Những chính sách xây dựng từ đời sống
Ngày mai 21.4, HĐND tỉnh (khóa X) tổ chức Kỳ họp thứ 7 - kỳ họp chuyên đề - trong đó, sẽ thảo luận, xem xét, quyết định một số chính sách tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, hoạt động ở cơ sở, mà cơ quan soạn thảo xây dựng nội dung từ thực tiễn cuộc sống.
MỞ RỘNG, NÂNG MỨC HỖ TRỢ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC Ở CẤP THÔN
Dự kiến mỗi năm ngân sách tỉnh chi thêm 33 tỷ đồng bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của thôn/tổ dân phố, nếu HĐND tỉnh thống nhất thông qua tờ trình của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 7 này.
Ngày 21.4.2020, HĐND tỉnh (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 02 quy định mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn - khối đội trưởng; mức bồi dưỡng, bồi dưỡng kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 02 quy định những người trực tiếp tham gia công việc ở thôn/tổ dân phố được hưởng mức bồi dưỡng hằng tháng bằng 300 nghìn đồng/người.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, qua khảo sát từ thực tế, UBND tỉnh đánh giá, Nghị quyết số 02 đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Chế độ, chính sách cho những người trực tiếp tham gia các hoạt động ở thôn/tổ dân phố còn thấp, dẫn đến hạn chế trong tổ chức hoạt động phong trào, hiệu quả công việc không cao.
Đồng thời theo quy định tại Thông tư số 14 ngày 3.12.2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trong thực tiễn, một số địa phương đã bố trí phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố ở những thôn/tổ dân phố loại 1, tuy nhiên Nghị quyết số 02 không quy định chế độ, chính sách đối với nhóm này. Do đó chưa đảm bảo chế độ, chính sách đối với phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố, dẫn đến sự lúng túng cho các địa phương trong quá trình áp dụng.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ nói, từ yêu cầu thực tiễn và ghi nhận kiến nghị của các địa phương sau 3 năm thực hiện chủ trương sắp xếp thôn, tổ dân phố, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị quyết số 02 là cần thiết, đảm bảo chế độ cho các đối tượng trực tiếp tham gia công việc của thôn, khối phố.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, dự thảo Nghị quyết 02 sửa đổi, bổ sung chức danh phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố ở các thôn, tổ dân phố loại 1 được hưởng bồi dưỡng hằng tháng.
Cùng với đó, nâng mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố từ 300 nghìn đồng lên 600 nghìn đồng/tháng và hỗ trợ 3% mức lương cơ sở/người/tháng để đóng bảo hiểm y tế (trừ trường hợp đang hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định). Như vậy, so với mức hiện nay, UBND tỉnh dự kiến chi thêm 33 tỷ đồng/năm để thực hiện bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn/tổ dân phố.
Thống nhất với tờ trình của UBND tỉnh, theo bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, nếu được HĐND tỉnh thông qua, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các chức danh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng khung bố trí kiêm nhiệm các chức danh phù hợp đặc thù khu vực, vùng miền để các địa phương thực hiện đảm bảo yêu cầu vừa tinh gọn, vừa hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục xây dựng lộ trình nâng dần mức phụ cấp kiêm nhiệm, nhất là các thôn, tổ dân phố có mức khoán quỹ phụ cấp thấp, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết HĐND tỉnh và chính sách đối với cán bộ cơ sở, tăng cường bố trí kiêm nhiệm chức danh, tránh tình trạng vận dụng chính sách để tách, tăng số lượng chức danh ở cấp cơ sở.
TẠO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CHO Y TẾ THÔN BẢN
Cơ chế hỗ trợ để duy trì hoạt động của đội ngũ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em là nội dung tiếp tục được đưa ra, tại dự thảo nghị quyết UBND tỉnh trình Kỳ họp thứ 7, để HĐND tỉnh (khóa X) xem xét, quyết định.
Cánh tay đắc lực ở cơ sở
Ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành cho biết, hiện nay ở các trạm y tế xã, lực lượng nhân viên mỏng, trình độ năng lực có hạn, khi dịch bệnh bùng phát, họ gặp không ít khó khăn.
Những năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, tại Núi Thành, các trạm y tế xã, thị trấn phải đảm nhận cùng lúc khá nhiều nhiệm vụ, vừa chống dịch vừa chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là những nơi có lượng lớn lao động ngoài địa phương đến làm việc như Tam Hiệp, Tam Nghĩa, Tam Quang…
Do vậy, đội ngũ y tế thôn bản cùng các cộng tác viên dân số, trẻ em ở thôn chính là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho nhân viên y tế đang phải túc trực ở trạm xá. Trong lúc cao điểm của dịch bệnh, đội ngũ này càng cho thấy vai trò quan trọng ở cơ sở.
Tuy nhiên, từ năm 2021, đội ngũ y tế hoạt động tại các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không còn được hưởng phụ cấp. Lý do, theo tờ trình UBND tỉnh đưa ra là, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế thôn, bản được thực hiện theo Quyết định số 75/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 26/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã hết hiệu lực.
Do vậy, từ năm 2021 đến nay địa phương không có cơ sở để cấp kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số và đội ngũ y tế thôn bản tại các địa bàn tổ dân phố, khối phố. Đây cũng là lý do để UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết “Quy định các chế độ hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” trình HĐND tỉnh xem xét tại Kỳ họp thứ 7.
“Để đảm bảo quy định theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, cần phải ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản” - tờ trình của UBND tỉnh nêu.
Cần thiết hỗ trợ
Trên địa bàn Quảng Nam, theo Quyết định số 694, ngày 16.3.2022, của UBND tỉnh về phê duyệt đề án Kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản thì mỗi thôn đặc biệt khó khăn bố trí tối đa 2 nhân viên, các thôn khác và tổ dân phố bố trí 1 nhân viên.
Toàn tỉnh hiện có 230 thôn đặc biệt khó khăn, như vậy số nhân viên y tế thôn bản được bố trí tối đa 460 người, và 211 tổ dân phố, 799 thôn còn lại, tương ứng đội ngũ y tế thôn bản sẽ bố trí 1.010 người. Như vậy tổng số cộng tác viên thực hiện các nhiệm vụ dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh tối đa là 1.470 người.
Để mức hỗ trợ cho đội ngũ này phù hợp với mức sống hiện tại, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh xây dựng đề xuất: cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản làm việc tại các thôn đặc biệt khó khăn mức hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng (tương đương mức hỗ trợ theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg và cộng thêm 50.000 đồng bồi dưỡng làm công tác dân số, gia đình và trẻ em); trường hợp công tác ở các thôn còn lại và tổ dân phố hỗ trợ mức 600 nghìn đồng/tháng (tương đương mức hỗ trợ theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg và cộng thêm 100.000 đồng bồi dưỡng làm công tác dân số, gia đình và trẻ em, do chỉ có 1 người).
Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, các trường hợp đã được hỗ trợ, bồi dưỡng theo mức quy định này thì không hưởng chế độ bồi dưỡng khác cho cùng nhiệm vụ tại các quy định của Trung ương.
Ngoài ra, lực lượng này sẽ được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế bằng 3% mức lương tối thiểu chung theo quy định và chỉ thực hiện hỗ trợ đối với những đối tượng chưa được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo các chính sách khác.
Đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em và nhân viên y tế thôn bản sẽ được trang bị túi y tế thôn, bản để thực hiện công tác chuyên môn theo quy định và được cấp mới theo định kỳ 5 năm. Nguồn kinh phí thực hiện đề án trên toàn tỉnh dao động khoảng 13 tỷ đồng/năm.
Theo Sở Nội vụ, thời gian qua, nhân viên y tế thôn bản hoạt động tại các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không được hưởng phụ cấp; hơn nữa, hiện chưa có chính sách quy định mức kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em nên đội ngũ này phải làm nhiều công việc khác để chăm lo đời sống gia đình.
Do đó, ban hành nghị quyết quy định mức bồi dưỡng và các chế độ, chính sách khác cho cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn bản là cần thiết, nhằm khuyến khích lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THANH NIÊN
Tại Kỳ họp thứ 7, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết phát triển thanh niên Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030.
Sẽ là đòn bẩy
Theo nhìn nhận của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, hiện nay vẫn còn bộ phận thanh niên, nhất là lực lượng thanh niên ở địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa có điều kiện phát triển toàn diện. Kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề án phát triển thanh niên chưa nhiều; công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển thanh niên chưa đồng bộ...
Theo dự thảo Nghị quyết phát triển thanh niên tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, hơn 80% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến. Tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống. Ít nhất 80% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số. Phấn đấu hơn 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 7%, tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 6%; hơn 15% thanh niên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đưa vào quy hoạch lãnh đạo cấp sở, phòng và tương đương,...
Thực trạng trên đặt ra vấn đề cần có chương trình phát triển thanh niên của tỉnh, trên cơ sở đó ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện, giúp lực lượng thanh niên phát triển toàn diện. Do đó, tại Kỳ họp thứ 7, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phát triển thanh niên tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030 là cần thiết.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Nam Trà My chia sẻ, khi được HĐND tỉnh thông qua, nghị quyết sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phong trào thanh niên toàn tỉnh có bước phát triển mới, vượt bậc hơn. Nghị quyết quan tâm đến sự phát triển toàn diện của tất cả đối tượng thanh niên, đặt ra mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua đó tạo điều kiện để thanh niên vươn lên trong cuộc sống, thể hiện tinh thần tiên phong, xung kích trước xu thế phát triển mới của thời đại công nghệ số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cần sát thực tế
Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh nói, Nghị quyết phát triển thanh niên Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030 ban hành sẽ khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua; tạo ra các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ thanh niên kịp thời; đổi mới nội dung và phương thức hoạt đoạt của đoàn; nâng cao chất lượng kết nạp đoàn viên.
Trong 6 mục tiêu dự thảo nghị quyết nêu, việc giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao là những nội dung trọng tâm, sát nhu cầu thực tiễn của thanh niên.
Trong thời gian tới, những mục tiêu này rất cần được các cấp, ngành quan tâm, xây dựng các đề án phù hợp, đầu tư nguồn lực hiệu quả.
Theo Sở Nội vụ, để nghị quyết đi vào cuộc sống (nếu được HĐND tỉnh thông qua), phát huy tính hiệu quả, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện thanh niên.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Cạnh đó, tăng cường cung cấp dịch vụ, hoạt động hỗ trợ thanh niên; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, đẩy mạnh sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác quốc tế trong công tác thanh niên; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thêm một dự án thủy điện bị loại khỏi quy hoạch
TẠI Kỳ họp thứ 7, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 161/2010/NQ-NĐND ngày 22.4.2010 của HĐND tỉnh (khóa VII) về Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Quảng Nam, cụ thể là loại khỏi quy hoạch đối với dự án thủy điện (DATĐ) Đăk Pring 2 (công suất quy hoạch 7,0MW, tại thôn A Bát, xã Chà Val, Nam Giang).
Tính đến tháng 12.2020, DATĐ Đăk Pring 2 chậm 36 tháng so với cam kết về thời gian khởi công dự án. Đây là một trong 2 DATĐ mà HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan để trình HĐND tỉnh xem xét, đưa ra khỏi quy hoạch theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
DATĐ Đăk Pring 2 được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Vinh tại Quyết định số 2384 ngày 30.6.2017 với tiến độ theo cam kết khởi công tháng 1.2018; phát điện tổ máy số 1 vào tháng 8.2019.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, dự án này không ảnh hưởng di dời, tái định cư; tổng diện tích chiếm đất là 45,2ha. Do chưa có kết quả đo đạc giải thửa nên chưa thực hiện đánh giá hiện trạng rừng bị ảnh hưởng, chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngày 26.10.2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3083 chấm dứt hiệu lực và thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư DATĐ Đăk Pring 2 của Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Vinh.
Được biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 161 và qua các đợt rà soát, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh quyết định loại khỏi quy hoạch 8 DATĐ, trong đó gần đây nhất là tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh (khóa X) ban hành Nghị quyết số 57 ngày 22.7.2021 thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ 4 DATĐ A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh.
Như vậy, sau khi hoàn thành rà soát, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Quảng Nam còn 30 dự án, với tổng công suất theo thiết kế 547,56MW, điện lượng bình quân hơn 1,946 tỷ kWh/năm (cùng 10 DATĐ bậc thang trên địa bàn tỉnh do Bộ Công Thương lập, thẩm định và phê duyệt đã đưa vào vận hành phát điện, với tổng công suất 1.205,0MW, điện lượng bình quân gần 4,350 tỷ kWh/năm).
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đến nay đã có 14 DATĐ vận hành phát điện với tổng công suất 263,96MW, điện lượng bình quân 987,91 triệu kWh/năm.
Còn 10 DATĐ đang thi công xây dựng với tổng công suất là 201,8MW; điện lượng bình quân 682,51 triệu kWh/năm, dự kiến trong năm 2022 có 6 DATĐ đưa vào vận hành phát điện, gồm Nước Biêu, Đăk Di 1, Đăk Di 2, Tầm Phục, Tr’Hy, Nước Chè. Các DATĐ còn lại đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng.Nguyên Đoan