Lần đầu tiên tìm thấy vi hạt trong máu người

QUỐC HƯNG 27/03/2022 16:46

(QNO) - Phát hiện mới nhất của các nhà khoa học liên quan đến các hạt vi nhựa trong môi trường càng thêm tiếng chuông báo động ô nhiễm nhựa toàn cầu. 

 
Các nhà khoa học dùng kính lúp để soi các hạt vi nhựa có trong môi trường. Ảnh: AFP 

Các nhà khoa học của Tổ chức quốc gia Hà Lan về nghiên cứu và phát triển y tế và tổ chức Common Seas chuyên hành động giảm ô nhiễm rác nhựa vừa công bố phát hiện đột phá về sự xuất hiện của các hạt vi nhựa trong máu người.

Phát hiện này được đăng tải trên tạp chí Môi trường quốc tế (Environment International) vào ngày 24.3 vừa qua.

Nghiên cứu cho thấy, các hạt vi nhựa có thể di chuyển xung quanh cơ thể và có thể nằm trong các bộ phận cơ thể của con người.

Dù đến nay chưa xác định một các rõ ràng các hạt vi nhựa trong máu gây ảnh hưởng thế nào với sức khỏe của con người, các nhà khoa học nhắc lại đã có nhiều nghiên cứu khẳng định các hạt bụi mịn gây ô nhiễm không khí xâm nhập vào cơ thể gây ra từ 7-9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Do đó, các nhà khoa học cho biết họ vẫn cần phải làm thêm các nghiên cứu để đánh giá đầy đủ nguy cơ với sức khỏe con người của các hạt vi nhựa.

Giáo sư Dick Vethaak, chuyên gia nghiên cứu độc chất sinh thái học, Đại học Vrije Amsterdam (Hà Lan) nhận định, đây là nghiên cứu tiên phong và mở ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết liên quan đến hạt vi nhựa đối với sức khở con người. 

"Như các hạt vi nhựa có được giữ lại trong cơ thể không? Chúng có được vận chuyển đến một số cơ quan nhất định, chẳng hạn vượt qua hàng rào máu não không? Và ở mức độ này có đủ nhiều để khởi phát bệnh không?..." - Giáo sư Dick Vethaak nói. 

Các nhà khoa học cho biết, một lượng lớn rác nhựa được đổ ra môi trường và các hạt vi nhựa làm ô nhiễm toàn bộ hành tinh, từ đỉnh núi Everest đến các đại dương sâu nhất. Con người hấp thụ các hạt vi nhựa qua thức ăn, nguồn nước cũng như hít thở phải.

Theo công bố trên, các nhà khoa học phân tích mẫu máu của 22 tình nguyện viên, tất cả đều là những người trưởng thành khỏe mạnh và họ tìm thấy các hạt nhựa trong 17 người.

Trong đó, khoảng 1/2 số mẫu máu thu được chứa nhựa polyethylene terephthalate (PET), thường được sử dụng trong các chai đựng đồ uống, 1/3 mẫu chứa polystyrene, được sử dụng để đóng gói thực phẩm và sản phẩm khác và 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen từ túi ni lông. 

Bà Jo Royle, người sáng lập Common Seas cho biết: “Sản lượng nhựa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Chúng ta có quyền biết tất cả ảnh hưởng nhựa của vi nhựa đối với sức khỏe của chúng ta".

Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa thải ra bao gồm ít nhất 14 triệu tấn trôi ra đại dương, không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho chuỗi cung cấp thực phẩm của con người.

QUỐC HƯNG