Người lao động lẫn doanh nghiệp đều được lợi khi tăng giờ làm thêm

HOÀNG ĐẠO 08/04/2022 14:46

(QNO) – Khi Nghị quyết 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực, cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều ủng hộ vì giúp họ hài hòa sản xuất và tăng thu nhập.

Công nhân luôn có nguyện vọng tăng ca phù hợp với sức khỏe để tăng thu nhập. Ảnh: H.ĐẠO
Công nhân luôn có nguyện vọng tăng ca phù hợp với sức khỏe để tăng thu nhập. Ảnh: H.ĐẠO

Hài lòng với tăng giờ làm thêm

Tranh thủ tăng ca thêm 1 tiếng đồng hồ sau giờ làm chính trong ngày, chị Nguyễn Thị Ánh Vương (kỹ thuật chuyền, xưởng 3, Công ty CP Tuấn Đạt, TP.Tam Kỳ) vẫn có nhu cầu tăng ca nhiều hơn nhằm mong muốn có thu nhập cao hơn. Theo chị Vương, sức khỏe của bản thân vẫn đáp ứng tốt việc tăng giờ làm thêm khi sắp xếp được việc nhà, thời gian lao động và nghỉ ngơi. “Tranh thủ làm thêm là nguyện vọng của công nhân nếu vị trí việc làm phù hợp. Khi công ty có yêu cầu tăng giờ làm thêm, sức khỏe của em hiện vẫn đáp ứng tốt" – chịVương nói.

Tương tự, công nhân Ngô Thị Én (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, Công ty Fashion Garment (Khu Công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) hiện tại khuyến khích công nhân có thể tăng ca dưới mức 20 giờ mỗi tháng và không bắt buộc tăng ca nếu công nhân không muốn. Điều này giúp cho người lao động tại doanh nghiệp khá thoải mái, chủ động trong công việc.

[Clip] - Công nhân luôn có nguyện vọng tăng ca phù hợp:

“Công ty cho phép người lao động tự nguyện tăng ca chứ không ép buộc. Đây là chính sách khá hay giúp bản thân liệu được sức khỏe, thời gian của mình rồi mới quyết định. Khi thấy mình đủ sức thì tăng ca nhiều, lúc mệt thì có thể nghỉ. Thật ra, khi quy định cho phép làm thêm đạt ngưỡng 300 giờ thì công nhân vẫn không dùng hết số giờ này nên với quy định này sẽ giúp chúng tôi thoải mái tăng ca khi công ty có nhu cầu” – chị Én cho biết.

Theo ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garment hiện doanh nghiệp đang có khoảng 2.400 lao động và bình quân tăng ca là 11,5 giờ/tháng. Với mỗi giờ tăng vào thứ hai đến thứ sáu là 150% và thứ bảy, chủ nhật là 200% so với giờ làm việc bình thường. Đồng thời, công ty còn có thêm chính sách bữa ăn tăng ca để đảm bảo ổn định thể chất cho người lao động.

“Công ty không thiếu đơn hàng để công nhân có thể đạt đến ngưỡng quy định trên 200 giờ làm thêm nhưng chúng tôi mong muốn người lao động phục hồi, tái tạo sức lao động tốt nhất nên tính toán số đơn hàng phù hợp với khả năng của người lao động. Và chúng tôi khuyến khích người lao động tự chủ động việc tăng ca để có thể làm việc hiệu quả nhất mà vẫn tăng nguồn thu nhập cho họ” – ông Châu nhấn mạnh.

 

Giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất

Theo khảo sát, các công ty, xí nghiệp,… đều ủng hộ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 17 bởi giúp doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, tăng cường đơn hàng phục hồi nhanh hơn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời khẳng định số lượng giờ làm thêm được quy định là nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng lao động và người lao động trong thực tế nên tạo hành lang pháp lý tốt giúp các đơn vị sử dụng lao động không vi phạm Luật Lao động ở một số trường hợp.

Tại Công ty CP Tuấn Đạt, thời điểm này, lượng đơn hàng vừa đủ cho 1.532 công nhân có thể tăng ca từ 1 – 2 giờ. Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tuấn Đạt Nguyễn Thị Thỉnh khẳng định, việc tăng ca đều dựa vào nhu cầu thực tế sản xuất và sự đồng ý của công nhân và bình quân rơi vào khoảng 20 giờ/công nhân/tháng.

Vào thời điểm cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9 thì tăng ca cao nhất nhưng công nhân vẫn không tăng ca quá nhiều vì công việc gia đình, bảo vệ sức khỏe và phục hồi… nên mức tăng ca lên cao nhất vẫn chỉ khoảng 30 giờ. Với năng lực lao động này cùng với các khoản hỗ trợ chuyên cần, tiền xăng, đi lại, thưởng Tết, thi đua,… thì thu nhập bình quân của mỗi công nhân tù 9 – 10 triệu đồng/tháng.

Nghị quyết 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất trong tình hình mới. Ảnh: H.ĐẠO
Nghị quyết 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất trong tình hình mới. Ảnh: H.ĐẠO

“Nghị quyết 17 ra đời sẽ giúp công ty có thể tăng đơn hàng khi đạt được thỏa thuận tăng ca nhiều hơn với người lao động để phát triển, phục hồi sản xuất nhanh hơn. Nhưng trong thực tế của ngành may mặc thì chúng tôi vẫn không sử dụng đến mức mà nghị quyết này đưa ra vì người lao động không muốn tăng ca quá nhiều nhằm giữ sức khỏe” – bà Thỉnh cho hay.

“Chỉ có một số bộ phận đặc thù thì tăng ca đến ngưỡng trên 200 giờ và có thể lên đến gần 300 giờ mỗi năm nhưng số này rất ít. Công ty rất ủng hộ việc tăng giờ làm thêm vì giúp doanh nghiệp sản xuất đủ hàng hóa, đáp ứng thời gian giao hàng cho khách trong thời điểm thiếu hụt lao động vì Covid-19. Đồng thời, sẽ tạo ra quỹ thời gian tăng ca lớn hơn để công ty dự phòng sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp, đặc biệt, ví dụ như các trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh như thời gian qua”.

(Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garment Lê Văn Châu)

HOÀNG ĐẠO