Doanh nghiệp đồng hành du lịch xanh
Từ sau Hội thảo du lịch bền vững Quảng Nam 2019 – “du lịch không rác thải nhựa”, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch đã tham gia hệ sinh thái tuần hoàn và tái chế. Tính đến nay đã có hơn 40 DN du lịch – dịch vụ cam kết thực hiện khung hành động giảm thiểu rác thải nhựa và áp dụng quy trình tuần hoàn rác hữu cơ trong hoạt động.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã hợp tác với Tổ chức Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) khảo sát, xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh cho Quảng Nam, trên cơ sở tham chiếu các tiêu chuẩn du lịch xanh của thế giới trong điều kiện hoạt động du lịch của tỉnh. Bộ tiêu chí này là công cụ cho việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh được Hiệp hội Du lịch tỉnh định hướng cho thời kỳ hậu “du lịch không rác thải nhựa”.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do tình hình dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, nhưng qua vận động có hơn 40 DN đã đồng hành và có 14 DN cam kết tiên phong thực hiện Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam. “Nhóm DN tiên phong này rất quan trọng, nếu thành công thì việc lan tỏa để làm du lịch xanh ở Quảng Nam sẽ càng sâu rộng và trở thành xu thế tất yếu” - ông Thanh nói.
Du lịch Quảng Nam đã trải qua giai đoạn đáp ứng gần như vô điều kiện các nhu cầu tour tuyến, lưu trú và dịch vụ du lịch khác của du khách. Sự phát triển với tốc độ “nóng” đã khiến nhiều DN du lịch và các đơn vị quản lý không kịp quy hoạch hay nhìn lại để xác định hướng đi thực sự bền vững, dẫn đến gây phương hại đối với hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo áp lực cho sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Cảnh tỉnh trước hồi chuông báo động do khủng hoảng Covid-19 để lại, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025.
Định hướng quyết sách mang tính bền vững này đang được lan tỏa trong cộng đồng và những nhà làm du lịch cùng các hoạt động dịch vụ phụ trợ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện và hoạch định giải pháp không đơn giản bởi mỗi DN du lịch cần sự kiên định trong thay đổi phương thức quản trị, đầu tư chiều sâu, có lộ trình phù hợp và thiện chí đồng hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, các DN cần xác định lại vị trí, mục đích, ý nghĩa của du lịch xanh, bàn thảo kỹ lưỡng hơn về các giải pháp phát triển, trong đó có giải pháp tái cơ cấu thị trường khách, các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch gắn với phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Theo ông Phan Xuân Thanh, dịch Covid-19 đã làm hao hụt nguồn lao động trong tỉnh, hàng nghìn người bỏ nghề du lịch và quay qua làm những ngành nghề khác. Vì vậy đây là cơ hội vàng để đào tạo lại đội ngũ những người làm du lịch xanh, vì kiến thức của lực lượng lao động cực kỳ quan trọng.
“Cho dù băng qua khủng hoảng vì đại dịch, kiên định mục tiêu và đồng hành vì du lịch xanh của Quảng Nam bằng chính nội lực và niềm tin của mình, DN du lịch Quảng Nam cũng rất cần sự đồng hành về cơ chế chính sách, cần sự thừa nhận, trân trọng đối với nỗ lực của họ” - ông Thanh nói.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã đề xuất nhiều giải pháp như quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nương tựa vào nông nghiệp; thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho DN, tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới; chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên…
Những dấu ấn du lịch xanh của Quảng Nam đã bắt đầu hiện rõ trên những bước đi của nhiều DN du lịch. Năng lượng và động lực cho hành trình dài hơi, bền vững cũng đến từ sự khích lệ, cơ chế chính sách thông thoáng, sự đồng hành từ nhà chức trách, các đối tác và sự chia sẻ của cộng đồng.