Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả

TD 05/04/2022 14:41

(QNO) - Sáng nay 5.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về kinh tế - xã hội quý I.2022. Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham dự.

Toàn cảnh phiên họp trực tuyến của Thủ tướng với 63 tỉnh, thành về kinh tế - xã hội quý I.2022.
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến của Thủ tướng với 63 tỉnh, thành về kinh tế - xã hội quý I.2022.

Theo nhận định Chính phủ, chiến sự Ucraina – Nga tác động đến thị trường năng lượng, tài chính, cung cầu hàng hóa, giá nguyên liệu đầu vào, lạm phát, dịch bệnh gây áp lực lớn lên các nền kinh tế trên thế giới. Nhưng, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi khá tốt.

Cụ thể công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước 460,6 nghìn tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ, chi ngân sách nhà nước 351,3 nghìn tỷ, đạt 23,4% dự toán. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (năm 2021 tăng 1,47%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ (riêng tháng 3, số doanh nghiêp thành lập mới tăng 96,3% với số vốn đăng ký tăng 127,3%).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Năng suất lúa mùa tăng 7,4 tạ/ha. Chăn nuôi phục hồi tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I các sản phẩm chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) đều tăng. Sản lượng thủy sản quý I tăng 2%; nuôi trồng tăng 5,1%...

GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%), dần tiệm cận năm 2019 (6,85%). Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định. Các cân đối lớn cơ bản đảo đảm (từ thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu đến lương thực, thực phẩm, năng lượng và cung cầu lao động…).

Kiểm soát được dịch bệnh khi số ca mắc mới, chuyển nặng hay tử vong có xu hướng giảm nhanh từ cuối tháng 3. Độ bao phủ an sinh ngày càng lớn, bảo đảm không có ai thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là trong dịp giáp hạt, dịp Tết. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Sự điều hành của Chính phủ và vận hành thông suốt của nền kinh tế cho thấy lòng tin của người dân, doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên. Bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận một số hạn chế như giải ngân đầu tư công còn chậm. Một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra. Thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực nhưng chưa giải quyết triệt để. Đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Chương trình tiêm chủng vắc xin mũi thứ 3 vẫn chưa đạt tiến độ mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bằng mọi biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, quyết liệt thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Quyết liệt tăng cường hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chủ động có biện pháp tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới; bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, Chiến lược của quốc gia về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân…

TD

TD