Tôn vinh lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp và biến đổi khí hậu
(QNO) - Giải thưởng Lương thực thế giới (World Food Prize) năm nay tôn vinh nghiên cứu sáng tạo nhằm góp phần cải thiện hệ thống lương thực và nông nghiệp toàn cầu, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Cynthia Rosenzweig (năm nay 64 tuổi), một nhà nông học người Mỹ, chuyên gia nghiên cứu khí hậu của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vừa được trao Giải thưởng lương thực thế giới (World Food Prize) năm 2022. Bà dành phần lớn sự nghiệp của mình để giải thích cách sản xuất lương thực toàn cầu thích ứng với khí hậu thay đổi.
Ngay sau khi nhận giải thưởng vào ngày 5.5 vừa qua, bà Cynthia Rosenzweig nói: “Về cơ bản chúng ta không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trừ khi chúng ta giải quyết các vấn đề phát thải khí nhà kính. Chúng ta không thể cung cấp an ninh lương thực cho tất cả mọi người trừ khi chúng ta làm việc thực sự chăm chỉ để phát triển các hệ thống có khả năng chống chịu”.
Trước đó, vào ngày 4.5.2022, báo cáo của Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực nêu rõ, khoảng 193 triệu người ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2021, tăng gần 40 triệu người so với con số kỷ lục trước đó vào năm 2020.
Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến con số đau lòng trên là sản lượng lương thực giảm vì hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez nói: “Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Những cánh đồng lúa ngập chìm trong lũ lụt, cây lương thực khác bị khô héo vì hạn hán, các đại dương có tính a xít mạnh hơn giết chết các loài sinh vật biển. Có thể chúng ta sẽ không hiểu được tất cả những vấn đề này như ngày nay nếu không có một phần công lao của Tiến sĩ Cynthia Rosenzweig".
Bà Cynthia Rosenzweig là người sáng lập một dự án về nông nghiệp và biến đổi khí hậu, thu hút các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới để cải tiến các phương pháp dự đoán về hiệu suất trong tương lai của các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm khi khí hậu toàn cầu thay đổi để từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó.
Ví như, việc phát triển các gói thích ứng, có thể bao gồm sử dụng các loại hạt giống chịu hạn tốt hơn và cải thiện các phương pháp quản lý nguồn nước. Tại Bangladesh, bà Cynthia Rosenzweig cùng nhóm các chuyên gia đang làm việc với nông dân trồng lúa để phát triển các phương pháp quản lý ruộng lúa mới, giảm lượng khí mê tan thải ra từ quy trình sản xuất hiện có.
Nhà khí hậu học Cynthia Rosenzweig hoàn thành những dự báo đầu tiên về việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất lương thực ở Bắc Mỹ vào năm 1985 và trên toàn cầu vào năm 1994.
Bà cũng là một trong những nhà khoa học đầu tiên ghi nhận rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất và trồng trọt lương thực. Ngược lại, các hoạt động sản xuất nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Giải thưởng Lương thực trị giá 250.000 USD được xem là giải Nobel về thực phẩm và nông nghiệp. Ông Norman Borlaug, người sáng lập giải thưởng này từng đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1970 vì những đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu.