Kinh tế hồi phục, tạo đà tăng trưởng
Nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để có thể vận hành thông suốt, tạo đà tăng trưởng.
Kinh tế phục hồi
Các doanh nghiệp đã vượt qua sự bế tắc của thị trường, tiến đến mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT nói, kinh tế địa phương đã dần hồi phục. Quý 1 - 2022, tất cả chỉ số kinh tế đều gia tăng 10 - 20% là “thắng lợi” khi mọi tác động xấu đến thị trường vẫn chưa “rời bỏ”.
“Không hình thức, không dàn trải. Tổ chức sự kiện du lịch nào phải ra sự kiện đó. Hình ảnh Quảng Nam có hấp dẫn, thiện cảm hay không phải thông qua các dịch vụ lưu trú, lữ hành, kinh doanh,... theo hướng chuẩn hóa. Nếu không sẽ phản tác dụng. Vực dậy nền kinh tế không thể một sớm một chiều. Chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất là phải hoàn thành và triển khai tốt các quy hoạch. Không quy hoạch, tất cả dự án đầu tư công hay tư đều không thể triển khai, sẽ bị đứng bánh”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải cho hay, doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch bán ra hơn 142.000 xe, xuất khẩu 2.400 xe trong năm nay. Tổng doanh thu hợp nhất của Thaco năm 2022 sẽ hơn 100.230 tỷ đồng (sản xuất kinh doanh ô tô, linh kiện cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, logistics...).
Tăng trưởng mạnh mẽ của Thaco đã trở thành động lực kéo theo hàng hoạt doanh nghiệp tham gia công cuộc vực dậy nền sản xuất công nghiệp Quảng Nam.
Trong quý 1 - 2022, trừ ngành sản xuất, phân phối điện giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng 17,6% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu công nghiệp chế biến, chế tạo, cung cấp nước, xử lý rác thải và công nghiệp khai khoáng.
Một con số đáng chú ý là chỉ số tồn kho đã giảm 23,4% so cùng thời điểm năm trước và chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 6,6%.
Thương mại, du lịch, dịch vụ lao đao sau hai năm dịch bệnh đã bắt đầu gượng dậy, ước tăng 3,3% so với cùng kỳ. Khách đã dần trở lại Quảng Nam. Lưu trú quốc tế hay nội địa đều tăng (4.000 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,5% và 203 nghìn lượt khách nội địa, tăng 21,3%).
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quảng Nam đã được chọn là một trong 5 tỉnh, thành đón khách quốc tế từ giữa tháng 11.2021. Các doanh nghiệp đã nhận rất nhiều đơn hàng. Khách quốc tế đã bắt đầu quay trở lại. Thông tin từ tất cả hãng lữ hành, trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam đều có đến Quảng Nam.
Vốn từ các ngân hàng thương mại cũng đã đổ vào nền kinh tế. Trong quý 1, dư nợ cho vay đạt đến 86.500 tỷ đồng, tăng 1,17% so đầu năm và tăng 10,69% so cùng kỳ. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia nhập thị trường và nhiều dự án đầu tư được cấp phép (thêm 293 doanh nghiệp mới, 1 doanh nghiệp FDI và 12 dự án đầu tư nội địa được cấp phép).
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, tổng thu ngân sách đạt hơn 8.474 tỷ đồng (36% dự toán, tăng 18% so cùng kỳ) với hơn 6.168 tỷ đồng thu nội địa (32% dự toán) là những con số cho thấy nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ hơn.
Thúc đẩy tăng trưởng
Quý I - 2022, Quảng Nam lọt vào tốp 6 tỉnh, thành có mức tăng trưởng 2 con số (11,24%), chiếm vị trí thứ 4 cả nước, dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng, bức tranh kinh tế không chỉ màu hồng. Sự kiện Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam đã mở đường cho việc tái gia nhập thị trường của số lượng lớn doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng...
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những bất ổn của xung đột Ucraina - Nga vẫn chưa vãn hồi; nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng; các hãng bay phải tìm đường vòng tránh vùng chiến sự, không dễ dàng cho khách trở lại Việt Nam dù thị trường này đã mở toang cửa kể từ ngày 15.3.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT nói, cần kế hoạch phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ rời bỏ thị trường, các doanh nghiệp lớn cũng đang khó khăn (trong vòng 3 tháng đã có hơn 600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Ông Thử yêu cầu sự hợp tác của các sở, ngành ít nhiều liên quan đến doanh nghiệp, không thể đứng ngoài cuộc.
“Không phân tích sức khỏe của doanh nghiệp, không biết họ vướng mắc, khó khăn, cần gì thì làm sao có thể đưa ra các biện pháp để hỗ trợ hay vực dậy sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế địa phương trở lại quỹ đạo tăng trưởng” - ông Thử nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cần đẩy nhanh việc thu hút các dự án mới song song với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án còn tồn đọng, nhất là các dự án vùng Đông Nam; kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; xây dựng kế hoạch ứng phó diễn biến cực đoan của khí hậu cho nông nghiệp; thực hiện chương trình phục hồi kinh tế thích ứng, an toàn.
Các doanh nghiệp du lịch đã gượng dậy trong khó khăn, sẽ cần đến những cuộc gặp gỡ, giải quyết khó khăn trong thẩm quyền. Chính quyền tỉnh sẽ tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp (không chỉ du lịch), báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 4 này.