"Cư dân bản địa là nền tảng tiên quyết"
Lựa chọn Tam Kỳ là trung điểm trong hành trình trải nghiệm, khám phá các vùng đất phía nam Quảng Nam, Tâm Group với người đầu tàu Nguyễn Thanh Tâm kỳ vọng khá lớn vào chiến lược anh đặt ra trong câu chuyện phát triển từ du lịch của mảnh đất còn khá nguyên sơ này.
Vẫn vóc dáng và suy tư khá đạo mạo của một người vốn dĩ xuất thân là nhà giáo, Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc điều hành Công ty CP TM-DV Tâm Group, gần như là một trong số những doanh nghiệp tiên phong khai thác du lịch trải nghiệm phía nam của Quảng Nam.
Những ngày hội hoa của phố sưa vàng năm 2021, người ta vẫn nhớ tới đồi chong chóng, cầu hạnh phúc ở phía Cồn Chùa. Lặng lẽ đóng góp cho hội hoa sưa vàng, Nguyễn Thanh Tâm nói, dù anh không phải người sinh ra nơi này, nhưng lựa chọn đất này để lập nghiệp, thì cũng quý yêu thành phố như chính quê xứ mình...
Tạo ra sự khác biệt
* Vì sao Tâm Group lại chọn khu vực phía nam để đầu tư về du lịch, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Từ khi chưa bắt tay vào làm du lịch thì qua khảo sát bản thân tôi đã nhận thấy điều kiện tự nhiên, con người, văn hóa là thế mạnh của phía nam Quảng Nam.
Thực ra quyết định lựa chọn khu vực này để đầu tư vẫn là định hướng giải pháp khó, bởi hoạt động du lịch hiện chủ yếu vẫn ở cánh bắc của tỉnh. Để chiêu mộ được nhân sự, con người tâm huyết với du lịch phía nam thực sự là vấn đề nan giải.
Lúc bắt tay vào làm tôi biết chắc chắn là khó và phải bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc nếu so với việc phát triển một mô hình tương đương ở khu vực du lịch đã định vị thương hiệu.
Mấy năm vừa qua thực sự đơn vị chỉ mới thiết lập được nền tảng nhỏ, nhưng cũng rất kỳ vọng đây sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy du lịch phía nam. Cơ hội mà mình nhìn thấy và được tiếp thêm động lực ở đây chính là định hướng phát triển du lịch của tỉnh, khi mong muốn lan tỏa du lịch về phía nam.
Bản thân mình luôn muốn làm một điều gì đó mới, khi xem Tam Kỳ là quê hương thứ hai của mình và muốn đóng góp vào sự phát triển của địa phương nên chọn con đường du lịch.
* Đơn vị đã định vị dòng sản phẩm đặc trưng nào để tồn tại và phát triển?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Trong kinh doanh hiện nay, nếu không tạo ra khác biệt thì không thể cạnh tranh, phát triển, đó là quy luật của tất cả ngành nghề không riêng gì du lịch. Do đó chúng tôi hướng về việc chuyên làm tour trải nghiệm, trong đó khu vực phía nam có một sản phẩm rất tiềm năng, chính là trải nghiệm mỏ vàng.
Hiện khu vực này chưa khai thác du lịch được vì nhiều lý do nhưng ý tưởng về một chuyến tham quan đến Thác Trắng - Hầm Hô (Tam Lãnh, Phú Ninh) rồi “đãi vàng”, sau đó du khách tự tay làm quà lưu niệm đang được nghiên cứu tính khả thi.
Sâm Ngọc Linh cũng là một định hướng khai thác. Hiện Tâm Group có tour Tam Kỳ - Phú Ninh - Núi Thành; Tam Kỳ - Phú Ninh - Tiên Phước; Tam Kỳ - Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My. Sau này khi có tệp khách hàng ổn định chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra trải nghiệm dãy Trường Sơn.
* Vậy đâu là phân khúc khách hàng triển vọng?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Trước hết là đồng hương Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã khảo sát và xác định đây là thị trường tiềm năng lớn để khai thác các tour này.
Sau thời gian dài ở đô thị họ rất muốn đưa gia đình về quê để trải nghiệm, tận hưởng những không gian, văn hóa ngày cũ. Chúng tôi cũng kết nối, làm việc với một số đối tác ở TP.Hồ Chí Minh để sớm thúc đẩy phân khúc khách này, trước mắt có thể nhắm đến các kỳ nghỉ dài ngày trong năm.
Bên cạnh đó, người nước ngoài tại Hội An cũng rất tiềm năng, họ rất thích những trải nghiệm leo núi bằng xe đạp, trải nghiệm vùng sâm, khám phá địa đạo… Những vùng cảnh quan này ở khu vực phía nam rất có lợi thế nhưng vẫn còn bỏ ngỏ.
Cam kết với cộng đồng
* Cư dân bản địa liệu có thụ hưởng gì trong hành trình thúc đẩy du lịch phía nam?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Ngay từ lúc bắt đầu chúng tôi đã tâm niệm xây dựng sản phẩm du lịch trên nền tảng có sẵn, giữ nguyên đặc trưng bản địa, hạn chế tối đa việc can thiệp.
Lợi ích cư dân bản địa là nền tảng tiên quyết tôi luôn xác định trước khi làm. Nếu những khu vực Tâm Group khai thác mà người dân không được gì mà còn khiến tài nguyên du lịch bào mòn thì chắc chắn chúng tôi không làm, đó là cam kết của Tâm Group.
Cụ thể như tour tuyến du lịch đường sông sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm trong dịp lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa 2022”, với những nhà vườn công ty kết nối, cảnh quan môi trường được người dân đồng tình dọn dẹp, văn hóa ứng xử với du khách được chỉn chu hơn.
Khi tour tuyến ổn định, người nông dân sẽ bán được sản phẩm chính mình trồng ra mà bớt phụ thuộc hơn vào thương lái, chủ động được đầu ra. Ở những điểm có hoạt động làng nghề thì có thể có thêm nguồn thu từ tour du lịch trải nghiệm.
Ngoài ra, khi công ty làm việc với họ sẽ cam kết trích một phần kinh phí hỗ trợ về khâu môi trường. Thêm nữa, cái lâu dài mà Tâm Group mong muốn khi phát triển du lịch là chúng ta tạo ra văn hóa ứng xử cho người bản địa, trong đó có cả việc tiếp cận rộng rãi hơn với ngôn ngữ quốc tế. Chúng ta sẽ xây dựng du lịch bền vững dựa vào trụ cột văn hóa - kinh tế - môi trường và điều chỉnh quê nhà đẹp hơn chứ không đánh mất bản sắc.
* Quan điểm của ông về định hướng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam hiện nay?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Cái khó của du lịch xanh nằm ở việc không phải bỏ tiền ra là làm được. Kinh tế chỉ là một yếu tố. Cái khó nhất nằm ở nền tảng văn hóa người dân và doanh nghiệp là đơn vị khơi gợi chứ không thể thay thế được. Cái này đòi hỏi các bên liên quan tạo cơ chế mở và tập huấn thường xuyên.
Để từ những nông dân chân đất kiêm thêm làm du lịch đòi hỏi một quá trình. Chúng ta cần đồng hành xuyên suốt chứ không thể yêu cầu người dân đáp ứng được tiêu chuẩn phục vụ du lịch ngay được.
* Đơn vị có giải pháp gì mới để vực dậy vài làng nghề truyền thống từ du lịch?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Tương tự như nhiều nơi, ở khu vực phía nam không ít những món ăn dân dã hay làng nghề truyền thống đang bị phai phôi. Đây là sự trăn trở nhưng cũng là dư địa để khơi gợi trở lại khi phát triển du lịch dựa vào nền tảng bản địa. Hiện không còn nhiều người mặn mà với nghề chiếu Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ).
Do đó chúng tôi muốn phục dựng làng nghề này, nhưng không chỉ đơn thuần là làm chiếu mà sáng tạo từ những chiếu đơn thuần để nằm hiện nay trở thành sản phẩm tranh bằng chiếu. Chúng tôi đang suy nghĩ hai phương thức, thứ nhất mình có thể đan chiếu thành tranh, thứ hai là chiếu bình thường và vẽ tranh.
Trước mắt chúng tôi có liên kết với cơ quan văn hóa để dự định tạo ra cuộc thi vẽ tranh trên chiếu, dần dần lan tỏa biến sản phẩm làng nghề thành sản phẩm nghệ thuật sau đó có thể là thương mại phục vụ du lịch. Thực ra chúng tôi cũng đã đầu tư khu trải nghiệm chiếu cói Thạch Tân được khoảng 70% tiến độ nhưng thời gian qua chưa thể hoàn thành do vướng dịch bệnh.
* Và cái khó của một đơn vị đi tiên phong khai mở du lịch trải nghiệm phía nam?
- Ông Nguyễn Thanh Tâm: Thứ nhất là cơ chế mở để kêu gọi đầu tư. Thứ hai là cơ chế để giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án. Thứ ba là cơ chế hỗ trợ tài chính nếu có thể.
Thứ tư là cơ chế bồi dưỡng kiến thức kỹ năng văn hóa cho các chủ thể liên quan, cái này cực kỳ quan trọng nếu không trong quá trình làm sẽ bị hổng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần tích cực hơn nữa trong việc “kéo” những đơn vị lữ hành ở Đà Nẵng - Hội An, có thể là hỗ trợ về tài chính thời gian đầu để tạo điều kiện cho họ đồng hành thúc đẩy du lịch phía nam.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!