Giá trị của văn bia trùng tu đình châu La Tháp
Tấm bia cổ hiện nằm trong góc sân bên trái nhà bà Bùi Thị Kem, tổ 5, La Tháp, Duy Châu, Duy Xuyên chính là tấm bia đặt trước ngôi đình của lục thôn châu La Tháp xưa mà ít người biết đến giá trị lịch sử - văn hóa của nó.
Hiện trạng bia cổ và thác bản văn bia
Bia trùng tu đình châu La Tháp hiện tại được dựng lại ngày 8.7.1996, có kích cỡ khá lớn với hai mặt khắc ghi lại sự việc dựng bia. Dân làng đã cố gắng bảo tồn tấm bia cổ bị bom đạn chiến tranh làm vỡ: dùng cách ghép dán những mảnh vỡ của bia đá cổ, gắn lên làm phần thân bia bằng xi-măng, tạo thành một tấm bia hoàn chỉnh.
Sau đó, đối chiếu phần chữ Hán Nôm còn lại trên các mảnh bia cũ với bản chép tay văn bia (được lưu giữ tại tư gia ông Văn Công Quang, xã Duy Châu) để bổ khuyết những dòng, chữ còn thiếu lên toàn mặt bia. Cuối cùng là viết lại nội dung văn bia bằng chữ Quốc ngữ ở mặt sau.
Việc trùng tu bia đình như trên dễ gây nhầm lẫn cho người đời sau do mới cũ lẫn lộn. May thay, có các thác bản văn bia về việc trùng tu đình châu La Tháp trong công trình của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, ký hiệu số 20419 và 20934 (Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Tập 21, Hà Nội, 2009, tr.420 và tr.937).
Qua đối chiếu với Bản chép tay, chúng tôi thấy thác bản có độ tin cậy cao, vừa giúp phục dựng nguyên trạng tấm bia, nội dung văn bia vừa phản ánh giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của nó.
Về khai lập làng xã và đình làng
Nội dung văn bia nói châu La Tháp có 6 thôn tuy nhiên chỉ liệt kê 4 thôn: Thanh Châu, Cù Lạ, An Lâm, Bình Khương. Theo kết quả điền dã thì 2 thôn bị thiếu là Lệ Trạch và Cổ Tháp.
La Tháp châu tồn tại đến cuối thế kỷ 18 rồi chia thành các thôn nhỏ. Đến thời Gia Long, địa bạ đã xuất hiện các thôn độc lập kiến bạ như An Lâm, Cổ Tháp, Cù Lạ (sau đổi thành Cù Bàn), Thanh Châu…
Kết hợp văn bia với tư liệu Quảng Nam xã chí (1944) của làng An Lâm, ta biết được ngài Bùi Quý Công đã xây dựng ngôi đình đầu tiên vào năm 1670, trên đất tư của ông Trương Văn Thắng thôn An Lâm.
Vì vậy có thể châu La Tháp ra đời muộn nhất vào đầu thế kỷ 17 và đình châu La Tháp là một trong những ngôi đình được kiến lập sớm ở vùng đất Duy Xuyên, sớm hơn cả đình làng Trà Kiệu (xây dựng 1680).
Điều đó cũng cho thấy các ngôi đình ở Duy Xuyên, xứ Quảng ra đời chủ yếu vào khoảng nửa sau thế kỷ 17. Và lần trùng tu đình vào năm Quý Hợi (1753) là lần trùng tu đình châu lần đầu tiên, sau gần 100 năm tồn tại. Hơn nữa, văn bia này chính là tư liệu về đình làng có niên đại thời chúa Nguyễn sớm nhất.
Chợ La Tháp có thể đã ra đời từ lúc những tộc tiền hiền lập làng và nằm gần khuôn viên đình làng. Qua mô tả, đó là một chợ lớn trong vùng, họp chợ vào buổi trưa, khá nhộn nhịp và đến nay vẫn còn hoạt động.
Về đơn vị hành chính, chức sắc
Văn bia xuất hiện các đơn vị như châu, thuộc, thôn nội phủ… La Tháp đương thời là một châu nằm về phía tây của vùng đất Duy Xuyên, dọc bờ nam đoạn trung lưu Thu Bồn, được các tộc họ đến khai phá tương đối muộn so với phía đông.
Ngoài châu, văn bia xuất hiện đơn vị hành chính thuộc. Thuộc là đơn vị hành chính mới được đặt ra ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn mà không có ở Đàng Ngoài. Thuộc Hoa Châu mà châu La Tháp thuộc về là một thuộc rất lớn, quy tụ cư dân các làng làm nghề nông tang dọc trung hạ lưu Thu Bồn.
Thời chúa Nguyễn cũng có một kiểu đơn vị đặc trưng khác là nội phủ, thường là những làng có đặc sản hoặc mặt hàng thủ công được phủ Chúa đánh thuế và trưng thu trực tiếp. Riêng châu La Tháp đương thời đã có 2 thôn nội phủ là Thanh Châu và Bình Khương, trong đó thôn Thanh Châu có lệ nộp dầu thông.
Văn bia đình La Tháp cũng là văn bia hiếm hoi phản ánh khá đầy đủ các chức sắc làng xã thời chúa Nguyễn. Ngoài chức ký thuộc còn có xã trưởng, ứng xá ty, câu đương, thủ khoán… Việc trùng tu ngôi đình là việc lớn của làng xã xưa nên sự hiện diện của hàng ngũ chức sắc trong văn bia nói lên tầm quan trọng cũng như quy mô của nó.
Ngoài ra, văn bia xuất hiện khá nhiều địa danh, nhân danh góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử địa phương, nhất là lịch sử dòng họ ở Quảng Nam như Bùi, Trương, Văn, Đào, Hồ, Phan, Trần, Lê…
Về giao lưu văn hóa Hoa - Việt ở Quảng Nam
Văn bia đình La Tháp đã hé mở những thông tin quan trọng về thân thế, hành trạng của một trong tam gia của xã Minh Hương ở Hội An là Trương Hoằng Cơ, vốn có rất ít sử liệu đề cập.
Từ cuối thế kỷ 16, nhiều thương nhân Trung Quốc đến Đàng Trong, tập trung khá đông đảo tại Hội An để trao đổi buôn bán và “những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mãi”. Hiện tượng thương nhân người Hoa lấy vợ Việt vì vậy khá phổ biến.
Văn bia nói rõ Trương Hoằng Cơ, hiệu Đào Yêm tiên sinh, nguyên quán huyện Ngân Đồng, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến nhưng quê mẹ của ông lại ở thôn Bình Khương châu La Tháp. Điều đó chứng tỏ người Hoa từ rất sớm đã men theo sông Thu Bồn về phía tây, tìm đến vùng đất giàu có về sản vật để buôn bán, cưới vợ người bản xứ và định cư.
Vốn là những thương nhân có nguồn tài lực dồi dào, tính tình rộng rãi, ưa chuộng làm việc nghĩa, người Hoa xã Minh Hương đã đóng góp cho việc xây dựng, trùng tu các ngôi đình, chùa... ở các làng xã “vệ tinh” nơi họ đến. Riêng Trương Hoằng Cơ với việc tín cúng số tiền “ba nghìn quan, sinh tức 150 quan giao cho sáu thôn châu ta làm chi phí cho việc cầu an cầu phúc” để trùng tu công đình châu La Tháp là dẫn chứng rất thuyết phục.
*
* *
Có thể thấy, văn bia trùng tu đình La Tháp là một trong những văn bia của một ngôi đình được xây dựng khá sớm dưới thời các chúa Nguyễn của huyện Duy Xuyên, xứ Quảng.
Việc khảo sát văn bia góp phần vào việc đính chính những sai sót của hậu thế, cải chính sự “tam sao thất bản” của văn bia, giúp phục dựng nguyên trạng tấm bia và trả lại nguyên vẹn văn bia của nó. Các cấp liên quan có thể dựa vào đó tôn tạo di tích bia của đình lục thôn châu La Tháp - một ngôi đình có vị trí hết sức quan trọng của vùng đất Duy Xuyên - Quảng Nam, Đàng Trong xưa.