Rồi mai, phố có buồn
Vòng quay của phố hối hả chuyển động từng ngày. Những điều ngỡ như quá thân quen cứ rơi rớt dần vì không thích ứng kịp. Có thể sẽ phải mất rất lâu, người ta mới nhận ra phố trống vắng biết bao giữa những trang hoàng đẹp đẽ.
1. Mấy người anh của tôi ở xã Cẩm Hà (TP.Hội An) hay tiếc rằng, đã quá lâu không còn nghe tiếng ễnh ương âm ỉ vọng từ bờ ruộng, dù là trong mùa mưa triền miên. Bao bận ngang Cẩm Hà, những tên đất, tên làng thân quen từ Đồng Nà, Cồn Tập đến Bến Trễ… vẫn còn đó, thậm chí đã gắn mình trên bảng đường phố xá thênh thang, phẳng phiu thảm nhựa. Nhưng dường như lớp cư dân lão làng nơi đây vẫn thấy như thiếu đâu đó một chút gì.
Thế hệ trẻ ở Bến Trễ bây giờ không nhiều người biết rằng, nghề trễ là một nghề truyền thống đặc trưng của Cẩm Hà khi xưa với một làng chuyên rà tôm bên dòng Đế Võng, rồi dần dà chẳng biết tự lúc nào tên làng thành danh xưng Bến Trễ.
Đến những năm 1990, nghề này đã phai phôi hẳn. Ba chục năm có lẻ, bây giờ kẻ đến, người qua Đồng Nà, Bến Trễ ngoái trước, dòm sau phần nhiều suy tính tìm lối mở đầu tư sinh lợi nhuận.
Có lần trong buổi ăn trưa nơi cuối dòng Đế Võng, một chi tiết khiến mọi người tò mò khi chủ sở hữu của nhà hàng lấy tên công ty là “Cồn Nhàn Xứ”. Ông Quý, một người Đà Nẵng đã tròm trèm hai chục năm gắn bó với Hội An xởi lởi: “Thì xứ đất chỗ này vốn là Cồn Nhàn mà. Mình làm ăn cũng nhờ xứ đất này nên lấy luôn tên cho công ty”.
Nếu ông Quý không nói ra, chúng tôi cũng chẳng tường được đây là xứ Cồn Nhàn. Theo lời ông, có mấy vị khách nước ngoài khi nghe tên ngồ ngộ cũng tò mò. Vậy là có thêm câu chuyện để kể với khách về lịch sử của vùng đất và những đổi thay theo thời gian.
2. Đã từ lâu trong tôi vẫn lan man dòng suy nghĩ rằng thương hiệu hoa của Hội An là gì? Là hoa giấy, phượng đỏ hay cát đằng, sử quân tử? Mỗi góc một vẻ, đều đẹp mơ màng nhưng vẫn thiếu chút gì đó để tạo ra ấn tượng đậm nét cho Hội An khi nghĩ về hoa.
Mấy ai ngang qua Đà Lạt mà không thổn thức với phượng tím? Đi về Tam Kỳ mà không nao lòng với sưa vàng? Còn Hội An, dễ mà người ta rồi cũng lãng đãng quên khi nhắc về mùa hoa của phố.
Ông Phan Xuân Anh - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt từng bộc bạch: “Trong phố cổ cái gì cũng đẹp, chỉ trống vắng bóng râm và tiếng chim chóc. Chúng ta hay nói Hội An là đô thị sinh thái nhưng vào phố mùa này nóng hầm hập rồi cũng không một tiếng chim hót líu lo”. Chẳng bóng cổ thụ, chẳng có mùa hoa vương lại, dường như phố cũng đượm buồn.
Mạch trầm tư đưa tôi quay về thời còn là một nhóc con lim dim chống cằm bên khung cửa sổ nơi gác lửng cửa hàng bách hóa tổng hợp ngay ngã tư công viên Hội An cũ. Ở đó, tôi thường thấy bóng cụ bà quảy gánh mỳ Quảng rảo bước chầm chậm, thi thoảng kéo vội tà áo phớt màu quệt mồ hôi lấm tấm trên trán giữa trưa hè đổ lửa.
Bát mỳ từ đôi bàn tay mảnh khảnh của bà cụ vẫn hay có thêm lát thịt, cái trứng kèm một nụ cười móm mém khi thấy lũ trẻ chúng tôi ngồi ăn xì xụp trên chiếc ghế nhựa kẹp theo trong thúng. Ngày qua ngày, không rõ bao nhiêu quang gánh như thế đi về lầm lũi. Dấu chân họ hình như đã in vào lòng phố thị.
Cũng đã lâu lắm, bóng dáng bà cụ khuất hẳn. Tạt vào góc hẻm SICA cũng chẳng thấy bà dì bán bánh ít lá gai hay đon đả nói cười rổn rảng. Họ hoặc không còn nữa, hoặc gói ghém hồn phố mang theo ra ngoại ô sinh sống từ nhiều năm rồi.
Nhìn quanh chỉ đập vào mắt tấm bảng vui lòng không chụp ảnh hoặc 10 nghìn đồng cho mỗi lần chụp. Chậc lưỡi mỗi thời mỗi khác nhưng nó thực sự lạ lẫm trong ký ức vụn của nhiều người.
Những ngày dịch giã buồn lê thê của phố có lẽ đã khép lại, từ phố cổ ra phố mới đâu đâu cũng chộn rộn thanh âm lao xao của khách, người. Giữa loay hoay sinh nhai, mấy ai đủ nhẫn nại ngồi lại để nghe lời trở mình thì thầm của phố. Ai cũng vội vã lao đi về phía phố xá ngày mới. Rồi mai nơi góc phố, nghĩ về phố ngày cũ, liệu ai đó có buồn?