Đổi thay và kỳ vọng

CÔNG SỰ - ANH QUÂN 27/04/2022 07:00

Vùng cao huyện Hiệp Đức ngày càng đổi thay với sự đầu tư bài bản và có tính hệ thống, là cơ sở để những tính toán đường dài mở ra cơ hội phát triển cho đất và người nơi đây.

 

Người Mơ Nông không còn mang theo ngôi nhà của họ đi cùng chuyến thiên di bất tận của cuộc đời như những ngày còn cơ cực nữa. Họ, đã được quyền chọn cho mình một chốn để dung chứa cuộc đời, thay cho rủi may chờ đợi vào từng mùa rẫy.

Và nhiều hơn thế, bà con đang chờ đợi một tương lai khác, một đời sống khác, khi vùng cao Hiệp Đức nơi họ sống đã là xã an toàn khu, cùng với những chuyển dịch đầy sôi động. Trong tâm thức của đồng bào, những mong chờ tươi sáng bắt đầu cuộn chảy…

Góc núi chuyển mình

Đã có rất nhiều đổi thay nơi góc núi Trà Nhan (xã Phước Trà, Hiệp Đức). Đầu tháng 3 vừa qua, căn nhà anh Hồ Văn Trang (SN 1985, thôn Trà Nhan) được khởi công, như một chỉ dấu của niềm vui sau nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ.

Những năm tháng cũ, theo lời anh kể, là mùa rẫy “nhờ trời” năm được, năm mất; là lặn lội dưới cánh rừng xa đi bứt từng sợi mây về đổi gạo, đổi muối, lay hoay qua từng tháng, từng ngày.

“Làm cật lực cũng chỉ đủ ăn, mùa mưa bão ai ai cũng sợ. Sợ căn nhà cũ quá, dột quá, không chịu nổi bão. Tới khi có chủ trương tái định cư, rồi khuyến khích trồng rừng, cuộc sống mới bắt đầu ổn định. Hồi trước, đâu nghĩ sẽ xây được nhà, ngay cả mua mấy tấm tôn lợp cũng là niềm mơ ước. Giờ thì làm được rồi, không còn là mơ nữa” - anh Trang bộc bạch.

Khi đời sống đồng bào đã được cải thiện đáng kể, những tính toán đường dài cho diện mạo mới của vùng cao huyện Hiệp Đức sớm được chính quyền hoạch định bằng những chiến lược lớn hơn, tầm nhìn xa hơn.

Thôn Trà Nhan là một trong những điểm sáng từ chủ trương tái định cư, khuyến khích bà con trồng rừng, phát triển kinh tế ở vùng cao Hiệp Đức trong những năm gần đây. Đổi thay hiện hữu trong từng căn nhà. Đường sá cũng thôi cách trở, bớt đi cảnh “nắng bụi mưa bùn”, xóm làng khang trang hơn hẳn.

Ông Hồ Văn Thành - Bí thư Chi bộ thôn nói, trong số hơn hai trăm hộ dân của thôn, đã có rất nhiều gia đình làm nhà cửa kiên cố, trồng rừng, đời sống kinh tế khá dần lên.

“Những chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã giúp sức rất nhiều cho bà con. Trước đây, một số gia đình chưa mạnh dạn trong việc bỏ tiền làm nhà kiên cố, phát triển các mô hình sinh kế.

Chủ trương, chính sách được đưa về địa phương, bà con đã tiến bộ hơn rất nhiều, tự xây nhà, mua bò giống, đầu tư trồng rừng. Nhờ đó, cuộc sống khá lên, nhiều phong tục lạc hậu dần bãi bỏ” - ông Thành chia sẻ.

Nhà cửa của đồng bào ở xã Phước Trà đa số đã được kiên cố. Ảnh: T.C
Nhà cửa của đồng bào ở xã Phước Trà đa số đã được kiên cố. Ảnh: T.C

Từng ngày, bức tranh đời sống vùng cao Hiệp Đức sáng dần lên. Tại xã Phước Trà, nơi ghi dấu “ngọn lửa Trà Nô” huyền thoại, câu chuyện phát triển kinh tế, làm giàu được bà con nói với nhau nhiều hơn.

Bà Lê Thị Thùy Trâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trà tâm sự, dấu ấn lớn nhất, là sự chuyển dịch trong tâm thức, suy nghĩ của đồng bào.

“Người dân hiểu được rằng sau tất cả những chủ trương, chính sách lớn mà Nhà nước hỗ trợ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải có phần đóng góp sức mình vào đó, làm cho chính mình, cho gia đình mình.

Chính từ sự chuyển biến về nhận thức mà các chương trình mục tiêu lớn về tái định cư, đa dạng sinh kế, phát triển bền vững… được bà con đón nhận, tạo hiệu quả rõ rệt và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng tạo ra nguồn lực đáng kể để kiên cố hóa điện, đường, trường, trạm, nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì đời sống văn hóa ở từng khu dân cư.

Chúng tôi đã xây dựng đạt 11 tiêu chí và quãng đường để đạt được những tiêu chí còn lại đang được rút ngắn đáng kể. Trong nhiều gia đình, có hộ đạt mức thu nhập khá cao, từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng” - bà Trâm nói.

Đón đầu cơ hội

Khi đời sống đồng bào đã được cải thiện đáng kể, những tính toán đường dài cho diện mạo mới của vùng cao Hiệp Đức sớm được chính quyền hoạch định bằng những chiến lược lớn hơn, tầm nhìn xa hơn.

Công trình trường mầm non mới đang được gấp rút thi công ở xã Phước Trà. Ảnh: T.C
Công trình trường mầm non mới đang được gấp rút thi công ở xã Phước Trà. Ảnh: T.C

Với lợi thế từ rừng, hạ tầng giao thông khớp nối và không ngừng mở rộng, một sức bật mới được tạo ra. Chính quyền địa phương sớm nhận diện những cơ hội, tạo ra bước ngoặc cho chính quê hương mình.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà thông tin, giai đoạn 2020 - 2025 là bước chuyển để địa phương về đích nông thôn mới. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu duy nhất. Với lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhiều năm qua, các nghị quyết của Đảng ủy xã đều chú trọng tập trung vào lĩnh vực này và đã chứng minh được hiệu quả.

Người dân từ chỗ khó khăn, hơn 50% là hộ nghèo ngày mới thành lập xã, đã được rút ngắn xuống còn dưới 12%. Đón đầu chiến lược mới, Sông Trà đã mạnh dạn đề xuất với huyện về chủ trương tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp và chế biến sâu các sản phẩm về lâm nghiệp.

Các chương trình, chính sách đến gần hơn với bà con nhờ sự kiên trì vận động, tiếp xúc, lắng nghe của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ảnh: T.C
Các chương trình, chính sách đến gần hơn với bà con nhờ sự kiên trì vận động, tiếp xúc, lắng nghe của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ảnh: T.C

“Chúng tôi dự tính sẽ nâng diện tích quy hoạch phát triển cụm công nghiệp lên quy mô 50ha, đồng thời đề xuất HĐND tỉnh mở rộng có thể lên đến 200ha để hình thành khu công nghiệp. Cụm công nghiệp quy mô 50ha trên địa bàn xã hiện có tỷ lệ lấp đầy lên gần 80%, thu hút 3 doanh nghiệp lớn với số vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, sản xuất ván gỗ ép thanh, viên nén năng lượng.

Ngoài ra, Sông Trà sẽ nỗ lực bứt phá để thay đổi diện mạo, giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững. Xa hơn nữa, tham vọng của địa phương là sẽ hình thành một trong 3 khu đô thị của Hiệp Đức” - ông Sơn nói.

Những mảnh ghép sinh động từ từng thôn, từng bản của 3 xã vùng cao Phước Trà, Sông Trà và Phước Gia của Hiệp Đức đã và đang góp phần vẽ nên bức tranh mới về đời sống người vùng cao, sau chặng đường 50 năm giải phóng. Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, dù chỉ chiếm 10% dân số, nhưng 3 xã vùng cao này lại có diện tích khá lớn so với 8 xã, thị trấn còn lại.

“Để giảm khoảng cách của vùng cao với các xã còn lại, tạo động lực cho miền núi, chúng tôi đã có những hoạch định, chiến lược phát triển lâu dài, hướng tới hiệu quả và tính bền vững.

Theo quy hoạch chung của địa phương, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xã Sông Trà sẽ được xây dựng thành trung tâm công nghiệp chế biến chung cho phía tây của tỉnh. Đồng thời lâm nghiệp là hướng đi chính để Hiệp Đức phát triển kinh tế cho 3 xã vùng cao.

Huyện sẽ tranh thủ nguồn lực từ hai chương trình lớn là Nghị quyết 88 của Quốc hội và chương trình, chính sách đặc thù đối với an toàn khu, đã xây dựng kế hoạch và đang trình tỉnh phê duyệt đầu tư.

Chúng tôi cũng sẽ tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, duy trì định hướng phát triển lâm nghiệp để nâng cao đời sống người dân, từng bước đầu tư hạ tầng. Song song với đó, công tác bảo tồn, phát huy những vốn quý của văn hóa đồng bào cũng sẽ được chú trọng phù hợp” - ông Nam nhấn mạnh.

CÔNG SỰ - ANH QUÂN