Tây Giang chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa đốt thực bì
(QNO) – Tây Giang đang lên phương án phòng chống cháy rừng ở từng địa bàn cụ thể khi đồng bào bắt đầu vào mùa phát rẫy, đốt thực bì.
Gia đình ông Tơ Ngôn Phát (thôn Pơnin, xã Lăng) có 3ha keo khoảng 4 năm tuổi đang phát triển tốt. Những ngày qua, nhiều hộ xung quanh rẫy keo tiến hành dọn rẫy, đốt thực bì khiến ông rất lo lắng về nguy cơ lửa cháy lan, vì vậy gia đình Phát thay phiên vào rừng canh giữ, dọn dẹp thực bì, làm đường ranh cản lửa.
“Dù diện tích keo không nhiều nhưng đối với gia đình tôi là tài sản lớn. Thời điểm này vào mùa khô, nguy cơ cháy lan rất cao nếu việc phát rẫy, đốt thực bì không cẩn thận. Gia đình tôi thường xuyên có mặt trên rẫy, sẵn sàng ứng phó tình huống xấu nhất” – ông Phát cho biết.
Xã Lăng có diện tích rừng khoảng 16.000ha, hơn 80% người dân sống dựa vào rừng. Tập quán đốt nương làm rẫy là một trong những nguy cơ cao nhất dẫn đến cháy rừng. Ông Alăng Arất - Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã, phân công từng thành viên cắm bản, thôn. Hội, đoàn thể, mặt trận tổ chức ra quân tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, sẵn sàng hỗ trợ chính quyền ngành kiểm lâm dập lửa khi xảy ra cháy rừng.
Ngoài xã Lăng, chính quyền huyện Tây Giang còn yêu cầu các xã trọng điểm về cháy rừng chuẩn bị các phương án cụ thể, đặc biệt tăng cường giám sát, yêu cầu người dân đăng ký thời gian và cam kết sử dụng lửa đúng quy định khi đốt thực bì.
Tây Giang có diện tích rừng hơn 66.140ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 63.400ha, rừng trồng khoảng 2.740ha. Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang, thời gian qua, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức 64 đợt tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng tại 64 thôn, thu hút hơn 4.700 lượt người tham gia. Ngoài phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị còn tổ chức diễn tập, hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy, làm băng trắng cản lửa,…
“Với đặc thù địa hình đồi núi cao, nguồn nước khan hiếm, công cụ chữa cháy lại thô sơ nên việc quản lý, bảo vệ rừng cần thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh tuyên truyền, đơn vị phân công lực lượng tuần tra kiểm soát, giám sát thường xuyên việc phát nương, đốt thực bì của người dân” – ông Sinh cho biết.
Cũng theo ông Sinh, các đơn vị, địa phương, chủ rừng và người dân cần thực hiện tốt phương châm phòng là chính, phát hiện từ xa, tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.