Cơ hội cho vùng động lực
Rất nhiều chủ trương lớn khẳng định quyết tâm của Quảng Nam đối với nhiệm vụ phát triển vùng động lực phía Đông, kích hoạt những tiềm năng tương xứng với vị trí nhóm đầu dẫn dắt kinh tế vùng. Cùng với những tính toán dài hạn về nâng cấp cảng biển, sân bay, hệ thống giao thông, tỉnh cũng đã và đang có nhiều bước đi chắc chắn, dài hơi, đánh thức những kỳ vọng cho cả vùng động lực.
ĐỐI TRỌNG KHU VỰC MIỀN TRUNG
Với quy hoạch mới đang được Bộ GTVT xây dựng, Cảng hàng không Chu Lai được xác định có vị thế, tiềm năng rất lớn để trở thành sân bay vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách quy mô lớn trong khu vực.
CÙNG với cảng hàng không, việc mở rộng luồng, tuyến, đầu tư phát triển hạ tầng để cảng biển Chu Lai (cảng Trường Hải trước đây) hứa hẹn sẽ cân bằng chi phí, đưa cảng biển thành đối trọng với hai đầu cầu lớn là Hải Phòng và cảng Sài Gòn.
Tiềm năng lớn
Theo đánh giá của Tổng công ty Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc Tập đoàn THACO, từ mục đích ban đầu là giải quyết bất cập về giao nhận vận chuyển của Quảng Nam và khu vực miền Trung trong thời gian đầu, đến nay đơn vị này đã phát triển năng lực phục vụ ra bên ngoài hơn 40%, bao gồm cảng, vận tải biển, vận tải đường bộ.
Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai là 3 triệu tấn, dự kiến năm 2022 sản lượng hàng hóa có thể tăng lên 4,5 triệu tấn bao gồm 69.000 container nhập khẩu, 15.000 container nông sản và 10.000 container hàng hóa khác. Năm 2023, sản lượng hàng hóa có thể tăng lên đến 8,3 triệu tấn do nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp tăng cao.
Tuy nhiên, luồng tuyến hiện hữu chỉ đáp ứng cho tàu 2 vạn tấn, do vậy việc triển khai luồng tuyến mới, mở rộng cảng đủ sức tiếp nhận tàu 5 vạn tấn là nhu cầu cấp bách nhằm đáp ứng sản lượng tăng cao và giảm chi phí vận chuyển. Lãnh đạo tập đoàn THACO cho hay mục tiêu là phải đưa cảng Chu Lai trở thành cảng chuyên dụng container quốc tế, có chi phí vận chuyển tương đương cảng Hải Phòng, Sài Gòn.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn THACO nói: “Trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp ở Lào, Campuchia và phía Tây Nguyên, cùng với chế biến sâu sản xuất nông nghiệp ở tại Quảng Nam, bất cập lớn nhất hiện nay là logistics tại Chu Lai. Nếu mở rộng cảng, sẽ giảm được chi phí logistics tại đây so với hai đầu cầu, thúc đẩy kêu gọi đầu tư vào Quảng Nam và các tỉnh miền Trung”.
Song song với việc mở rộng cảng Chu Lai, sân bay Chu Lai cũng đã được Bộ GTVT xây dựng quy hoạch, trong đó tập trung rà soát, đánh giá tiềm năng, vai trò của Cảng hàng không Chu Lai theo chỉ đạo của Thủ tướng, ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phân tích: “Hiện nay Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng không thể mở rộng do nhiều yếu tố như quá tải hạ tầng, chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn cũng như những yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường, do đó Cảng hàng không Chu Lai đứng trước cơ hội lớn để phát triển.
Theo quy hoạch tầm nhìn dài hạn, nơi này hướng đến 3 mục tiêu lớn: trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế với tổng công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm; trung tâm hành khách quốc tế với tổng công suất 30 triệu khách/năm và trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay công nghệ cao với mức độ bảo dưỡng lên đến mức D, tức là đại tu máy bay. Từ đó cho thấy, công suất và khả năng phát triển của Cảng hàng không Chu Lai là rất lớn”.
Kiến nghị đầu tư
Tháng 9.2021, Cảng Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt là cảng loại 1. Trước đó, từ tháng 12.2018, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai, thống nhất cho phép đầu tư xây dựng luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối tháng 3 vừa qua, Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo đề xuất Dự án xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới (luồng Cửa Lở) cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vận hành; gắn với hệ thống bến Tam Hòa - Tam Hiệp, khu phi thuế quan Tam Hòa và khu logistics phục vụ hoạt động cảng container theo hướng nhà đầu tư thực hiện đầu tư 100% và quản lý vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đồng thời thống nhất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai.
Đối với Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh đề nghị được phép giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cảng với các chức năng theo quy hoạch được duyệt. Kèm theo đó, cho phép xây dựng cơ chế hoạt động của khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng hàng không Chu Lai.
Đồng tình với những đánh giá về tiềm năng phát triển cũng như những trở lực mà tỉnh đang đối mặt trong hành trình đánh thức khát vọng phát triển vùng Đông, xây dựng một vùng động lực cho cả Quảng Nam lẫn miền Trung, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ đã trình đề án về quy hoạch các sân bay, cảng biển.
“Tôi đồng tình với quan điểm của tỉnh về việc xã hội hóa để đầu tư một sân bay đồng bộ, hiện đại, xứng tầm. Riêng về cảng biển, Bộ GTVT đồng ý với chủ trương xây dựng cơ chế phù hợp để giao cho tập đoàn THACO đầu tư, mở rộng gắn với khu công nghiệp, đồng thời chúng tôi sẽ triển khai song song quy hoạch nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết để góp phần thúc đẩy tiến độ dự án phát triển này” - ông Thọ nói.
MỞ TUYẾN ĐÔNG - TÂY CHO HÀNG HÓA LỚN
Tuyến vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Taook (Sê Kông - Lào) hiện là con đường ngắn nhất kết nối khu vực Đông Thái Lan, Nam Lào với cảng quốc tế Chu Lai và các cảng biển, khu kinh tế ở miền Trung, được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giao thông kết nối tuyến đông - tây này cần được “khai thông”.
Không đáp ứng
Hiện trạng các tuyến đường kết nối từ Chu Lai đến cửa khẩu Nam Giang đều có nhiều hạn chế, xuống cấp và nhỏ hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển tuyến vận chuyển trọng yếu này. Trong đó, tuyến quốc lộ (QL)14E dài khoảng 73km (nối QL1A đến đường Hồ Chí Minh) nằm trên hành lang kết nối Khu kinh tế mở Chu Lai với khu vực Tây Nguyên và Nam Lào - Đông Bắc Thái Lan - Myanma thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Hiện trạng tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng lưu lượng vận tải lớn, khó thể đáp ứng nhu cầu kết nối vận chuyển hàng hóa lớn.
Còn tuyến QL14D dài khoảng 74km là đoạn tiếp theo của QL14E, nối từ đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Hiện trạng đường cấp VI đến cấp V miền núi với mặt đường hẹp, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng, tạo nên điểm nghẽn trên tuyến hành lang đông - tây này. Khi được đầu tư nâng cấp, tuyến QL14D sẽ kết nối với TP.Đà Nẵng qua QL14B và kết nối với Chu Lai - Hội An qua QL14E rất thuận lợi, mở rộng không gian phát triển về phía tây cho cả vùng trọng điểm miền Trung.
Trước sự xuống cấp của các tuyến trên, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp QL14E tại Quyết định số 1531/QĐ-BGTVT ngày 17.8.2021 với tổng mức dự kiến 1.850 tỷ đồng trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Còn với tuyến QL14D, Bộ GTVT cũng đã có khảo sát nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư vì khó khăn về nguồn vốn giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Mở tuyến
Để đáp ứng nhu cầu phát triển chung và phát triển logistics trên tuyến hành lang kinh tế đông - tây này, Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến để Bộ GTVT triển khai dự án nâng cấp QL14E trong năm 2023. Quảng Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến QL14D theo hình thức BOT trên nền đường hiện trạng, do đặc thù địa hình miền núi cao chỉ có tuyến độc đạo này, việc xây dựng tuyến mới rất tốn kém và thực hiện thu phí tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, chỉ áp dụng đối với xe ô tô qua cửa khẩu này.
Về dự án trên, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO cho biết tập đoàn này đã khảo sát, tư vấn, nếu đầu tư BOT mới, toàn tuyến 235km hiện nay sẽ chuyển sang tuyến mới chỉ 132km. So với làm trên đường cũ, việc làm đường mới vẫn rẻ hơn chi phí đền bù, nếu làm đường trên cao, chi phí cũng không quá cao, vẫn làm được.
Còn nếu kết nối lên Gia Lai, THACO đã khảo sát tuyến đường từ Măng Đen xuống Quảng Ngãi, chỉ cần thêm hơn 80km. Nếu đồng bộ các tuyến trên sẽ giải quyết khó khăn lớn nhất của Chu Lai, Quảng Nam và miền Trung. THACO đã chủ động trao đổi với tỉnh, tập đoàn sẵn sàng đầu tư.
Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Quảng Nam vào cuối tháng 3.2022, ông Trần Bá Dương đề nghị: “Về luồng mới, cảng mới Chu Lai và các tuyến đường trên, Thủ tướng ủng hộ và quyết luôn thì THACO xin nhận trách nhiệm, sẽ cố gắng làm trong 2024, hoàn thành trước 2025. THACO rất quyết tâm, muốn làm nhanh, và sẽ đảm bảo chất lượng”.
Với đề nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý phương án của THACO. Thủ tướng yêu cầu: “Cần nắn con đường lên biên giới thẳng nhất có thể chứ không làm bám theo con đường cũ như phương án của Bộ GTVT nữa.
Không mở rộng đường cũ, cứ để thế sử dụng làm con đường hậu cần, con đường hoạt động trong lúc chưa có đường mới. Từ nay đến hết năm 2025, anh Dương không cần phải đầu tư ở đâu nhiều, đầu tư ở đây hai cái này cho tốt (tuyến đường trên cùng với cảng Chu Lai-NV)”.
NHỮNG MẢNG MÀU MỚI
Trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silica và công nghiệp dược liệu tự nhiên là hai mảng màu mới được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển ở vùng Đông. Thêm nhiều kỳ vọng được đặt ra cùng với những toan tính để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ
Tính riêng gần 5.000ha thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỷ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 54,78%. Vùng ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai trong tổng diện tích các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh có thêm hơn 1.100ha, với tỷ lệ lấp đầy hơn 60%, cho thấy sức hút của các khu công nghiệp đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tập trung đầu tư toàn bộ diện tích đất khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch (khoảng 6.132ha), đồng thời bổ sung các vị trí phù hợp khác vào quy hoạch thêm các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, khai thác các lợi thế về hạ tầng mới được đầu tư xây dựng.
Riêng tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh mong muốn được triển khai thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí giữa Tập đoàn THACO làm hạt nhân với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị này, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
“Quảng Nam đã có THACO là hạt nhân, và tập đoàn này đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là về công nghiệp cơ khí. Tuy nhiên việc xây dựng hệ sinh thái của các doanh nghiệp khác tại Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận để tham gia chuỗi giá trị của THACO, phát huy sự dẫn dắt, lan tỏa và kết nối của THACO chưa thực hiện được.
Mặc dù THACO đã đề xuất một số biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhưng vì thiếu cơ chế của Nhà nước hỗ trợ nên chưa tạo được động lực, sức hút cần thiết, đây là điều rất đáng tiếc. Nếu như có một hệ sinh thái cộng sinh cùng THACO, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tham gia những phần gia công cơ khí, hình thành “vệ tinh” trong hệ sinh thái này” - ông Thanh cho hay.
Hướng đi mới
Khi công nghiệp cơ khí thể hiện được vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh cũng đã sớm có chủ trương kích hoạt những ngành công nghiệp mới, đón đầu xu thế. Đối với chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên, trên cơ sở vùng diện tích dược liệu đang trồng sắp đạt 2.500ha, cũng như tính đặc hữu của nhiều loại dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đề xuất được cho thuê môi trường rừng để phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.
Tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng dược liệu quy mô lớn để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sâu, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên cấp quốc gia với sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực.
Các nhà máy chế biến sâu sẽ đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng nguyên liệu công nghiệp được hình thành tại các huyện miền núi của tỉnh. Một “tham vọng” lớn hơn, là hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên cấp quốc gia tại Quảng Nam, phát triển các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác có sử dụng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu được trồng trong tự nhiên, có ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cao.
Với tốc độ đô thị hóa khá nhanh ở vùng Đông, đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã có kiến nghị với Bộ TN-MT về việc đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản cát trắng nằm rải rác ở địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An, Tam Kỳ.
Đồng thời cho phép UBND tỉnh lập thủ tục khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác nhanh để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica tại Quảng Nam.
Các vị trí có khoáng sản cát trắng cơ bản nằm trên các công trình giao thông, khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch, đang trong quá trình lập và triển khai các dự án đầu tư, nên đề xuất này của tỉnh đang được Bộ TN-MT tiếp thu và sớm báo cáo với Thủ tướng.
Chủ trương này được thông qua sẽ kích hoạt công nghiệp chế biến sâu ngành silica một cách mạnh mẽ hơn với trữ lượng cát trắng ước tính 250 triệu tấn.
“Trên thực tế vùng cát trắng nằm không đồng đều, rải khắp hơn 1.000ha vùng Đông. Đây là vùng động lực phát triển, tỉnh mong muốn các bộ, ngành rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ quốc gia, cho phép điều tra thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác.
Bên cạnh đó, trung tâm công nghiệp chế biến silica không chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu ở Quảng Nam, mà còn sử dụng nguyên liệu thô ở các địa phương khác” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
GỠ TỪNG NÚT THẮT
Những “điểm nghẽn” trong phát triển đã được Quảng Nam đề cập cụ thể và đề xuất tháo gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên làm việc vào cuối tháng 3 vừa qua. Không chỉ cho thấy quyết tâm duy trì và đẩy nhanh tốc độ phát triển, những hoạch định cụ thể cho chặng đường xa hơn cũng được tính đến.
Nhận diện những trở ngại
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong bối cảnh nhiều khó khăn, song Quảng Nam vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, vươn lên đứng thứ 2 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tăng trưởng GRDP, điều tiết ngân sách về Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở lực chưa được tháo gỡ, về lâu dài sẽ tác động đến tốc độ, quy mô phát triển của tỉnh.
Đề cập vùng Đông, vùng động lực mới của Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp tại khu vực này, quá nhiều vướng mắc nảy sinh từ việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, thu hút nguồn lực xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh phải lấy nguồn lực Nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển; không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, một đồng vốn từ ngân sách phải thu hút được 4 - 5 đồng, thậm chí nhiều hơn từ xã hội để tăng cường nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.
Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và giải quyết các vấn đề đặt ra, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích người dân lên trên hết, trước hết.
Đồng thời lưu ý tỉnh phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông; xử lý tốt mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Điều này xuất phát từ việc triển khai trồng rừng phòng hộ trên đất cát và đưa vào quy hoạch các loại rừng của những năm trước đây, khi khu vực này chưa phát triển, không có hệ thống giao thông.
Bên cạnh đó, những yếu tố thuộc về đặc điểm, lịch sử quản lý đất đai và các quy định hiện hành nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, là một trở ngại rất lớn trong quá trình phát triển, nhất là khu vực vùng Đông.
Ở phía tây, dù có điều kiện tốt về phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp, dược liệu, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái nhưng hạ tầng giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng gây cản trở rất lớn cho sự phát triển.
Thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực đồng bằng lẫn miền núi của tỉnh.
“Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường quốc tế, cùng với tâm lý e ngại vi phạm các quy định pháp luật nên quá trình thực thi công vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư.
Tỉnh cũng nhận thấy rằng chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất còn hạn chế, trên địa bàn tỉnh thiếu các trường dạy nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập, công nghiệp 4.0.
Đây là những trở lực lớn cho yêu cầu phát triển hiện nay, tháo gỡ nút thắt không chỉ cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà lớn hơn là cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế chính sách, về quy hoạch, tạo động lực tương xứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh” - ông Thanh nói.
Sẽ bứt phá mạnh mẽ
Để tháo gỡ những khó khăn, tạo sức bật cho vùng động lực phía đông, Quảng Nam đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc nạo vét luồng lạch, để cảng Chu Lai có thể đón được tàu container 5 vạn tấn; xây dựng đường giao thông để tăng cường kết nối hành lang kinh tế đông - tây; bổ sung quy hoạch khu công nghiệp; nạo vét sông Trường Giang để tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải thủy kết hợp thoát lũ cho TP.Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Thăng Bình…
Tỉnh cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến về việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản, sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai, hình thành khu vực phức hợp giáo dục đại học quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng Đại học Đà Nẵng… Đây sẽ là những chủ trương lớn để gỡ từng điểm nghẽn, từ đó hiện thực hóa những tính toán cụ thể của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, với tiềm năng, lợi thế, truyền thống, ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, Quảng Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ khi được tháo gỡ những điểm nghẽn, nhất là về hạ tầng giao thông.
Lưu ý địa phương về việc hoàn thiện, bổ sung, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng quy hoạch đối với vùng Đông, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng tỉnh cần tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Quảng Nam có tiềm năng lớn nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng chiến lược về giao thông dù thuận lợi nhưng khai thác, đầu tư chưa tương xứng, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu còn hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ công chức còn hạn chế.
Thủ tướng nói: “Những điểm nghẽn được chỉ ra, cùng với giải pháp mà tỉnh đề xuất cho thấy quyết tâm lớn của Quảng Nam trong chặng đường phía trước. Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy tối đa tinh thần tự lực tự cường, nguồn lực nội sinh để phát triển. Trong bối cảnh nguồn lực, thời gian có hạn, phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề, nội dung, dự án… có hiệu quả cao nhất, tác động lan tỏa để tập trung thực hiện”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, trong năm 2022, Quảng Nam phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh, quy hoạch cấp huyện, cấp xã; phải đóng góp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đồng thời tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu…