Dùng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu
Ngày 21.4, hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc đã được kích hoạt. Mọi giao dịch, kinh doanh đến ngày 1.7.2022 đều phải xuất hóa đơn điện tử, không còn hóa đơn giấy.
Liệu có thể kịp kế hoạch đã ấn định khi thực tế vẫn còn không ít vướng mắc, khó khăn, không dễ tháo gỡ. Trả lời phỏng vấn của P.V Báo Quảng Nam, ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam khẳng định: “Ngành thuế quyết tâm sẽ hoàn thành kế hoạch. Sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) là xu thế tất yếu, không thể cưỡng. Nếu không thực hiện được thì nói gì đến công nghệ số hay chuyển đổi số!”.
Sử dụng HĐĐT sẽ được lợi gì, thưa ông?
Ông Ngô Bốn: Sử dụng HĐĐT có ý nghĩa quan trọng cho quản lý thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp (DN). Sử dụng HĐĐT sẽ có nhiều lợi ích, không riêng gì cơ quan thuế. Nó sẽ bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản phẩm hàng hóa, uy tín DN, kể cả an ninh quốc gia trên hóa đơn này.
DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ tiết kiệm được thời gian và nhân lực vì không phải kiểm soát nội bộ, đôn đốc kế toán gửi dữ liệu hóa đơn ngay trong ngày đến cơ quan thuế như đối với HĐĐT không mã, tránh được trường hợp quá thời hạn sẽ bị xử phạt. Không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chuyển phát.
Việc sử dụng HĐĐT giúp DN giảm chi phí rất nhiều so với sử dụng hóa đơn giấy như: chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ cất giữ hóa đơn, bảo quản chống cháy nổ, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật, chống gian lận, không có rủi ro mất, rách, cháy hoảng như hóa đơn giấy…
Ngoài ra, việc sử dụng HĐĐT còn thúc đẩy cả lãnh đạo và nhân viên trong DN phải có sự đổi mới, thích nghi với sự thay đổi của môi trường hiện đại, xu thế hội nhập quốc tế trên môi trường mạng.
Sự cố về công nghệ thông tin dường như không tránh khỏi. Ông có thể chia sẻ, làm sao có thể vận hành hệ thống mà không gặp bất kỳ sự gián đoạn nào?
Ông Ngô Bốn: Ngành thuế đã lựa chọn một số tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT có đủ điều kiện để ủy quyền cấp mã HĐĐT trong trường hợp hệ thống của cơ quan thuế gặp sự cố. Tổng cục Thuế cũng đã rà soát, bổ sung năng lực hạ tầng kỹ thuật phục vụ hệ thống HĐĐT, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu. Không có gì lo lắng về hệ thống hạ tầng thông tin.
Lộ trình đến hết tháng 4 sẽ phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30.6.2022 phải đạt 100% chuyển sang sử dụng HĐĐT. Với những khó khăn không dễ tháo gỡ khi chỉ còn 2 tháng nữa là thời hạn cuối cùng thì liệu có thể đáp ứng kế hoạch, thưa ông?
Ông Ngô Bốn: Quảng Nam có hơn 9.000 DN đang sử dụng hóa đơn. Trong số này có khoảng 4.000 DN đang sử dụng HĐĐT không có mã xác thực, không lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Toàn bộ số doanh nghiệp này chuyển sang HĐĐT sẽ thuận lợi vì họ đã thuần thục phương thức này, giờ chỉ thêm vào cơ sở dữ liệu dùng chung, có mã xác thực.
Quảng Nam khó khăn hơn so với mặt bằng chung là địa bàn miền núi phân tán. DN nhỏ và siêu nhỏ quá nhiều. Số DN tạm thời dừng nghỉ kinh doanh cũng nhiều nên sẽ khó đảm bảo tiến độ sử dụng hóa đơn.
Chưa kể theo điều tra thì trong số 11 nghìn người nộp thuế có hơn 2.000 trường hợp đang trong giai đoạn đầu tư chỉ có hóa đơn đầu vào, chưa có hóa đơn đầu ra. DN có tên, có mã số thuế, có sử dụng hóa đơn đầu vào rất nhiều nhưng chưa có hóa đơn đầu ra.
Để vượt qua khó khăn này và đáp ứng theo đúng kế hoạch, cơ quan thuế đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT, tập huấn về chính sách, quy trình quản lý cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế.
Đăng tải công khai thông tin của 25 tổ chức truyền nhận và 83 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT trên Cổng thông tin điện tử thuế, thành lập trung tâm điều hành, hỗ trợ triển khai HĐĐT để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai.
Cục Thuế đã hoàn thành các công tác chuẩn bị như: tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, thành lập tổ thường trực triển khai HĐĐT tại địa phương, thành lập trung tâm điều hành, hỗ trợ tại Cục Thuế và công bố đường dây nóng hỗ trợ người nộp thuế.
Ngành thuế đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về HĐĐT và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các tổ chức, cá nhân hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai hệ thống này
Tuy nhiên để HĐĐT được phổ biến thì rất cần sự quan tâm của các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý tổ chức cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN.
Về nguyên tắc là nếu không HĐĐT sẽ phải chấm dứt kinh doanh, buôn bán sau ngày 1.7.2022. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những trường hợp do nguyên nhân khách quan sẽ được gia hạn 12 tháng (đúng đối tượng và tiêu chuẩn quy định).
Theo ghi nhận, trong 6 tỉnh, thành thực hiện giai đoạn 1 cũng có Quảng Ninh, Bình Định... có các huyện, xã miền núi nhưng họ đã thực hiện thành công thì chuyện này ở Quảng Nam dù khó vẫn sẽ không có vấn đề gì.
Có thể không thể tuyệt đối, nhưng xu thế quản trị DN, quản lý nhà nước hiện đại thì chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, không thể cưỡng lại được. Không thể chậm trễ. Nói đến chuyển đổi số mà chuyện này không làm, không thực hiện được thì nói gì đến công nghệ hay điện tử. Quảng Nam sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành kế hoạch như đã ấn định!
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!