Bùng nổ dịch vụ y tế từ xa tại Hàn Quốc
(QNO) - Trước làn sóng quay cuồng của đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm tăng mạnh, ứng dụng y tế từ xa (telemedicine) tại Hàn Quốc đang được khai thác mạnh mẽ.
Kim Jin-woo - một cư dân 27 tuổi của Seoul đang điều trị Covid-19 tại nhà, cần đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng không thuyên giảm. Nhưng bệnh viện gần nhất được chỉ định để điều trị cho Kim đã kín chỗ. Vì vậy, Kim nhấc điện thoại thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Giống như Kim, nhiều người tại Hàn Quốc chuyển sang khám chữa bệnh từ xa trong những tuần gần đây sau khi các nhà chức trách cho biết họ chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 từ 60 tuổi trở lên. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như Kim được cấp phát thuốc điều trị bệnh tại nhà.
“Việc điều trị qua điện thoại và nhận thuốc với một quy trình duy nhất, thực sự rất tiện lợi. Tôi ước điều này có thể được mở rộng ngay cả sau khi Covid-19 kết thúc” - Kim Jin-woo nói.
Hàn Quốc hiện có tổng cộng 2 triệu bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc tại nhà. Trong khi trung bình nước này có 2 bác sĩ trên 1.000 dân và chỉ có 6/17 tỉnh, thành phố đạt mức trung bình này, cho thấy việc chăm sóc sức khỏe ở nhiều nơi còn mỏng.
Tuy nhiên, dịch vụ y tế từ xa chưa được hợp pháp hóa chính thức tại Hàn Quốc và chỉ được phép triển khai trong khuôn khổ của các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó Covid-19 kể từ năm 2020.
Hiện các ứng dụng y tế từ xa hay phòng khám trực tuyến được biết đến nhiều tại Hàn Quốc bao gồm Doctor Now, Ollacare, Soldoc và Dr.Call, giúp kết nối bệnh viện với bệnh nhân ở cách xa hàng chục và hàng trăm ki lô mét.
Như kể từ tháng 12.2020 đến nay, Doctor Now có 2,3 triệu người sử dụng, chủ yếu ở độ tuổi 20, 30 và tư vấn Covid-19 hiện chiếm hơn một nửa các cuộc gọi.
Tính riêng tháng 2 năm nay, phòng khám trực tuyến này có gần 1 triệu người đăng ký mới, tăng gấp 40 lần so với một năm trước đó.
Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol - người sẽ nhậm chức vào tháng 5 tới, từng tuyên bố đảm bảo tất cả công dân Hàn Quốc đều có thể tận hưởng dịch vụ y tế từ xa, làm dấy lên hy vọng rằng phương pháp này có thể trở thành một phần lâu dài trong ngành y tế trị giá 203 tỷ USD của Hàn Quốc.
Hiện tại, y tế từ xa đang ở giai đoạn sơ khai, chỉ cung cấp các phương pháp điều trị trị giá khoảng 58 tỷ won (48 triệu USD) trong 2 năm qua, theo dữ liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc.
Công ty Fortune Business Insights (Ấn Độ) dự báo, quy mô thị trường y tế từ xa toàn cầu có thể đạt giá trị 264 tỷ USD vào năm 2028, so với 127 tỷ USD năm 2020.
Trong nhiều thập kỷ, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc phản đối y học từ xa vì lo lắng việc chẩn đoán sai và sử dụng sai thuốc.
Nhưng cộng đồng y tế Hàn Quốc đang dần đón nhận xu hướng với bằng chứng cho thấy y học từ xa có thể giúp giảm khoảng cách dịch vụ y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn, khiến cả bác sĩ và bệnh nhân hài lòng với dịch vụ.
Bác sĩ Han Jae-hyuk - chuyên khoa Nhi tại Phòng khám Bareun Yonsei ở Seoul cho biết: “Y học từ xa rất cần thiết theo nhiều cách, đặc biệt là đối với người không có đủ khả năng để đến bệnh viện hoặc cần mua lại đơn thuốc cho các bệnh mãn tính”.