Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở miền núi: Nhiều trở ngại

LÊ DIỄM 13/04/2022 07:17

Trong khó khăn chung của toàn tỉnh về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện những tháng đầu năm 2022, các huyện miền núi càng gặp trở ngại hơn, nhất là khó mở rộng đối tượng, sụt giảm người tham gia...

Thu nhập của người dân miền núi không ổn định nên rất khó vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: D.L
Thu nhập của người dân miền núi không ổn định nên rất khó vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: D.L

Chưa nghĩ về lúc già

Còn trẻ, đang tuổi lao động nên anh ALăng Sơn (xã La Êê, Nam Giang) chưa quan tâm đến lúc hết tuổi lao động sẽ như thế nào. Bản thân chưa vợ con, anh đi làm thuê bữa được bữa mất, thu nhập không ổn định.

Nhắc đến bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, anh Sơn có vẻ lạ lẫm, nói: “Tôi còn trẻ lắm, năm nay chưa đủ 30 tuổi, quan tâm gì đến lúc hết tuổi lao động. Mà chưa chắc tôi đã ở mãi trên này, bởi tôi đang có ý định kiếm việc làm gì đó ở dưới xuôi, lúc đó rồi tính”.

Hay như ông ALăng Ngay (xã ATiêng, Tây Giang) đã trên 40 tuổi, có điều kiện tiếp cận với các chính sách khi cán bộ thôn, xã, đại lý thu của BHXH huyện đến tuyên truyền. Thế nhưng, tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu khi về già là điều ông chưa nghĩ tới.

“Đời sống còn khó khăn lắm, vừa rồi cô cán bộ xã có tuyên truyền, dân làng đi nghe cả, mà không đủ tiền mua BHXH tự nguyện” - ông Ngay nói.

Tâm lý không quan tâm tới lúc hết tuổi lao động của người dân khiến cho đại diện những đại lý thu ở miền núi như chị Vũ Thị Thương (cán bộ LĐ-TB&XH xã A Tiêng, Tây Giang) gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Để tuyên truyền cho người dân, chị phải dùng tiếng Cơ Tu, giải thích trong các cuộc họp ở thôn cặn kẽ, có sự giúp đỡ của bí thư chi bộ, trưởng thôn.

Chị Thương cho hay: “Dù mình nỗ lực tuyên truyền thế nào, nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên vận động rất khó. Với mức đóng theo tháng, theo quý, theo năm, thời gian kéo dài mới được hưởng lương hưu, ai cũng lắc đầu. Tâm lý người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách trợ giúp của Đảng và Nhà nước, nên phải cần thời gian dài hơn nữa mới thay đổi nhận thức được”.

Nhiều trở ngại

Ở các huyện miền núi, người dân chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh, nên việc tham gia BHXH tự nguyện là điều rất khó. Chưa kể từ đầu năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo tăng gấp đôi, mức đóng BHXH tự nguyện theo đó cũng tăng cao, khiến người chưa tham gia thì do dự, người đã tham gia thì tạm dừng đóng.

Đại lý thu thực hiện việc tuyên truyền đến người dân ở miền núi vào ban đêm, bằng tiếng địa phương. Ảnh: D.L
Đại lý thu thực hiện việc tuyên truyền đến người dân ở miền núi vào ban đêm, bằng tiếng địa phương. Ảnh: D.L

Ông Nguyễn Văn Anh - Giám đốc BHXH huyện Nam Giang, cho biết: “Trong điều kiện huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, việc phát triển BHXH tự nguyện đối với Nam Giang gặp rất nhiều cái khó. Điều kiện đi lại cách trở, dân cư thưa thớt, nhưng hoa hồng trích lại cho đại lý thu theo quy định thấp.

Năm 2021, Nam Giang phát triển được 797 người tham gia BHXH tự nguyện, so với lực lượng lao động không chính thức của huyện đạt tỷ lệ 8%. Đến năm 2022, khi mức đóng tăng thì số người tham gia cũ giảm, chỉ còn 650 người tham gia, đồng thời phát triển đối tượng mới khó”.

Tại huyện Tây Giang, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cũng không mấy khả quan.

Ông Đoàn Mai - Giám đốc BHXH huyện Tây Giang thông tin: “Hai năm qua, vừa dịch bệnh lại thêm thiên tai, đời sống người lao động còn quá nhiều khó khăn nên chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chứ tham gia BHXH tự nguyện vẫn khó. Đến thời điểm này, Tây Giang còn 253 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 100 người so với năm 2021.

Ngoài các khó khăn do đời sống, thì chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người dân vì thời gian tham gia dài, chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, chưa có thêm được chế độ ốm đau, thai sản. Vì thế nhóm đối tượng hướng tới để phát triển BHXH tự nguyện gồm hộ bán buôn, người có kinh tế ổn định”.

Trước nhiều rào cản như vậy, BHXH các huyện miền núi đều nỗ lực để duy trì số người tham gia cũ, không quá kỳ vọng vào việc tăng mới. Cùng với đại lý thu bưu điện, xã, thị trấn, các huyện miền núi triển khai nhiều giải pháp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH các huyện tích cực tham mưu giải pháp thực hiện, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền qua kênh đại lý thu, giải thích các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh về mức đóng cho các nhóm đối tượng khác nhau, những lợi ích thiết thực về sau của người lao động...

LÊ DIỄM