Làm sao xử lý tiếng Việt đa nghĩa?

THỤY BẤT NHI 17/04/2022 08:53

Lịch sử giao lưu văn hóa, ngôn ngữ đa dạng đã tạo nên khối lượng tiếng Việt đa âm với đa tầng nghĩa. Bên cạnh đó, những phương ngữ, từ lóng, thói quen dùng từ láy, nói lái... thật sự không dễ dàng nắm bắt được hết. Vì vậy, người dùng cần liệu tính được các ngữ cảnh để vận dụng và né tránh được những sơ sót trong hoạt động giao tiếp hàng ngày.

Đọc sách góp phần sử dụng tiếng Việt chuẩn xác. Trong ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) trong ngày hội đọc sách năm 2021. Ảnh: C.N
Đọc sách góp phần sử dụng tiếng Việt chuẩn xác. Trong ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) trong ngày hội đọc sách năm 2021. Ảnh: C.N

Mới đây, khi các trang mạng xã hội rộ lên những bàn luận hí lộng xung quanh từ dùng của biên tập viên truyền hình: “liều tiêm”, vấn đề lại càng đặc biệt được nhiều người chú ý. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, lý luận “bắt bẻ” của cộng đồng xã hội dựa vào thực tế tiếng Việt “đồng âm dị nghĩa”.

Trong tiếng Việt, chữ “liều” cơ bản có hai nghĩa: thứ nhất là bất chấp, không xét hậu quả, như các từ liều lĩnh, liều mạng; thứ hai là một đơn vị đo lường, trong từ cảnh liều thuốc. Ai cũng có thể sử dụng hợp lý các từ theo nghĩa này.

Tuy nhiên, khi biên tập viên viết “liều tiêm” một cách kiệm lời, sẽ xảy ra suy diễn “méo mó”: liều mạng tiêm hay một liều dùng để tiêm? Đối chiếu bối cảnh này với các trường hợp trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin, rõ ràng sự việc đã biến thành… cơn sóng gió, chỉ trích cách dùng từ không khéo.

Tương tự trường hợp này, người Việt cũng có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ, như “con trai không phải con trai”, “năm con hổ là năm con hổ”… Tất cả đều dựa vào thực tiễn tiếng Việt có rất nhiều từ đồng âm mà khác nghĩa.

Đối diện với những trường hợp này, không ít người bày tỏ “bất lực” vì không thể nắm bắt được đầy đủ những biến tấu khác nhau với từ tiếng Việt, rất dễ bị… lừa vào tròng nếu gặp những người khéo dùng tiếng Việt hơn. Thực tế ngay ở văn học dân gian Việt Nam, cũng có không ít câu chuyện tiếu lâm, đả kích dựa vào các từ tiếng Việt đa âm đa nghĩa như vậy.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực tiễn kho tàng tiếng Việt có được sự đa dạng ấy, là bởi suốt quá trình lịch sử hình thành, hiện tượng pha trộn, đồng hóa ngôn ngữ ở người Việt là rất lớn. Có ít nhất “hai ngôn ngữ” chính đang cùng có mặt trong kho từ ngữ tiếng Việt, ấy là tiếng thuần Việt, và tiếng Hán Việt.

Điều này liên quan lịch sử dân tộc bị Bắc thuộc cả ngàn năm, chữ viết bị buộc phải dùng Hán văn thể hiện. Các nhà văn hóa lớn thừa nhận, tầm 80% từ tiếng Việt là từ Hán Việt hoặc pha trộn từ Hán văn.

Phần lớn từ này, sử dụng ở văn cảnh chính thức, đúng ngữ pháp… Mà như vậy, chỉ có khoảng 20% từ thuần Việt có trong tiếng Việt, lượng từ này chủ yếu do người dân dùng hàng ngày.

Chính sự pha trộn này, đã tạo nên một bối cảnh phong phú và cả… phức tạp ở tiếng Việt. Bản thân người Việt, khi sử dụng chữ Hán, cũng đã tự động biến chuyển rất nhiều từ sang nghĩa Việt, không còn lệ thuộc nguyên gốc nữa.

Tiếp đó, với sự hiện diện của người Pháp, người Nhật, người Mỹ… trong lịch sử đã qua, các ngôn ngữ nước ngoài này cũng đi vào tiếng Việt, được sử dụng dần dần thành Việt hóa, có nghĩa biến đổi so với nghĩa gốc, làm phong phú hơn khối lượng từ tiếng Việt.

Cho đến nay, khi internet phát triển, giao lưu văn hóa và ngôn ngữ đa chiều, thì sự biến tấu, sử dụng ngôn ngữ các nước vào trong tiếng Việt lại đa dạng hơn nữa. Tất cả càng khiến từ tiếng Việt mở rộng thành đa âm đa nghĩa hơn. Cộng thêm tiếng Việt có đến 6 thanh dấu, việc biến đổi mỗi thanh dấu lại có thể tạo nên một nghĩa từ mới, cứ thế trùng trùng lớp lớp tạo thành “ma trận” từ tiếng Việt.

Ví dụ chữ hổ, trong Hán văn, có nghĩa là một loài động vật ăn thịt mạnh mẽ, nhưng khi được người Việt sử dụng theo nghĩa thuần Việt, sẽ chỉ trường hợp ngượng ngập lúng túng, như xấu hổ, hổ ngươi… Từ này, dịch qua thuần Việt, lại là cọp, con vật ăn thịt mệnh danh chúa sơn lâm. Để rồi, khi vận dụng thêm từ tiếng Pháp vào tiếng Việt, chữ cọp lại được đồng hóa với chữ copy, thể hiện thành… “đọc cọp báo, coi cọp sách”…

Người viết trong phạm vi hạn hẹp của mình, chỉ có thể đề xuất thử hai hướng hỗ trợ người dùng tiếng Việt nắm chắc được từ ngữ thường dùng, tránh những trường hợp sơ hở, “lỡ lời” đáng tiếc.

Thứ nhất, cần chăm rèn tiếng Việt, đọc sách, viết chữ nhiều hơn, tra cứu các từ điển, tự điển một cách nghiêm túc, cầu thị không ngừng. Hễ gặp từ tiếng Việt nào rối nghĩa, tối nghĩa, dễ bị nhầm lẫn nghĩa, nhất thiết người dùng phải tra cứu tự điển kỹ lưỡng, hiểu rồi mới nên dùng, tránh dùng ẩu, dùng phiếm chỉ sẽ dẫn đến sai lệch, sự cố không mong muốn. Thói quen nói theo đám đông, viết theo mạng xã hội là một nguy cơ sai, cần sửa bỏ.

Thứ hai, không nên tiết kiệm lời nói, để viết tắt, viết gọn, dẫn đến viết nhịu, sai nghĩa, gặp phải từ đồng âm dị nghĩa, đa âm đa nghĩa, sẽ rất phiền toái và ảnh hưởng đến người viết. Vấn nạn bị gãy khúc, mất đi nghĩa tiếng Việt khi chuyển đổi từ chữ Hán qua viết chữ quốc ngữ, bỏ chữ Nôm, cũng là một sự cố rất đáng quan tâm trong lịch sử dân tộc, cần có sự xem xét, điều chuyển, giáo dục lại hợp lý và tinh tế hơn.

THỤY BẤT NHI