4 quan niệm sai lầm về bệnh cao huyết áp
(QNO) - Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, ổn định ở mức 120/80mmHg. Khi huyết áp ≥ 140/90mmHg trong một thời gian dài có nghĩa là bạn đã bị cao huyết áp.
Có 2 loại cao huyết áp với các nguyên nhân khác nhau:
Cao huyết áp nguyên phát (vô căn): Không có nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp này, bệnh thường do di truyền và xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Cao huyết áp thứ phát: Là hệ quả của một số vấn đề sức khỏe như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chữa cảm hoặc tiêu thụ rượu quá mức.
Một số yếu tố có thể tác động đến huyết áp như: Tuổi tác, chủng tộc, lịch sử gia đình, thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng kéo dài,…
Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng ở não, tim, thận nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm về bệnh tăng huyết áp:
Chỉ cần uống thuốc hạ áp khi tinh thần căng thẳng: Nhiều người chỉ uống thuốc khi cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, cao huyết áp không chỉ do stress. Việc dùng thuốc không đều đặn, sai thời gian, liều lượng,... có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm.
Có thể biết bệnh nặng, nhẹ qua cảm giác: Triệu chứng của cao huyết áp nhiều khi không đồng nhất với mức độ bệnh. Có khi dấu hiệu rất rõ ràng nhưng huyết áp lại không cao lắm. Ngược lại, có những người huyết áp tăng cao nhưng triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn. Giải thích cho điều này, các chuyên gia cho biết: Nếu tăng huyết áp là hệ quả của một tình trạng y tế khác, cho dù huyết áp không lên quá cao nhưng có thể nó sẽ biểu hiện rõ rệt triệu chứng của chính bệnh lý nguyên nhân. Do đó, bạn nên đo huyết áp thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh.
Ngừng thuốc khi thấy huyết áp bình thường: Rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị thấy huyết áp trở lại mức bình thường đã tự ý ngừng thuốc vì cho rằng, mình đã hoàn toàn khỏe mạnh. Trên thực tế, số người bị tăng huyết áp điều trị khỏi rất hiếm. Bởi, nếu nằm trong số 90% những người bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, bạn khó có thể tìm được cách để kiểm soát nó.
Chỉ cần thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt là đủ: Một số người nghĩ chỉ cần ăn nhạt, tập luyện để giảm cân là có thể cải thiện bệnh. Thực ra, các biện pháp này chỉ có vai trò bổ trợ, chứ không thể thay thế thuốc.
Những sai lầm kể trên khiến cho người bệnh không phát hiện sớm, làm giảm hiệu quả điều trị và gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vì vậy, từ bỏ những suy nghĩ sai lầm này sẽ giúp phòng ngừa cao huyết áp, tốt cho sức khỏe.