Thảo luận những việc cần làm ngay, quyết liệt thực hiện để tạo đà phát triển
(QNO) - Sáng nay 6.4, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 7 (khóa XXII) dưới sự chủ trì của các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: Các nội dung trình và quán triệt tại hội nghị này là những vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh, định hướng không chỉ trong nhiệm kỳ này, mà cả những nhiệm kỳ tiếp theo.
Do đó, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị các đại biểu nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung nghiên cứu, thảo luận sâu kỹ, cho ý kiến sát đúng, phù hợp nhằm hoàn thiện các dự thảo báo cáo, đề án, nghị quyết, chương trình hành động (bổ sung); với tinh thần đề xuất những vấn đề quan trọng cần thực hiện ngay, hiến kế mới mang tính đột phá, quyết liệt để tạo đà giúp Quảng Nam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian đến.
Đồng thời, tập trung tiếp thu các nội dung được quán triệt lần này, tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đi vào cuộc sống.
Kỷ luật người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vì để xảy ra tham nhũng
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng khẳng định, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí và Nghị quyết số 10 trong chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm. Xác định nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào đối tượng, lĩnh vực, địa bàn phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý đã phát huy tinh thần trách nhiệm, quan tâm, chú trọng hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, công chức, viên chức giữ gìn đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Trong 5 năm qua, có 16 trường hợp là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng.
Thời gian qua, công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Ban Thường Tỉnh ủy đã kịp thời đưa các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, kể cả vụ việc trị an xã hội rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhiều vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý.
Đồng chí Lê Văn Dũng cho biết, từ năm 2017 - 2021, có 17 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được chuyển đến cơ quan điều tra. Trong đó, qua thanh tra, kiểm tra 15 vụ; qua kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 phát hiện 1 vụ; qua giải quyết tin báo, tố giác tội phạm 1 vụ.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm; các vụ việc, vụ án tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đều được xử lý nghiêm minh. Trong 5 năm qua, có 37 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, có 22 vụ việc, vụ án tham nhũng với tổng số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt là hơn 112 tỷ đồng.
Nhìn nhận các mặt còn hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 10, theo đồng chí Lê Văn Dũng, các trường hợp tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở một số ngành, địa phương, tập trung ở một số lĩnh vực như: quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tài chính, ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản; bảo hiểm y tế; sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm, mua bán, chuyển nhượng tài sản công... Tính chất, mức độ tham nhũng, lãng phí có biểu hiện phức tạp, thủ đoạn tinh vi và liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều cấp; thời gian xảy ra dài nên việc đấu tranh, phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.
Bổ sung các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình xin ý kiến thảo luận, góp ý của Tỉnh ủy về việc bổ sung 3 nội dung vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 8 nội dung vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Trong 3 nội dung bổ sung vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín cho biết, bổ sung vào nội dung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quảng Nam khẳng định quyết tâm tiếp tục giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng; khắc phục tình trạng chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức, mất đoàn kết, nể nang, né tránh, ngại va chạm; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, lợi ích nhóm.
Chú trọng rà soát, hoàn thiện, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, đảm bảo đồng bộ, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của chính quyền. Kịp thời sơ kết, tổng kết, rà soát, sửa đổi các văn bản của Đảng, chính quyền liên quan đến công tác cải cách hành chính; kiểm soát quyền lực và phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo theo quy định, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm trong ban chấp hành đảng bộ các cấp đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; trong HĐND đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý do HĐND bầu (năm thứ 3, giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ, nhiệm kỳ HĐND các cấp).
Tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Quảng Nam xếp thứ 4/63 tỉnh thành về tăng trưởng GRDP quý 1
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, trong 3 tháng đầu năm, kinh tế toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ số sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực đang dần phục hồi. Đây là dấu hiệu hết sức khởi sắc trong giai đoạn hậu Covid-19.
Quý 1.2022, Quảng Nam xếp thứ 4/63 tỉnh thành cả nước về tăng trưởng GRDP, là một trong 6 tỉnh thành có GRDP tăng trưởng ở mức hai con số (10% trở lên), xếp thứ nhất so với 8 tỉnh thành duyên hải miền Trung (tăng trưởng quý 1 của Quảng Nam hơn 2,2 lần mức bình quân của các tỉnh thành trong vùng). Tổng thu ngân sách quý 1 xếp thứ 11/63 tỉnh thành, xếp thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa) và xếp thứ nhất khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.