Đại Lợi - dấu ấn một ngôi làng xứ Quảng

TRIÊU NHAN - NGỌC THUẬN 04/05/2022 08:43

Nằm uốn mình bên Bàu Ông rộng lớn, nơi có những mạch nguồn trong xanh không khi nào vơi cạn, làng Đại Lợi (nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa) đã khởi sắc từng ngày song vẫn giữ được nét quê hồn hậu với lũy tre xanh, phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Trải dâu bể, Đại Lợi vẫn mang dấu ấn đậm nét của một ngôi làng xứ Quảng.

Trường TH Đoàn Nghiêng, tọa lạc tại thôn Đại Lợi, nay là thôn An Lợi Tây. Ảnh: T.N
Trường TH Đoàn Nghiêng, tọa lạc tại thôn Đại Lợi, nay là thôn An Lợi Tây. Ảnh: T.N

Danh xưng “Đại Lợi” được hiểu là một nguồn phúc lộc rất lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Theo một nghĩa khác, “Đại Lợi” có nghĩa là nguồn nước, mạch nước lớn chảy xiết.

Năm Thành Thái thứ 11, huyện Đại Lộc được thành lập, từ một phần đất của huyện Hòa Vang và huyện Diên Phước thì Đại Lợi thuộc tổng Đức Hạ, kể từ đây cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 thì tên làng bị thay đổi có lúc gọi là Đại Lợi, có lúc đổi thành Đại Hữu.

Trải qua biến thiên thời gian, diện tích làng hiện nay không còn như cũ nữa mà bị thu hẹp lại, nhưng tên làng vẫn tồn tại suốt thời gian dài.

Trong “Địa chí Đại Nghĩa” (nhà nghiên cứu Vu Gia - Huỳnh Ngọc Trảng) có nhắc, Đại Lợi trước kia vẫn có đình làng thờ thành hoàng, bên cạnh có miễu xóm thờ phúc thần và miễu âm linh thờ cô hồn, nhưng tất cả đều bị tàn phá, hư hại hết trong chiến tranh, loạn lạc.

Trong kháng chiến, nhiều nơi trên mảnh đất Đại Lợi là chỗ trú ẩn an toàn cho cách mạng. Đây là một ngôi làng có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Đức Ngữ, một vị cao niên có uy tín trong làng thì trước kia, đình làng Đại Lợi là ngôi đình bề thế, nhưng bị chiến tranh tàn phá và trên khuôn viên đình làng cũ người dân địa phương đã xây dựng lò gạch sản xuất thủ công.

Người dân địa phương rất mong muốn được phục dựng lại ngôi đình cũ từ những dấu ấn, vết tích xưa cũ như lưu giữ mạch nguồn văn hóa của đất và người Đại Lợi - An Lợi Tây nói riêng, xã Đại Nghĩa nói chung.

Cây cầu bắc qua Bàu Ông, thôn Đại Lợi, nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: T.N
Cây cầu bắc qua Bàu Ông, thôn Đại Lợi, nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: T.N

Đại Lợi hay An Lợi Tây vẫn là một ngôi làng có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá đẹp, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, có Bàu Ông rộng lớn, có những cánh đồng mênh mông, có vùng sản xuất lúa giống mang lại giá trị kinh tế cao cho nông hộ.

Bàu Ông không chỉ là mạch nguồn trong xanh, tưới mát ruộng đồng mà còn là vùng giàu tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái.

Cùng với Bàu Ông, một số di tích, thắng cảnh đẹp của vùng tây Đại Nghĩa khác như Dinh bà Ngũ Hành Tiên Nương, Dinh bà Chúa Ngọc, Dinh ông Cao Cát, miếu Thần Nông… cũng góp phần làm nên nét đẹp của vùng tây xã Đại Nghĩa trên chặng đường mới.

TRIÊU NHAN - NGỌC THUẬN