Chất lượng không khí toàn cầu giảm sút

QUỐC HƯNG 24/03/2022 16:36

(QNO) - Không một quốc gia nào đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2021, thậm chí khói mù còn bùng phát trở lại ở một số khu vực sau khi có dịu đi vì Covid-19.

Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: IANS
Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: IANS

Kết quả trên được công bố vào đầu tuần này sau khi IQAir - công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ tiến hành khảo sát dữ liệu về ô nhiễm không khí ở 6.475 thành phố trên thế giới.

Các cảm biến đó đo mức PM2.5 (là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống, được hình thành từ các chất như các bon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí) được tìm thấy trong khí thải xe cộ, khí thải nhà máy điện, bão bụi sa mạc, khói từ bếp nấu ăn và cháy rừng.

Theo đó, mức độ ô nhiễm không khí tổng thể của Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021 và New Delhi vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Như vậy, New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong năm thứ tư liên tiếp.

Bangladesh là quốc gia ô nhiễm nhất, giống như năm trước đó, trong khi Chad xếp thứ hai sau khi dữ liệu của các quốc gia châu Phi lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.

Theo hướng dẫn mới ban hành vào tháng 9.2021, WHO giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm từ 10mcg/m3 xuống 5mcg/m3. Cạnh đó, mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20mcg/m3 xuống 15mcg/m3.

WHO cho rằng, ngay cả nồng độ thấp cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể. Tuy nhiên, nếu mức độ ô nhiễm không khí giảm xuống mức nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.

Ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm và thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới.

Những hạt bụi mịn thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Báo cáo của IQAir cho biết, Đông Nam Á phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí phần lớn bắt nguồn từ sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế nhanh chóng. Các nguồn phát thải PM2.5 ở khu vực này chủ yếu xuất phát từ các hoạt động xây dựng và công nghiệp, giao thông vận tải.

Giám đốc khoa học chất lượng không khí của IQAir Christi Schroeder nhận định, nhiều quốc gia đang có bước tiến lớn trong việc giảm bụi mịn, song tình trạng ô nhiễm ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang ngày càng trầm trọng hơn.

Giám đốc điều hành của IQAir Frank Hammes gọi dữ liệu khảo sát trên thực sự "gây sốc" và "giờ là lúc phải hành động".

QUỐC HƯNG