Sử dụng hóa đơn điện tử: Cuộc chạy đua nước rút

TRỊNH DŨNG 21/04/2022 06:35

Ngày 21.4.2022, Chính phủ sẽ bấm nút chính thức triển khai mở rộng hệ thống quản lý hóa đơn điện tử cho các Cục Thuế trong toàn quốc và theo đó đặt mục tiêu đảm bảo việc sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế kể từ ngày 1.7.2022. Ngành thuế đã sẵn sàng cho “cuộc chạy đua nước rút”, nhưng liệu có kịp tiến độ theo kế hoạch đã ấn định?

Kể từ ngày 1.7.2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải áp dụng sử dung hóa đơn điện tử. Ảnh: T.D
Kể từ ngày 1.7.2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải áp dụng sử dung hóa đơn điện tử. Ảnh: T.D

Sẵn sàng

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ra đời đã tạo nền tảng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thương mại điện tử, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Sau 6 tỉnh, thành (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) triển khai từ ngày 21.11.2021, cả 57 tỉnh, thành còn lại triển khai từ tháng 4.2022. Kể từ ngày 1.7.2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Chính quyền Quảng Nam đã bước vào một cuộc chạy đua nước rút. Ban chỉ đạo, tổ thường trực, kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT đã được thành lập, ban hành trên diện rộng. Ngành thuế đã mở “chiến dịch”, từ thành lập các tổ chuyên trách, trung tâm điều hành đến kế hoạch chi tiết.

Theo Cục Thuế, ngay từ trung tuần tháng 4.2022, cơ quan này đã tiến hành chuẩn hóa dữ liệu trên các ứng dụng của ngành, rà soát, phân tích người nộp thuế thuộc đối tượng sử dụng HĐĐT có mã, không có mã cơ quan thuế.

Rà soát các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức kê khai đủ điều kiện hoặc dự kiến sẽ áp dụng HĐĐT. Xây dựng lộ trình tuyên truyền, thông báo đến hộ chuẩn bị cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để áp HĐĐT.

Tại các trụ sở thuế, bộ phận một cửa, các khu - cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ... đầy hình ảnh, biểu ngữ tuyên truyền về lợi ích của việc chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT.

Các tài liệu hướng dẫn đã được gửi đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT thông qua địa chỉ email để các đơn vị chủ động các bước chuẩn bị áp dụng, đảm bảo việc sử dụng hóa đơn được tiến hành liên tục trước, trong và sau thời điểm chuyển đổi, không làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Rồi những buổi tập huấn cho người nộp thuế (trực tuyến, trực tiếp) về các nội dung chính sách HĐĐT, ứng dụng HĐĐT của ngành thuế, phần mềm HĐĐT của các đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT và trao đổi, giải đáp vướng mắc trực tiếp qua hệ thống phần mềm trực tuyến...

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho biết đã sẵn sàng thực hiện kế hoạch ấn định. Cơ quan thuế đã kết nối, đăng tải công khai thông tin 25 tổ chức nhận, truyền, và lưu trữ dữ liệu HĐĐT, 81 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT trên Cổng thông tin điện tử của Cục Thuế Quảng Nam.

Sẽ có khoảng 11.436 người nộp thuế phải đăng ký sử dụng HĐĐT, bao gồm 9.324 người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn (sử dụng HĐĐT 4.433 và 4.891 hóa đơn giấy) và 2.112 người nộp thuế chưa sử dụng hóa đơn.

Liệu có kịp tiến độ?

Cơ quan thuế, doanh nghiệp, người nộp thuế đều hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng HĐĐT. Giảm chi phí, từ máy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, thủ tục hành chính thuế, giảm rủi ro về việc mất hóa đơn... đến tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp hay người kinh doanh... Tuy nhiên, sự vận hành của chính sách này trên thực tế lại không dễ dàng như kế hoạch.

Kể từ ngày 1.7.2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: T.D
Kể từ ngày 1.7.2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: T.D

Theo quy định, đến hết ngày 31.5.2022 phải hoàn thành 70% và ngày 30.6.2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế. Cơ quan thuế thừa nhận việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT là xu thế tất yếu.

Song, hiện tại có đến 95% doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ tại địa phương gặp rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, ngại thay đổi. Nhiều doanh nghiệp hiểu lợi ích, ưu điểm, nhưng do sử dụng hóa đơn không nhiều hoặc số lượng hóa đơn giấy in còn chưa sử dụng nên vẫn còn đang chần chừ chưa muốn chuyển đổi áp dụng HĐĐT.

Việc áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.

Các hộ kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ hạn chế về công tác quản lý, ghi chép sổ sách kế toán và công nghệ thông tin nên khi chuyển sang sử dụng HĐĐT còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn vướng mắc.

Một số tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT trong giai đoạn đầu triển khai chưa bố trí được đầy đủ nhân sự, nguồn lực hỗ trợ triển khai. Chính điều này đã là một khó khăn trong việc triển khai HĐĐT.

Theo ông Ngô Bốn, sử dụng HĐĐT có nhiều tính năng nổi trội hơn so với hóa đơn truyền thống. Thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, kê khai, nộp thuế. Sẽ tăng tính an toàn, khả năng bảo mật cho hóa đơn, tránh được các rủi ro, thất lạc, hư hỏng hóa đơn...

Tuy nhiên, tiềm lực công nghệ, tài chính của doanh nghiệp địa phương yếu thì việc chuyển sang hình thức mới sẽ khó tương thích vì đòi hỏi đội ngũ nhân lực có trình độ, máy móc hiện đại.

Thuận lợi nhất của cuộc chuyển đổi này là số doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT chưa có mã xác thực của cơ quan thuế. Khó nhất là các hộ kinh doanh kê khai chế độ kế toán hộ, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đang bị cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản... không có nhu cầu sử dụng hóa đơn...

“Ngành thuế đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là người nộp thuế tiếp nhận chính sách như thế nào thì rất cần sự đồng thuận. Từ địa lý, chất lượng doanh nghiệp đến công nghệ thông tin còn khó..., rất khó để đảm bảo tiến độ sử dụng HĐĐT như quy định. Không thể tin tưởng tuyệt đối sẽ đạt 100%, nhưng xu thế quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước hiện đại trong thời 4.0, bắt buộc chuyển đổi số, việc sử dụng HĐĐT là điều không thể chậm trễ” - ông Bốn nói.

TRỊNH DŨNG