - PV) chạy dọc lên rừng, hồi đó nhìn về hai bên chỉ có khoai ngút ngàn hết tầm mắt”. Từ “vựa” khoai hàng trăm héc ta, giờ đây nơi này chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 2ha đất canh tác khoai Trà Đỏa chính vụ.
Chợt nhớ, hôm rồi có đoàn học sinh địa phương đến tham quan, trải nghiệm không gian khoai Trà Đỏa của hợp tác xã. Mừng là có đoàn ghé tìm hiểu nhưng những người làm hợp tác xã cũng ẩn chứa trăn trở khi các em cảm nhận, trải nghiệm bàn chà khoai, cách xắt khoai như những du khách thực thụ. Dường như chính người trẻ của Trà Đỏa cũng đang lạ lẫm với củ khoai quê nhà…
Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết: “Diện tích canh tác thì vẫn còn đó nhưng người dân chuyển sang làm lúa hoặc cây màu khác hết rồi, chỉ còn vài hộ trồng xen thửa trong vườn. Vì khoai làm thời gian lâu, công nhiều, tìm đầu ra vất vả mà lợi nhuận không cao hơn.
Xã cũng nhiều lần tính về việc phục hồi, trước đây cũng đưa vô nghị quyết mấy lần để quyết tâm thực hiện nhưng không thành công. Hiện có 2 hợp tác xã chế biến sản phẩm từ khoai Trà Đỏa, nếu phát triển tốt sẽ tiếp tục nâng tầm. Có cá nhân đề cập dự án khoảng 5ha liên quan đến khoai Trà Đỏa nhưng chỉ mới dừng ở chặng nghiên cứu”.
Có mấy bận, ông Long khăn gói lên Tây Nguyên lân la dò tìm về giống khoai vồ điệp đã thất lạc. Hình ảnh người đàn ông này miệt mài qua từng cánh đồng dò hỏi về củ khoai ruột hơi vàng, củ to đến 2kg với mong mỏi gầy lại giống khoai huyền thoại của quê nhà nhưng vẫn biệt dấu, lận đận như chính thương hiệu khoai Trà Đỏa.
“Trong khi các nơi khác sản phẩm người ta làm bạt ngàn rồi muốn nâng tầm thì gom lại làm thương hiệu. Đây thương hiệu đã đi trước, sản phẩm phải vực dậy đi sau mà không có vùng nguyên liệu nên rất khó. Cứ lấn quấn giữa đầu ra với đầu vô” - ông Long trầm tư.
Đã nhiều lần trong các bữa buffet hay tea break (tiệc nhẹ giải lao giữa giờ hội nghị), chúng tôi thấy đầy ứ các món ăn dân dã địa phương. Bắp, khoai, sắn… nhiều khi lại hấp dẫn với các đại biểu, du khách hơn là món ăn sang trọng.
Củ khoai Trà Đỏa bây giờ có thể sản xuất thành khoai măng, khoai lang sấy, khoai chà và cả bánh các loại. Nhưng quãng đường từ ruộng khoai đến bàn tiệc vẫn còn lắm gian nan như dòng Trường Giang chảy qua bao đụn cát.
Ông Long cũng như các thành viên khác dựng lên hợp tác xã với mong mỏi rất bình dị. Họ chưa muốn nghĩ xa xôi, chỉ mong không gian khoai Trà Đỏa là nơi trở về. Giữa suy tư trong đáy mắt, họ vẫn tin vào ngày mai, rằng khoai Trà Đỏa sẽ vẫn lặng lẽ tỏa hương như câu ca “Trăng rằm đã tỏa lại tròn/ Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”…