Núi đồi im bóng

XUÂN HIỀN - THÀNH CÔNG 02/05/2022 08:19

Tự nhận lãnh số mệnh của người trở về, ông miết mải trên con đường tìm lại danh xưng cho chè Đức Phú. Để một ngày cúi xuống ngắt đọt chè ngay trên đồi nhà mình, không dưng tuổi già cô đơn lại khắc khoải…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã chè Đức Phú. Ảnh: C.H
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã chè Đức Phú. Ảnh: C.H

Ký ức nương chè

Nắng rát. Phả trong cái oi nồng, chợt thoảng một mùi hương dịu khi chúng tôi đưa chén trà nóng lên ngang mũi. Ánh nhìn, vô thức xoay theo hướng của người đàn ông đối diện, rồi dừng lại phía mặt hồ Phú Ninh đang lặng yên phía dưới chân đồi…

Ông là Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã chè Đức Phú (thôn Đức Phú, xã Tam Sơn, Núi Thành). Lặng lẽ chọn cho mình một hướng rẽ, ông nói về cây chè, thứ đã níu chân ông quay về cố xứ lúc đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.

Miếng nước chè xanh, vốn dĩ đơn sơ, nhưng khi lên hàng phẩm là trà, lại nghe ra điều cao quý, như một thứ thức hàng dành cho những người thực sự có “gu” thưởng trà. Nhấp ngụm trà, phải từ tốn mới biết dư vị của nó ra sao.

“Cái giống chè này lạ lùng lắm. Nó không màu xanh nghít, cũng không đắng chát như trà phía Bắc. Nó ngọt, đọng lại nơi đầu lưỡi sau khi nhấp một ngụm trà” - ông nói. Sau quãng đời rong ruổi, ông về nơi căn nhà nhỏ bên đồi, làm lại “khai sinh” cho chè Đức Phú.

Có hẳn lai lịch trăm năm cho chè Đức Phú, đánh dấu bằng sự ra đời của đồn điền chè Quản Hạt Phú Thượng do một người Pháp là Maillard thành lập năm 1884. Đức Phú xưa nhuộm xanh màu chè, và cũng chính từ mảnh đất này, chè từng sớm được “chu du” xứ người, sang tận trời Âu.

Ông Hùng khẳng định giống chè Đức Phú là giống chè do người Pháp trồng hàng trăm năm tuổi tại làng. Ảnh: C.H
Ông Hùng khẳng định giống chè Đức Phú là giống chè do người Pháp trồng hàng trăm năm tuổi tại làng. Ảnh: C.H

Ông Hùng kể, cả xứ này ngày trước tên đất được gọi theo tên của vùng trồng chè, phân thành lô 1, lô 2, lô 3... Đây là những tên gọi có từ thời đồn điền chè Đức Phú của Pháp vận hành, mỗi lô như vậy rộng chừng 5ha, có đội quản lý riêng, phân cách bằng giậu cây giẻ gai. Tới năm 1954, có tổng cộng 18 lô, với bạt ngàn nương chè trải dài như vậy.

Chiến chinh, loạn lạc, chè Đức Phú cũng thôi tiếng son vàng. Đoạn sau ngày giải phóng, ông chủ của danh trà Mai Hạc - vốn người làng Đức Phú, mang những đọt chè xứ này về Tam Kỳ, rồi gầy nên thương hiệu của mình.

Chè Đức Phú lúc này được người dân bán thô cho các xưởng trà của Tam Kỳ, dân bản địa cũng đâu chừng sống được với chè thêm chục năm. Cho đến ngày danh trà Mai Hạc, Kim Sơn của Tam Kỳ không thể cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu trà phía Bắc, Lâm Đồng, người trồng chè Đức Phú cũng vì vậy mà thưa vắng.

Chúng tôi đi ngược lên đồi. Bà Nguyễn Thị Một cùng một phụ nữ nữa len giữa những cây chè, đều tay ngắt từng đọt xanh. Hai bà cũng là thành viên của Hợp tác xã chè Đức Phú.

“Nhà ai cũng còn đôi sào đất trồng chè. Thu nhập không nhiều bằng trồng keo, nhưng bỏ đi thì không nỡ, cứ để đấy. Rồi ông Hùng về, lập hợp tác xã, những người như tôi quay lại với cây chè, may sao cũng có việc, có thu nhập khi tuổi cao, sức khỏe xuống đi nhiều.

Tiếc là chè nay mất nhiều quá rồi, chỉ còn lại đôi ba phần. Người ta trồng keo, phá hết. Năm kia, bão lớn đó, keo ngã rạp, bao nhiêu người tiếc nuối vì phá chè. Mà lỡ phá rồi, muốn làm lại cũng đâu hề dễ” - bà Một kể.

Dựng lại thương hiệu

Cuộc đổ bộ của cây keo đã xóa sổ biết bao nương chè có tuổi đời trăm năm ở vùng Đức Phú. Nhanh thu hoạch, không phải chăm sóc nhiều, kiếm tiền dễ thay vì chờ đợi tư thương đến xén từng cành chè tươi, cây chè dần mất đi, nhường chỗ cho đồi keo, trong lặng lẽ.

Hợp tác xã chè Đức Phú đang mở rộng diện tích vùng nguyên liệu để trồng chè. Ảnh: C.H
Hợp tác xã chè Đức Phú đang mở rộng diện tích vùng nguyên liệu để trồng chè. Ảnh: C.H

Những hệ lụy xuất hiện, khi đất bị bạc màu, nước ngầm suy kiệt, và hơn cả, là người ta quên bẵng đi giống chè quý mà đất này may mắn sở hữu. Đó cũng là nỗi đau đáu của ông Hùng, để rồi ông quyết định quay về.

Ông Hùng nói mình cũng dùng đủ cách rồi, để người dân xứ này biết được cây chè xứ mình quý lắm, đất Đức Phú phải có cái gì đặc biệt để từng là một vùng chè nức tiếng mà người Pháp lựa chọn. “Một ngày công hái chè bây giờ tôi trả hơn 250 ngàn đồng, gần bằng với ngày công đi rẫy keo để kéo bà con mình về” - ông Hùng bộc bạch.

Đã có rất nhiều gốc chè được người đàn ông này mang về từ những khoảnh còn sót lại, ươm chăm, rồi mở rộng vườn chè ngay chính trong phần đất nhà mình, để có hơn chục ngàn gốc chè cho thu hoạch đều đặn như hiện tại. Trước đó, ông bươn bả ngược xuôi, tìm cách định danh thương hiệu.

Từng loại thủ tục giấy tờ hoàn thành, để Chè Đức Phú có tên trong danh mục sản phẩm có chứng nhận bảo hộ thương hiệu. Ý thức về chuyện thương hiệu, là bước đầu tiên để đi đường dài. Ngay sau thời điểm cái tên Chè Đức Phú được tái sinh, thì đồng thời vùng chè nguyên liệu hình thành, sản phẩm trà Đức Phú cũng kịp đáp ứng nhiều kiểm định khắt khe về chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Tươi gia nhập làm thành viên của hợp tác xã chè Đức Phú. Bà Tươi đã giữ lại hơn 2 sào đất trồng chè, không phá bỏ để trồng keo như nhiều người khác.
Bà Nguyễn Thị Tươi gia nhập làm thành viên của hợp tác xã chè Đức Phú. Bà Tươi đã giữ lại hơn 2 sào đất trồng chè, không phá bỏ để trồng keo như nhiều người khác.

Và điều quan trọng, giống chè được lựa chọn để định danh Chè Đức Phú, cũng chính là những cây chè của người Pháp mang tới đất này từ hơn trăm năm trước. Ông Hùng nói, trong vườn nhà mình, những gốc chè của Pháp vẫn còn yên đó. Cả xứ Đức Phú này, nói như ông Hùng, số gốc chè của người Pháp trồng còn khá nhiều.

Ông mời kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn nhân giống, để trồng và chăm sóc thuần thục. Nên cái màu lá chè, gốc chè, hương vị chè thành phẩm nguyên chất, không giống với bất cứ mùi chè nào của vùng khác.

Như một nỗ lực để tìm lại vàng son, ông lặng lẽ với rất nhiều việc có tên và không tên, bên ngôi nhà nhỏ chân đồi. Nhưng tái sinh một huyền thoại chưa bao giờ là điều dễ dàng, với cây chè Đức Phú…

Ông Trần Công Hiệu - Chủ tịch xã Tam Sơn nói, chính quyền cũng tổ chức vận động người dân mạnh dạn phá bỏ keo để trồng chè, nhưng rất khó. Đặt lên bàn cân đo, công chăm sóc chè quá vất vả, giá thành lại không như ý.

Quyết tâm phục hồi chè Đức Phú, nói như vị chủ tịch xã, chỉ có thể là “bấm bụng”, nhắm mắt để mà làm. Từng chặng, từng chặng, từ quyết tâm của ông Hùng, đã có 50 hộ dân địa phương tham gia. Sản phẩm trà đóng gói từ cây chè Đức Phú cũng đã được công nhận OCOP 3 sao, ít nhiều khẳng định giá trị của cây chè nơi đây. Nhưng phía trước, vẫn còn một chặng đường dài.

Ông Hùng kể, thị trường không khó, cái khó là vùng nguyên liệu đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô tương xứng, từ đó nâng giá trị của sản phẩm trà khô làm từ cây chè. Vậy là, bằng tận tụy, ông tìm đến gõ cửa từng người, kêu gọi họ vào hợp tác xã, và mở rộng diện tích trồng chè.

Đổi lấy vị ngọt hậu nơi đầu lưỡi của chén trà xanh Đức Phú bây giờ, là biết bao chát đắng của cuộc đời ông Hùng với những bôn ba. Và cả thân phận của vùng chè. Ông biết, mình đứng ở đâu phía tuổi trời, nên bước chân hình như càng vội.

“Tuổi này, tôi không nghĩ sẽ làm cho mình, mà là điều gì đó cho đất này, cho vùng này. Tôi vẫn đóng tiền để duy trì thủ tục, một hình thức làm “visa” cho từng gói trà, dù chưa có gói trà Đức Phú nào xuất ngoại.

Cha tôi bôn ba khắp nơi, làm đủ vị trí trong chính quyền cách mạng. Trước lúc mất, ông dặn có làm gì, cũng cố giữ lại cái tên chè Đức Phú. Điều này đau đáu trong tôi, vì gia đình tôi trước đây sống chết trên đồi chè này. Tôi vẫn đang hết lòng vì điều đó” - ông nói.

Trong căn nhà bên hồ, vẫn có một người già khắc khoải tấm chân tình với quê, với cây chè, nơi núi đồi im bóng.

XUÂN HIỀN - THÀNH CÔNG