"Lãng phí" chỉ tiêu biên chế ở Nam Trà My
Số biên chế công chức, viên chức đang được huyện Nam Trà My sử dụng thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Địa phương kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi tuyển công chức nhằm sớm khắc phục tình trạng “lãng phí” chỉ tiêu biên chế như hiện nay.
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế tối thiểu 10%, tại thời điểm năm 2016, UBND huyện Nam Trà My có tổng số 100 chỉ tiêu biên chế công chức; đến năm 2021 giảm còn 90 biên chế.
Nhưng trên thực tế, UBND huyện Nam Trà My mới sử dụng 65 biên chế và còn 25 chỉ tiêu chưa được sử dụng. Ở ngành giáo dục, năm 2021 UBND tỉnh giao cho UBND huyện Nam Trà My 808 chỉ tiêu biên chế, nhưng hiện tại số biên chế có khoảng 600 người.
Còn trống gần 1/3 chỉ tiêu giao
Ông Lê Đức Hảo - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Trà My cho biết, theo quy định tại Nghị định 76 của Chính phủ, nếu địa bàn thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chế độ liên quan. Một số cơ quan ngành dọc của huyện (thuế, kho bạc…) đã được nhận chế độ thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng đối với cán bộ, công chức, viên chức huyện công tác tại xã Trà Mai lại chưa được hưởng chế độ trợ cấp này.
Về nguyên nhân của việc không sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao so với thực tế, ông Lê Đức Hảo - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Trà My lý giải: Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh chỉ tổ chức thi tuyển công chức 2 lần, nhưng kết quả đạt không đủ theo nhu cầu huyện đăng ký.
Năm 2020 huyện đăng ký thi tuyển 11 công chức, nhưng chỉ tuyển dụng được 8 người. Vậy nhưng, có trường hợp trúng tuyển rồi lại không đến UBND huyện nhận quyết định công tác.
Một khó khăn khác mà Nam Trà My gặp phải là tình trạng công chức làm việc nhiều năm ở Nam Trà My có nguyện vọng xin chuyển công tác ra ngoài huyện.
Từ năm 2020 - 2021, UBND huyện đã giải quyết chuyển công tác về đồng bằng cho 8 biên chế. Những năm qua, UBND huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về không tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng lao động chuyên môn.
“Do thiếu công chức làm việc, nên một số phòng ban gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Khối lượng công việc nhiều, ít người làm, một người làm nhiều việc ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc” - ông Hảo nói.
Ngành giáo dục còn trống đến hơn 200 biên chế viên chức cũng có một phần nguyên nhân giáo viên xin chuyển công tác về đồng bằng. Trong khi đó, năm 2021 huyện đăng ký tuyển dụng 246 chỉ tiêu nhưng chỉ có hơn 90 hồ sơ đăng ký thi tuyển và chỉ có 49 trường hợp trúng tuyển.
Đến nay, UBND huyện cũng đã tuyển dụng hết số sinh viên cử tuyển. Thiếu giáo viên đứng lớp, UBND huyện đã thực hiện hợp đồng lao động theo từng năm học nên đội ngũ giáo viên không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Cần có cơ chế thu hút cán bộ
Ông Lê Đức Hảo cho biết, để giải quyết thực trạng nêu trên, UBND huyện có kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thi tuyển công chức hoặc cho hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế trong khi chờ thi tuyển và có cơ chế xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng ở miền núi có thời gian công tác hơn 3 năm.
Nói về thực trạng sử dụng biên chế công chức, viên chức của huyện, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho hay, ngoài khối nhà nước, ở khối đảng cũng đang “lãng phí” 17 chỉ tiêu biên chế.
Ông Hưng cho rằng, nói huyện Nam Trà My đang “lãng phí” chỉ tiêu biên chế cũng đúng, bởi biên chế được tỉnh giao đã ít nhưng lại không thể sử dụng hết, trong khi đang thiếu người làm việc.
Nguyên nhân đã được phân tích, làm rõ; tuy nhiên việc khắc phục rất khó khăn. Sáu năm qua, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My không bổ nhiệm được phó giám đốc do không tìm ra người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo phân cấp quản lý. Rồi 3 tháng qua, trung tâm này cũng không có kế toán mới sau khi kế toán cũ xin nghỉ việc.
Theo ông Hưng, xã Trà Mai - nơi đóng chân của Trung tâm Hành chính huyện đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên không còn chế độ ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức (các Nghị định 116, 76 của Chính phủ). Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức huyện.
Một số vì lý do kinh tế, vì điều kiện gia đình nên có nguyện vọng xin chuyển về đồng bằng - vì mức lương ở Nam Trà My cũng như ở Tam Kỳ, chỉ hơn được phụ cấp khu vực. Bây giờ không còn được ký hợp đồng lao động chuyên môn như trước đây, thí sinh phải nộp hồ sơ và thi đậu mới được tuyển dụng. Đối với vùng miền núi khó khăn như Nam Trà My việc tìm người, giữ chân họ gắn bó, yên tâm công tác rất khó khăn.
“Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán có cơ chế động viên giữ chân cán bộ gắn bó với miền núi. Có chính sách thu hút cán bộ để có người làm việc, chứ chưa dám nói thu hút người tài” - ông Hưng nói.