Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế
Kế hoạch tăng điểm, lọt vào tốp 6 các tỉnh, thành có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cao nhất cả nước vào năm 2025 của Quảng Nam có thể dễ dàng thực hiện hay không, khi 2 năm 2020 & 2021 liên tục bị xuống hạng?
Tiếp tục tụt hạng
Quảng Nam gia nhập vào “gia đình” các tỉnh, thành (ít ỏi) nộp ngân sách về Trung ương mỗi năm kể từ năm 2017, có dấu ấn rõ nét của xếp hạng PCI. Năm năm liên tiếp (2015 - 2019) Quảng Nam lọt vào tốp 10 các tỉnh, thành có chỉ số, thứ hạng cao nhất nước đã kéo theo thời kỳ bùng nổ đầu tư.
Địa phương trở thành một trong những vùng đất sáng giá, hấp dẫn nhà đầu tư với tốc độ GRDP tăng bình quân 10,7%/năm, mỗi năm bình quân hơn 1.250 doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường, thu hút hơn 230 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 68.000 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương tiếp tục hiện thực hóa các nghị quyết chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra kế hoạch gia tăng điểm số, thứ hạng bằng những chính sách, cơ chế thích hợp, duy trì các sáng kiến..., hy vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng tại miền Trung. Tuy nhiên, Quảng Nam đã không thể giữ được thứ hạng.
Hai năm 2020 & 2021, Quảng Nam bị bật ra khỏi tốp 10, không còn thuộc nhóm tốt (năm 2020 tụt 7 bậc, từ thứ hạng 6 xuống 13 và năm 2021 rơi xuống thứ hạng 19). Tính năng động của chính quyền, minh bạch thông tin, đào tạo lao động hay gia nhập thị trường là những điểm sáng trong các năm đã bị DN đánh giá thấp trong cuộc khảo sát PCI năm 2021.
Chỉ có 6 chỉ số thành phần tăng điểm (tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) và 4 chỉ số thành phần giảm điểm (gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền và đào tạo lao động).
Không thiếu nghị quyết, kế hoạch hay đề án nhưng cải cách vẫn không như kỳ vọng. Công bố kết quả PCI năm 2021 ngày 27.4 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam nói, phân tích dữ liệu cho thấy dịch bệnh đã tác động rất lớn đến xếp hạng chỉ số PCI năm nay.
Có những tỉnh, thành quản trị dịch bệnh tốt lại bị ảnh hưởng đến kết quả. Không phải là chính sách tốt mà ý nghĩa thực tiễn chính sách và hiệu lực hỗ trợ thực tế mới quyết định đến sự đánh giá của DN về chất lượng điều hành kinh tế địa phương
Có thể hiểu đại dịch bùng phát 2 năm qua đã buộc địa phương phải đưa ra những biện pháp cứng rắn để phòng chống dịch bệnh, kéo theo tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”.
Những sáng kiến về việc công bố các quy định, trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, tiết giảm chi phí thời gian, giúp nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận, đưa dự án triển khai trên thực tế... đã không thể phát huy hết tác dụng.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hai năm dịch bệnh gặp quá nhiều khó khăn nên những chính sách, cơ chế tốt của địa phương không dễ dàng vận dụng trên thực tế.
Quyết tâm cải thiện
Đích đến cuối cùng của cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi không ngoài chuyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Quảng Nam quyết định thay đổi để có một “tấm giấy chứng nhận, một vé thông hành hoàn hảo”, trở thành một cực hấp dẫn các nhà đầu tư và DN mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Kế hoạch của địa phương sẽ quay lại tốp 10, lọt vào tốp 6 vào năm 2025. Theo tính toán, sẽ hướng đến 6/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 5 (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), 4/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 10 (chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động).
Kế hoạch cải thiện PCI đã ban hành. Nhưng địa phương sẽ dựa vào đâu, khâu đột phá nào để có thể thăng hạng, tăng điểm khi phải vào cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các tỉnh, thành trong việc tạo dựng thương hiệu thu hút đầu tư thông qua việc xếp hạng chỉ số, đo lường năng lực cạnh tranh này?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế sẽ được đặt lên một vị trí xứng đáng. Quảng Nam sẽ minh bạch hóa từ cơ sở dữ liệu, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thủ tục đến các dự án cơ hội. Xử lý tất cả khiếm khuyết trong vận hành cơ chế, chính sách cải thiện... Không cơ quan nào đứng ngoài cuộc trong cuộc cải cách này.
Trong cuộc đua điểm số và thứ hạng, địa phương nào cũng sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách tốt. Nếu muốn có kết quả tốt, cần phải nhận diện cho được những điểm nghẽn, ách tắc, vướng mắc để gỡ bỏ. Đo lường được kết quả, chất lượng thực thi, tác động của chính sách đến người dân, doanh nghiệp như thế nào trên thực tế mới là điều quan trọng của công cuộc cải thiện, không chỉ PCI.
Quan điểm của Quảng Nam, những sáng kiến đã được tạo lập, nâng cao vị thế địa phương sẽ tiếp diễn. Các sở, ngành, địa phương buộc phải có bộ phận đầu mối theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm bảo đảm kế hoạch đạt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần PCI do đơn vị mình phụ trách.
Chính quyền đã đưa ra một hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không. Từ đó có thể đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp trên thực tế bằng sự minh bạch, cam kết thời gian thực thi.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã buộc các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng xử lý dứt điểm kiến nghị của DN sau các cuộc tiếp xúc định kỳ trong thời gian sớm nhất có thể, có thời hạn ấn định rõ ràng, cụ thể.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, kế hoạch cải thiện PCI lần này thể hiện quyết tâm trong việc tạo ra sự khác biệt, chất lượng. Cả hệ thống chính trị vận hành công cuộc cải thiện một cách thông suốt.
Không chỉ chính quyền cấp tỉnh mà địa phương cấp dưới, cơ quan quản lý cũng phải đề ra kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế thông qua sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền, có hệ thống giám sát cụ thể, rõ ràng, thực chất.
Suy cho cùng, tạo dựng lòng tin DN, hướng tình cảm doanh nghiệp về năng lực điều hành của chính quyền là khía cạnh tích cực nhất của cải thiện chất lượng chỉ số PCI.
Chính quyền sẽ sắp xếp, điều chuyển, bố trí những con người thừa hành có đủ năng lực để thực hiện những cam kết, chủ trương đúng, chính sách hợp lý đến với cộng đồng DN. Hy vọng sẽ nhận được sự đánh giá cao của DN về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương trong tương lai!
Miễn phí tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam (thuộc Sở KH&ĐT) đã quyết định không thu tiền dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhằm tăng cường công tác hỗ trợ DN và hỗ trợ khởi nghiệp.
DN có nhu cầu thực hiện các thủ tục (đăng ký thành lập mới DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, giải thể, tạm ngưng doanh nghiệp và các thủ tục thực hiện mua bán cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài) liên hệ với bộ phận tư vấn của trung tâm này theo số điện thoại 02353.822.889 sẽ được hỗ trợ miễn phí.
Trung tâm này cho biết, riêng đối với phí công bố nội dung đăng ký DN tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 5.8.2019 của Bộ Tài chính là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng), chuyên viên thuộc bộ phận tư vấn của trung tâm sẽ thu hộ và nộp hộ doanh nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ cho các cơ quan chức năng.
Các DN cần tư vấn, hỗ trợ về quy trình, thủ tục đầu tư, có thể liên hệ Phòng Xúc tiến đầu tư (02353.822.887); cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh liên hệ với Phòng Hỗ trợ khởi nghiệp (02353.822.886).
Doanh nghiệp cần tra cứu cơ chế, chính sách, đặt câu hỏi cho các cơ quan nhà nước, có thể truy cập Cổng thông tin Hỗ trợ DN Quảng Nam tại địa chỉ “https://htdn.quangnam.gov.vn” hoặc truy cập chuyên mục “Hỗ trợ DN” trên ứng dụng Smart Quảng Nam.