Tiếng hát từ trái tim của thầy giáo khiếm thị
(QNO) - Tập hợp 11 ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình đất, tình người trong album “Việt Nam hát lên” của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy đi vào lòng người bởi sự đồng cảm và cả sự thán phục của mọi người dành cho tác giả.
Buổi họp báo ra mắt album “Việt Nam hát lên” của thầy giáo khiếm thị Đặng Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Hướng Dương Việt Quảng Nam chiều tối 22.4 tại quán cà phê Tam Kỳ by night trên đường Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) diễn ra gọn nhẹ, ấm áp và thân tình.
Khách mời ngoài các sở ngành của tỉnh và TP.Tam Kỳ, còn có thầy cô giáo ở trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) và Trường Đại học Quảng Nam - nơi Duy từng theo học, những nhạc sĩ, người yêu nhạc, những tập thể, cá nhân đồng hành với Duy và Trung tâm Hướng Dương Việt Quảng Nam. Và đương nhiên không thể thiếu nhưng cô cậu học trò khuyết tật đang theo học tại Trung tâm Hướng Dương Việt của Duy.
Nghe các ca khúc trong album “Việt Nam hát lên” của Duy, không ai nghĩ rằng đây là sáng tác của một thầy giáo khiếm thị. Bởi, như nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam chia sẻ tại buổi ra mắt: “Một điều rất đáng quý và trân trọng là thầy giáo - nhạc sĩ Đặng Ngọc Duy đã vượt qua nghịch cảnh tật nguyền của mình để sáng tác những ca khúc có giai điệu hào phóng, khoan thai, trữ tình, không bi lụy; kết hợp với lời ca mộc mạc, mang âm hưởng dân gian, truyền thống, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người… Nghe nhạc, không ai nghĩ đây là sáng tác của một người khiếm thị”.
Riêng tôi từng qua nghe các ca khúc: “Cổ tích cho con”, “Việt Nam hát lên”, “Phố hương của tôi”, “Tìm về Quảng Nam”, “Nhớ quê”, “Tam Kỳ ngày về”, “Ngón tay biết nói”… trong album “Việt Nam hát lên” trên kênh YouTube Quảng Nam Hướng Dương Việt, nhưng lần này nghe lại qua tiếng hát của các ca sĩ Linh Giang, Mỹ Mơ, Ngọc Châu…, lại một lần nữa dậy lên niềm tự hào, yêu mến về quê hương và cả tình cảm dành cho người sáng tác.
Đặc biệt cảm động là ca khúc “Ngón tay biết nói”, Duy viết tặng học trò khiếm thính khi các em không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ như mọi người mà “em nói bằng đôi tay/ em nói bằng chữ viết/ trái tim, trái tim hòa nhịp đập/ vì cuộc sống mến thương” được chính các em thể hiện tại buổi ra mắt.
Ca sĩ Linh Giang (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) tâm sự, ca khúc của mỗi nhạc sĩ luôn để lại trong chị những dấu ấn khác nhau, riêng với Đặng Ngọc Duy, ngoài giai điệu, lời ca tình cảm, nhẹ nhàng, hào sảng, chị còn khâm phục niềm đam mê và tình yêu âm nhạc của tác giả và khâm phục nỗ lực trong cuộc sống.
Đặng Ngọc Duy chia sẻ, anh sáng tác với niềm đam mê, không chạy theo thị trường, thị hiếu. Chủ đề Duy đeo đuổi lâu nay là về quê hương, đất nước, nhưng sắp tới, có lẽ Duy sẽ từng bước hoàn thiện để trình làng “món ăn lạ” với ca khúc về tình yêu đôi lứa và nhạc thiếu nhi.
Đặng Ngọc Duy sáng tác từ rất lâu với cả trăm ca khúc nhưng trong album “Việt Nam hát lên” chỉ tập hợp 11 ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, tình đất, tình người và anh cũng chưa bao giờ xưng mình là nhạc sĩ, chỉ nhận mình là “thầy giáo sáng tác nhạc”.
Dẫu vậy, với những gì thể hiện trong album, có thể gọi Đặng Ngọc Duy là nhạc sĩ, như mong muốn của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích: “âm nhạc của Duy sẽ ngày càng lan tỏa và được công chúng ủng hộ”.
Trung tâm Giáo dục hòa nhập Hướng Dương Việt Quảng Nam (đường Lê Nhân Tông, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) thành lập năm 2018 trên cơ sở tổ chức lại cơ sở Mái ấm Hướng Dương.
Trung tâm tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và tái hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Quảng Nam từ nguồn kinh phí tự vận động và đóng góp của tổ chức, cá nhân từ thiện.Trung tâm hiện nuôi dạy 50 trẻ em khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ…). Tại trung tâm, các em được học văn hóa (từ lớp dự bị đến lớp 5) hoặc học hòa nhập bậc THCS, THPT và học môn năng khiếu, hướng nghiệp.