Vì sao Meta thu đến 47,5% phí bán hàng trong metaverse?

An Trương 14/04/2022 14:52

(QNO) - Tập đoàn Meta đã bắt đầu thử nghiệm các công cụ mới cho phép người sáng tạo bán tài sản kỹ thuật số trong nền tảng xã hội thực tế ảo Horizon Worlds.

Meta có kế hoạch dành 5 đến 10 năm tới để xây dựng một thế giới ảo sống động. Ảnh: Crast.net
Meta có kế hoạch dành 5 đến 10 năm tới để xây dựng một thế giới ảo sống động. Ảnh: Crast.net

Theo Daily Mail đưa tin ngày 12.4, những vật dụng có thể bán bao gồm các phụ kiện thời trang hoặc quyền truy cập trả phí vào một phần mới của thế giới ảo. Các công cụ mới sẽ có sẵn cho những người dùng chọn lọc nền tảng nhập vai của công ty, có thể truy cập thông qua tai nghe VR.

Meta cho biết những loại công cụ này là một bước quan trọng đối với tầm nhìn dài hạn của tập đoàn dành cho 'metaverse', biến nó thành nơi người sáng tạo có thể kiếm tiền và mọi người có thể mua hàng hóa, dịch vụ cũng như trải nghiệm kỹ thuật số.

Trong thông báo của mình, Meta cho biết: “Metaverse về bản chất không bị giới hạn bởi không gian vật lý, nhờ vậy sẽ mang lại một cấp độ sáng tạo mới và mở ra cơ hội mới cho thế hệ người sáng tạo và doanh nghiệp tiếp theo theo đuổi đam mê của họ và tạo ra thu nhập Người sáng tạo và doanh nhân sẽ có nhiều tự do hơn trong việc tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp với họ”.

Việc mua bán các mặt hàng trong Horizon Worlds hiện được thử nghiệm cho người dùng trên 18 tuổi ở Mỹ và Canada, nơi nền tảng Horizon Worlds đang hoạt động.

Tuy nhiên, Meta đã xác nhận rằng người sáng tạo phải trả phí lên đến 47,5% để bán sản phẩm ảo trong metaverse. Con số này nhiều hơn đáng kể so với mức phí mà Apple đang áp dụng đối với các nhà phát triển trên App Store. Đáng chú ý, Meta và Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trước đây đã chỉ trích Apple vì tính phí 30% cho các nhà phát triển khi mua hàng trong ứng dụng qua App Store.

Meta tính phí nền tảng 30% đối với doanh số bán hàng được thực hiện trên Meta Quest, hệ thống thực tế ảo trước đây được gọi là Oculus. Horizon Worlds, hệ thống metaverse của Meta, sẽ tính phí 25% phần còn lại. Điều này có nghĩa là Meta sẽ lấy “hoa hồng” đến 47,5% so với giá bán, để lại cho người bán 52,5%.

“Nếu một người sáng tạo bán một món hàng với giá 1 USD, thì phí Meta Quest Store sẽ là 0,30 USD và phí Horizon Platform sẽ là 0,17 USD (25% phần còn lại), để lại 0,53 USD cho người sáng tạo trước mọi khoản thuế hiện hành”, người phát ngôn của Meta xác nhận với Insider.

“Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch đưa Horizon Worlds đến nhiều nền tảng hơn và vì vậy phí nền tảng sẽ không phải lúc nào cũng được tính cho Meta. Khi Horizon Worlds tung ra nhiều nền tảng hơn như di động, chúng tôi hy vọng các nền tảng đó sẽ tính phí riêng. Phí Horizon Worlds là 25% phần còn lại sẽ được áp dụng sau khi bất kỳ khoản phí nền tảng phần cứng liên quan nào được áp dụng”, đại diện Meta giải thích cho mức phí cao ngất ngưỡng.

Vivek Sharma, Phó Chủ tịch của Meta tại Horizon, chia sẻ với The Verge: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một mức giá khá cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi tin rằng các nền tảng khác vẫn có thể kiếm được lợi ích cho riêng mình”.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội cũng đang thử nghiệm chương trình “tiền thưởng cho người sáng tạo” cho những người dùng Horizon Worlds được chỉ định ở Mỹ.

Meta có kế hoạch dành 5 đến 10 năm tới để xây dựng một thế giới ảo sống động, bao gồm mùi hương, cảm ứng và âm thanh để cho phép mọi người lạc vào VR.

Công ty đang cạnh tranh với những “người chơi” mới nổi trong thế giới ảo, nơi đất đai, tòa nhà, hình đại diện và thậm chí tên có thể được mua và bán dưới dạng mã thông báo không thể thay thế (NFT) hoặc tài sản ảo dựa trên blockchain.

Thị trường cho những tài sản này đã bùng nổ vào năm ngoái, với doanh số bán hàng đôi khi lên tới hàng trăm nghìn USD.

An Trương