Tục thờ Tam vị Thủy Tướng
Tục thờ nữ thần và thủy thần dọc sông Thu Bồn ra đến cửa Đại Chiêm và Cù Lao Chàm là nền tảng tâm linh quan trọng nhất cho vấn đề an dân trước khi đối diện, chinh phục biển, đúng như thông điệp và sứ mệnh “Phục ba” (khắc phục sóng lớn) mà tiền nhân đã gửi gắm.
1. Cùng với tín ngưỡng thờ nữ thần, tín ngưỡng thờ thủy thần cũng là mạch nguồn kết nối đời sống văn hóa tâm linh xứ Quảng. Cụ thể là theo dòng Thu Bồn, từ Ái Nghĩa về Thanh Hà, ra Cù Lao Chàm, gắn liền tục thờ Tam vị Thủy tướng, được thiêng hóa, nhân hóa theo dạng thức thần Rắn - Ông Cụt Ông Dài phổ biến trong đời sống làng xã miền Trung.
Bản kê khai sự tích về Tam vị Thủy Tướng của Lý trưởng Hoàng Văn Dương (ngày 12.9 năm Tự Đức 21 - 1867, Quảng Nam tỉnh tập biên) cho biết xã Ái Nghĩa, ở giữa có bàu Châu Lân (xứ Cổ Na - nay thuộc thôn Nghĩa Tây, Đại Nghĩa, Đại Lộc), từ xưa đã có một ngôi linh từ, tương truyền là miếu thờ Tam vị Thủy tướng.
Ở giữa bàu có gò đất khoảng một sào, bốn bề nước bao quanh, trước sau gò đống trùng điệp, nước rất sâu, có cá to, ba ba lớn. Lúc có chuyện, dân làng và cả quan huyện đều đến cầu đảo rất linh ứng, nên thường đem tiền kính tạ.
Các vị bô lão cho biết tôn hiệu Tam vị vốn sinh ở núi Túy Ông, đất đai cây cỏ tốt tươi đẹp. Trong xã có ông Hoàng Lân, vợ Nguyễn Thị Đạo là bà đồng cốt, đều đã quá năm mươi tuổi nhưng chưa có con.
Một ngày, bà Đạo ra bàu tắm, đêm về mơ thấy giữa bàu nổi sóng, hình rồng giao cuốn, bà kinh sợ tỉnh giấc, xúc cảm rồi mang thai, được mười một tháng thì sinh ra ba chàng trai. Người chồng cho đó là quái lạ, đặt ba chàng trai lên một bè tre rồi thả trôi sông. Đến địa phận xã Thanh Hà thì gió mưa nổi lên, họ biến thành ba con rắn bơi lên bờ.
Dân làng cho là lạ, bày lễ đuổi đi, nên ba con rắn lúc thì ở Thanh Hà, lúc thì trở lại bàu. Hoàng Lân mỗi khi ra đồng, ba con rắn đi theo, có lần đắp phạt bờ ruộng sơ ý chặt trúng làm đứt đuôi tiểu xà. Sau khi ông bà mất được vài năm, thân rắn ngày một lớn, mỗi khi ra bàu thì gió mưa lại nổi lên, linh khí ứng vào thân đồng xưng là Tam vị Thủy Tướng, gồm Hoàng Tứ, Hoàng Dĩ và Hoàng Cốt, dân làng lập miếu thờ.
Nhờ vậy, xã Ái Nghĩa được ban tặng sắc phong (ngày 8.3 năm Duy Tân 7 - 1913) phụng sự Tam vị Thủy Tướng chi thần nhẫm trứ linh ứng, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần. Đến bản sắc hợp phong ngày 25.7 năm Khải Định 9 (1924) thì Dực bảo Trung hưng Linh phò Tam vị Thủy tướng Tôn thần được gia tặng Trừng trạm Tôn thần (mỹ tự cho thủy thần hạ đẳng).
Đến Bàu Ông hồi đầu năm 2020, chúng tôi nhận thấy nơi đây có gò đất cao ở giữa hai nhánh sông cổ, nhánh sông đã bị bồi tắc thành bàu, trong tổng thể bồn địa nằm giữa hai dãy núi.
Tại giữa dòng sông cổ, cù lao, ven bờ còn thấy những bãi đá; hai bên bờ đã thành ruộng đồng, núi bao quanh… Vùng bồn địa này còn có ngôi miếu thờ Thiên Y A Na, bên trong thờ tượng đá, Mukha Linga, mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Chăm - Việt. Miếu được trùng tu năm 2009, trong miếu còn dòng chữ Hán Thủy Tướng Tôn Thần.
2. Tương tự, trong “Quảng Nam tỉnh tập biên” và “Thần tích thần sắc Quảng Nam - xã Thanh Hà”, thì truyền tích này lại có sự tích hợp, nhân hóa với Tứ Dương hầu. Chúng tôi đã tiếp cận với tư liệu hai vị nhân thần Tứ Dương hầu/Tứ Dương Thành phủ quân, là ngài Phạm Tử Nghi thời Mạc ở miền Bắc và ngài Bùi Tá Thế - con trai của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở miền Trung, miền Nam.
Sắc phong thần Tứ Dương Thành Quốc công của làng Thanh Hà và đảo Cù Lao Chàm tương tự nhau trong các đời vua Tự Đức đến Khải Định (Tư liệu sưu tầm của VICAS Huế, Lê Đình Hùng, Lê Minh Khiêm dịch).
Theo khảo sát đầu thế kỷ 20, dân làng Thanh Hà cho biết vị Tứ Dương không được ghi chép rõ, theo truyền khẩu thì đó là con của một người ở làng Ái Nghĩa, mẹ người họ Nguyễn Kim.
Lúc bà có mang, sinh ra ba trứng, ông cho là quái dị nên bỏ cả vào om đất thả trôi sông ra Cù Lao Chàm. Có lần đương lúc dọn vườn chặt cây, ông thấy một con rắn ngày nào cũng vậy cứ quanh quẩn mãi bên chân nên xách mác chặt đứt đuôi rắn.
Đồng nhập cho biết sao người cha lại làm như vậy, rồi ra nở tại cù lao 3 anh em: Tứ Dương - phải xin sắc phụng sự, ngài sẽ phù hộ cho; cùng Ông Bích và Ông Cụt (không có sắc phong). Vì vậy, làng Thanh Hà phải thờ và ba ngài rất linh hiển.
Ở Thanh Hà đã có sự đồng nhất Tam vị Thủy tướng là Tứ Dương hầu, Ông Bích và Ông Cụt, có điểm sai khác với tín ngưỡng thờ rắn là Ông Cụt và Ông Dài ở các làng xã sông nước miền Trung. Tuy nhiên, điểm đáng ngạc nhiên là ở đình Tiền hiền làng Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) hiện nay vẫn hiện diện hai bài vị được thờ tự trang nghiêm, dành cho hai vị được ban tặng Sắc phong Phục ba Tứ Dương Thành Quốc công Đại tướng và Sắc phong Phục ba Bích Sơn hầu Quận công Đại tướng.
Có lẽ Bích Sơn hầu chính là thần chủ ở đền Bích Tiên, Tứ Dương Thành Quốc công Đại tướng là thần chủ ở đền Tứ Dương hầu. Đại Nam Nhất thống chí từng ghi nhận trên Cù Lao Chàm có 3 đền miếu: Phục ba tướng quân, Tứ Dương hầu, Bích Tiên; hay Cao Các Đại Vương, Phục ba tướng quân và Bô Bô đại vương.
Nhưng cả hai thần vị ở đình Tiền hiền đều có mỹ tự Phục ba, có thể vì chữ này mà Đại Nam Nhất thống chí thời Nguyễn ghi thành miếu Phục Ba tướng quân, mặc dù đây là những vị nhân thần gốc Việt chứ chưa hẳn đã đồng nhất với Phục Ba tướng quân Mã Viện trong ảnh hưởng của văn minh phương Bắc theo dòng di cư của người Hoa đến đây.
3. Thủy thần, từ những hiện tượng tự nhiên, gắn liền với các loài thủy tộc đặc trưng như rắn, rái cá, cá sấu..., tùy đặc điểm địa lý và dấu ấn văn hóa mà tiền nhân đã thiêng hóa thành hình tượng thuồng luồng, hà bá, thủy long hay Lang thát Nhị đại tướng quân..., như là hiện thân gần gũi nhất của miền sông nước, với hệ thống thần linh từ sông ngòi ra biển cả.
Đặc biệt trong nhiều trường hợp, tục thờ thủy thần - thờ rắn còn được dân gian nhân cách hóa, thiêng hóa gắn liền, đồng nhất với các nhân vật lịch sử một cách rất đa dạng, sinh động, tiêu biểu như tín ngưỡng Tam vị Thủy tướng ở Ái Nghĩa - Thanh Hà - Cù Lao Chàm.
Cửa Đại - Cù Lao Chàm chính là vùng trung chuyển từ văn minh sông nước ruộng đồng ra biển cả và tục thờ thủy thần là nền tảng tâm linh quan trọng nhất cho vấn đề an dân trước khi đối diện và chinh phục biển, đúng như thông điệp và sứ mệnh “Phục ba” (khắc phục sóng lớn) mà tiền nhân đã gửi gắm.