Công nghiệp và du lịch - sự lựa chọn mang tính lịch sử - Kỳ 1: Xây nền móng vững chắc

ĐINH VĂN THU 06/05/2022 06:35

Quảng Nam sau 25 năm tái lập tỉnh đã có bước thay đổi lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần; tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Trong những kết quả đạt được của tỉnh, phải kể đến sự đóng góp to lớn của ngành công nghiệp và dịch vụ - du lịch.

Giai đoạn 2001-2005, một số doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị ngành công nghiệp và đóng góp lớn ngân sách cho Quảng Nam, trong đó phải kể đến các nhà máy của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Ảnh: L.VŨ
Giai đoạn 2001-2005, một số doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị ngành công nghiệp và đóng góp lớn ngân sách cho Quảng Nam, trong đó phải kể đến các nhà máy của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Ảnh: L.VŨ

KỲ 1: XÂY NỀN MÓNG VỮNG CHẮC

Ngay sau khi tái lập, Quảng Nam đã xác định lựa chọn quyết sách phát triển kinh tế theo hướng năng động, phù hợp, từng bước ổn định sản xuất, nỗ lực thu hút mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.

Từ đây, kinh tế dần thoát khỏi trì trệ, bước đầu khắc phục khó khăn và tạo nền tảng cơ bản ưu tiên phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ - du lịch. Đây chính là sự lựa chọn mang tính lịch sử, có bước đột phá lớn trong tư duy sáng tạo, tạo động lực phát triển của tỉnh cho những năm tiếp theo.

Từng bước tạo dựng

Đà phát triển bền vững

Kinh tế - xã hội của Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015 đã có những chuyển biến tích cực, chiến lược phát triển ngành CN chủ lực phát huy tác dụng, tăng trưởng ở mức khá và đột biến, tăng nhanh tỷ trọng ngành CN từ 32% lên 40% trong toàn nền kinh tế của tỉnh.

Trong vòng 5 năm đã tăng gấp 3 lần, trong đó chủ lực là ngành CN ô tô với giá trị đóng góp trong tăng trưởng và thu ngân sách ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Năm 2015, sản lượng ô tô sản xuất và lắp ráp đạt mức 75 nghìn chiếc (tăng 98%); chiếm 54% giá trị sản xuất toàn ngành CN (giá hiện hành); CN điện năng tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010 (tăng 12,4%/năm); ngành sản xuất gia công may mặc và giày da tăng nhanh gấp 2 - 3 lần so với năm 2010 (tăng 45%/năm)…

Lĩnh vực du lịch có hướng phát triển mới, kết nối với phía nam và phía tây của tỉnh; các hình thức du lịch cộng đồng, homestay, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, sinh thái… phát triển khá mạnh thu hút nhiều lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng; thị trường khách du lịch quốc tế duy trì ổn định và tăng mạnh; khách nội địa cũng tăng nhanh chóng do nhu cầu tăng cao.

Đến năm 2015 tổng lượt khách đạt gần 4 triệu lượt gấp gần 2 lần so với năm 2010 (tăng 13,7%/năm); trong đó lượng khách quốc tế lưu trú duy trì mức tăng ổn định (tăng 7,4%/năm).

Hạ tầng du lịch nhanh chóng hoàn thiện (cầu Cửa Đại hoàn thành tạo điều kiện phát triển các khu du lịch và khớp nối các điểm du lịch ven biển phía Nam), trong 5 năm tăng thêm 31 khách sạn (tăng 17 khách sạn gắn sao; tăng 1.575 buồng và tăng 2.386 giường)...

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (1997 - 2000) kinh tế Quảng Nam đạt được những kết quả cơ bản: Sản xuất nông nghiệp dần đi vào ổn định; công nghiệp (CN) đã có bước khởi sắc với việc hình thành khu CN đầu tiên - Khu CN nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn).

Sản xuất CN có bước phát triển khá, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 1997 - 2000 tăng 19,1%/năm (quy mô tăng gấp 2,3 lần). Số lượng cơ sở và lao động CN cũng tăng lên đáng kể.

Đến năm 2000, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp nhà nước, 45 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 3 doanh nghiệp FDI và gần 11 nghìn cơ sở cá thể hoạt động sản xuất ngành CN (tăng gần 27% số cơ sở và 59% số lao động so với năm 1996), tỷ trọng ngành CN chế biến chế tạo chiếm gần 87%, CN khai thác chiếm 9%.

Trong giai đoạn này, du lịch chỉ là một ngành còn non trẻ. Tuy nhiên, khi Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), du lịch đã thật sự khởi sắc, lượng khách du lịch bắt đầu tăng cao (59,5%/năm), nhiều khách sạn nhỏ lần lượt ra đời.

Năm 2000, toàn tỉnh có 27 khách sạn, chủ yếu ở khu vực tư nhân trên địa bàn Hội An. Làn sóng đầu tư vào du lịch Quảng Nam cũng chuyển động với những khu resort lớn được xây dựng ven biển như Victoria, Hội An Beach, The Nam Hải, Palm Garden…

Thời điểm này, đề án quy hoạch phát triển du lịch ven biển từ Điện Bàn đến Hội An cũng đã được tỉnh phê duyệt, mở ra hướng phát triển cho du lịch Quảng Nam không chỉ là di sản mà còn có biển.

Ổn định hướng đi

Quảng Nam đã lựa chọn con đường công nghiệp hóa để phát triển và đã có nhiều chủ trương quan trọng, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2003, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển tỉnh Quảng Nam thành tỉnh CN. Ngành CN tiếp tục có sự phát triển nhanh, các quy hoạch định hướng, quy hoạch ngành cùng nhiều cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư được ban hành.

Cùng với sự đóng góp của Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với việc thu hút đầu tư nhiều dự án mới; năm 2003, sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai là bước đi đột phá tạo nền tảng phát triển CN, góp phần tăng trưởng kinh tế đối với Quảng Nam.

Nhiều dự án mới, nhiều doanh nghiệp tư nhân và FDI được thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới để phát triển. Một số doanh nghiệp CN lớn đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị, tăng nhanh quy mô sản xuất, giải quyết việc làm và đóng góp ngân sách cho tỉnh, trong đó phải kể đến các nhà máy của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), các Công ty Giày Rieker, Đồng Tâm, May Hòa Thọ…

Giá trị sản xuất CN tăng bình quân hằng năm lên đến 25,4% trong giai đoạn 2001-2005, sản lượng CN một số ngành quan trọng tăng vượt bậc và dần trở thành ngành CN chủ lực của tỉnh, gồm: bia chai, giày da; thủy sản chế biến, gạch men, đặc biệt là sản xuất và lắp ráp ô tô.

Hoạt động du lịch cũng có sự đột biến trong giai đoạn này. Sau 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2001 - 2005, du lịch Quảng Nam đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng lượt khách đạt 25,8%/năm, đóng góp lớn về doanh thu du lịch (năm 2005 đạt mức 260 tỷ đồng gấp gần 7 lần so với năm 2000; tăng 46,5%/năm).

Số lượng resort, khách sạn cao cấp được gắn sao tăng nhanh (39/73 cơ sở; tăng 67%/năm), đáp ứng tốt nhu cầu khách quốc tế, trong nước đến tham quan, nghỉ dưỡng… Quảng Nam cũng thu hút được 168 dự án đầu tư du lịch với nhiều loại hình sản phẩm khác nhau.

Vượt khủng hoảng để hội nhập và phát triển

Trong hai năm 2008 - 2009, do tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế dẫn đến tăng trưởng kinh tế Quảng Nam không được như mong đợi. Tỉnh đã tập trung những giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người sản xuất và xây dựng cơ chế đặc thù về thu hút đầu tư…

Trong giai đoạn 2006 - 2010, tổng huy động vốn cho đầu tư thực hiện giai đoạn này vượt mức 39 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho đầu tư hạ tầng lĩnh vực CN và du lịch (chiếm tỷ trọng hơn 94% tổng vốn đầu tư).

Cùng với Đô thị cổ Hội An, khi Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), ngành du lịch Quảng Nam đã thật sự khởi sắc, lượng khách du lịch bắt đầu tăng cao hằng năm. Ảnh: D.L
Cùng với Đô thị cổ Hội An, khi Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), ngành du lịch Quảng Nam đã thật sự khởi sắc, lượng khách du lịch bắt đầu tăng cao hằng năm. Ảnh: D.L

Đến năm 2010, kinh tế của tỉnh dần hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng. Các khu kinh tế, khu CN, cụm CN, du lịch vùng Đông ven biển đã phát huy được hiệu quả và tạo bước đột phá phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt lĩnh vực CN (chủ yếu trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc) có nhiều dự án đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế.

Tỷ trọng CN chiếm trên 32% (năm 2005 chiếm 24%), giá trị sản xuất công nghiệp vượt mức 24,5 nghìn tỷ đồng (tăng 31,6%/năm - giá so sánh 2010), gấp 4 lần so với 2005 và 24,7 lần so với 1996. Một số ngành CN có sản lượng lớn, chiếm vị trí chủ lực của tỉnh vẫn duy trì và nâng cao sản lượng sản xuất như: sản xuất bia, may mặc, giày da, ô tô, điện…

Về du lịch, ngày 25.6.2007 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020. Trong giai đoạn này, tỉnh đã có những chính sách ưu tiên phát triển, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, nhờ vậy du lịch đón nhận số lượng lớn khách quốc tế cũng như trong nước.

Năm 2009, Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới càng tăng thêm sự thu hút du khách đến tham quan và lưu trú. Đến năm 2010 đạt mức 2 triệu lượt khách (tăng35%/năm), trong đó có gần nửa triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tạo doanh thu lưu trú và du lịch lữ hành gần đạt mức 1.000 tỷ đồng (tăng 29%/năm).

Hạ tầng du lịch được đầu tư mở rộng với gần 100 khách sạn, resort (tăng 26 khách sạn so với năm 2005), trong đó được gắn sao 65% và nhiều resort đạt tiêu chuẩn quốc tế… Đến năm 2010, toàn tỉnh có 195 dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn đều tập trung đầu tư vào các khu vực ven biển thuộc Điện Bàn và Hội An.

-----------------

Kỳ cuối: Những đột phá chiến lược

ĐINH VĂN THU