Vùng Đông phải trở thành động lực bứt phá

THÀNH CÔNG 28/03/2022 05:42

Chiều 27.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, 3 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: T.C
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: T.C

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh phải luôn luôn linh hoạt, nhạy bén, kịp thời điều chỉnh mục tiêu, chính sách, giải pháp, lựa chọn chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, tập trung phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của tỉnh.

Nhấn mạnh Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phát triển vùng Đông của tỉnh, biến vùng Đông thành động lực bứt phá là chủ trương đúng đắn.

“Thời gian tới, phải tạo ra tiềm năng mới, tự tạo ra cơ hội, tạo thuận lợi để thu hút nguồn lực từ bên ngoài, phát triển nhanh, bền vững, phát triển xanh; phải tự lực tự cường hơn nữa, tranh thủ nguồn lực nội sinh” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu.

Kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn

Đề cập tới những điểm nghẽn, trở ngại trong phát triển kinh tế tỉnh hiện nay, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, hạ tầng chiến lược để tạo sức bật mạnh cho tỉnh là Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và Cảng biển Chu Lai chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng.

Ngoài ra, vùng đông của tỉnh được xác định là vùng động lực phát triển, tuy nhiên do trước đây giao thông chưa có nên tỉnh đã triển khai trồng rừng phòng hộ trên đất cát, đưa vào quy hoạch các loại rừng.

Khi triển khai thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư doanh nghiệp, Quảng Nam gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và trồng rừng thay thế.

UBND tỉnh đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án xã hội hoá đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: T.C
UBND tỉnh đề nghị Chính phủ giao cho tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án xã hội hoá đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: T.C

Quảng Nam đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế với các chức năng theo quy hoạch được duyệt; cho phép xây dựng cơ chế hoạt động của Khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng hàng không Chu Lai.

Đối với Cảng biển Chu Lai (Cảng biển Quảng Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cảng loại 1, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo đề xuất dự án xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới (luồng Cửa Lở) cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vận hành; gắn với hệ thống bến Tam Hòa - Tam Hiệp, Khu phi thuế quan Tam Hòa và khu logistics phục vụ hoạt động cảng container theo hướng nhà đầu tư thực hiện đầu tư 100% và quản lý vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời đề nghị Thủ tướng thống nhất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai.

“Vùng Đông không chỉ là bộ mặt của Quảng Nam, mà tương lai cũng là của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, do đó tỉnh đề nghị không thu hút dự án quy mô nhỏ, để đầu tư đảm bảo hạ tầng đồng bộ, đủ quỹ đất để xây dựng tiện ích văn hóa, xã hội, các công trình công cộng…” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Thủ tướng kiểm tra sân bay Chu Lai. Ảnh: T.C
Thủ tướng kiểm tra sân bay Chu Lai. Ảnh: T.C

Bên cạnh kiến nghị đầu tư cảng biển, UBND tỉnh cũng kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, có chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong khu kinh tế mở.

Quảng Nam đề xuất Chính phủ nghiên cứu thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai giữa Tập đoàn THACO làm hạt nhân với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị này, hình thành hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Mở rộng quốc lộ 14D, 14E cũng nằm trong những kiến nghị của tỉnh nhằm tăng cường kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo thêm động lực bứt phá cho vùng Đông.

Tạo điều kiện phát triển

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của Quảng Nam sau 25 năm tái lập tỉnh cũng như dấu ấn đạt được trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022.

Thủ tướng đánh giá, những điểm nghẽn Quảng Nam đang phải xử lý do vướng về thể chế, cơ chế chính sách, nhiều vướng mắc mang phạm vi chung cả nước. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương phải cố gắng xử lý trong thẩm quyền, phối hợp với tỉnh để giải quyết, không để kéo dài.

Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai. Ảnh: T.C
Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai. Ảnh: T.C

Đối với các kiến nghị của Quảng Nam, Thủ tướng cơ bản đồng ý và đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam xử lý để tháo gỡ các điểm nghẽn, do đây là những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn.

Về Cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, các Bộ, ngành Trung ương căn cứ thẩm quyền xem xét nhanh chóng giải quyết do đây là cảng hàng không có vị trí chiến lược, phải giải quyết căn cơ, bài bản, làm theo hình thức đối tác công tư hoặc xã hội hóa.

Đối với cảng biển, dịch vụ logictics, Bộ GTVT chủ trì, cùng với tỉnh hoàn thiện các thủ tục theo đúng luật pháp, nếu vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, tỉnh cũng phải chủ động.

Các Bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng, thẩm quyền, làm việc với tỉnh để tìm hướng giải quyết các kiến nghị của Quảng Nam. Về mở rộng các tuyến quốc lộ kết nối vùng Tây, Thủ tướng ủng hộ phương án làm tuyến đường mới, giao Bộ GTVT cùng doanh nghiệp và tỉnh tính toán mở tuyến đường mới theo hình thức đối tác công tư, ủng hộ chủ trương phát triển công nghiệp dược liệu tự nhiên của tỉnh.

Thủ tướng giao tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án liên quan hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành silica và đề án nạo vét sông Trường Giang, dựa trên đề án được xây dựng Chính phủ sẽ xem xét quyết định.

Đề nghị có cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép Quảng Nam được sử dụng toàn bộ nguồn thu phí tham quan của hai di sản văn hóa thế giới để chi đầu tư cho bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, bảo vệ môi trường, hạ tầng và chi hoạt động, tương tự cơ chế khoán thu từ đất và xổ số kiến thiết.

Đồng thời kiến nghị cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam để bổ sung nguồn lực, trong đó có việc mua lại các ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân là các di tích có giá trị đặc biệt loại 1, loại 2 trong khu vực phố cổ, các di vật, trưng mua vật chứng xây dựng Bảo tàng Văn hóa Chăm - Mỹ Sơn.

Đối với Hội An, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với tỉnh xây dựng đề án đặc thù riêng cho bảo tồn, phát huy Đô thị cổ Hội An trình Chính phủ quyết định trong phạm vi thẩm quyền.

Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương cho Quảng Nam xây dựng đề án xã hội hóa quản lý khai thác, phát huy di tích khu đền tháp trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng: công tác quản lý, trùng tu bảo tồn do Nhà nước quản lý; công tác khai thác, phát huy giá trị di tích sẽ được xã hội hóa nhằm phát huy hơn nữa giá trị của khu đền tháp.

THÀNH CÔNG