Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Nhìn từ nền tảng hạ tầng - Bài 2: Tạo sinh kế giảm nghèo
Hạ tầng thiết yếu được xem là động lực quan trọng trong công cuộc giảm nghèo ở miền núi. Gần 20 năm qua, nhiều chính sách, nguồn lực tập trung một cách hệ thống cho khu vực này, góp phần tạo ra sinh kế giảm nghèo bền vững cho người dân.
Linh hoạt nguồn lực đầu tư
Sau gần 20 năm chia tách, huyện Tây Giang gần như đã phủ rộng việc sắp xếp dân cư ở địa phương. Thành quả này, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, còn nhờ rất nhiều vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Điển hình như Chương trình 135, Chương trình 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi...
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, gắn với các dự án tái định cư, địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nhằm ổn định cuộc sống, khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Các khu tái định cư, ngay sau khi bố trí người dân đến ở, đều được hoàn thiện bởi các công trình đi kèm như hệ thống nước sinh hoạt, điện thắp sáng, trường học và không gian vui chơi giải trí.
Đặc biệt, nhiều khu tái định cư ở Tây Giang không chỉ mang lại điều kiện sống cho người dân tốt hơn, mà còn giúp phòng tránh được thiên tai.
Rà soát hộ nghèo để xây dựng cơ chế hỗ trợ
Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2021 được thực hiện theo 2 mức chuẩn. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 19.212 hộ, tỷ lệ 4,4% (giảm 3.156 hộ so với năm 2020). Tổng số hộ cận nghèo là 7.823 hộ, tỷ lệ 1,79% (giảm 1.041 hộ so với năm 2020).
Tỷ lệ này là kết quả của quá trình tạo ra động lực từ nguồn đầu tư hạ tầng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Việc rà soát theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, tổng số hộ nghèo là 33.127 hộ, tỷ lệ 7,59% (tăng 10.759 hộ, tương ứng tăng 2,36% so với năm 2020).
Tổng số hộ cận nghèo là 8.202 hộ, tỷ lệ 1,88% (giảm 662 hộ, tương ứng giảm 0,19% so với năm 2020).
Với kết quả này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 353 phê duyệt danh sách xã nghèo, 6 huyện miền núi cao của tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% đều là huyện nghèo theo chuẩn mới, gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My.
Kết quả này sẽ là căn cứ để tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội.
“Với đặc thù địa hình phức tạp, quá trình triển khai các khu tái định cư cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Tuy nhiên, bằng nỗ lực chung, Tây Giang cơ bản đã thành công với 97 mặt bằng định cư được triển khai, giúp người dân yên tâm hơn với cuộc sống hiện tại.
Các khu ở mới này cũng góp thêm vào diện mạo hạ tầng nông thôn miền núi, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Blúi chia sẻ.
Những năm gần đây, từ nguồn vốn phân bổ theo Chương trình 30a và Chương trình 135, ngoài sắp xếp dân cư, các địa phương miền núi triển khai nhiều hạng mục dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, nguồn vốn này còn dành triển khai chương trình nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…, với khoảng 300 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã La Dêê (Nam Giang) - ông Brao Ngưu cho hay, từ nguồn kinh phí hơn 13 tỷ đồng thông qua các chương trình mục tiêu giảm nghèo, địa phương đã xây dựng và hoàn thành nhiều công trình dân sinh phục vụ nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân.
Ngoài cầu bê tông, địa phương đầu tư mở rộng hàng chục tuyến đường vào khu sản xuất; xây dựng hệ thống điện thắp sáng, thủy lợi, nước sinh hoạt và khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ…
“Cùng với tập trung xây dựng các mô hình kinh tế đặc trưng theo cơ chế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, chúng tôi khuyến khích người dân phát triển sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm gắn với công tác giảm nghèo bền vững.
Đến nay, ngoài đạt 12 tiêu chí nông thôn mới, chúng tôi duy trì diện tích gieo trồng hàng năm hơn 380ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25,85%” - ông Ngưu nói.
Tác động giảm nghèo
Với huyện miền núi cao Nam Trà My, định hướng giảm nghèo cho nhân dân là đầu tư vào sinh kế sao cho phù hợp thực tiễn, và dược liệu vẫn là hướng đi hiệu quả. Các yếu tố đầu vào như cây giống, quỹ đất trồng, khí hậu... cơ bản ổn định.
Thế nhưng, đầu ra cho sản phẩm dược liệu là thị trường, kết nối thông thương... vẫn còn nhiều trở ngại. Ví như ở xã Trà Tập, vùng trồng dược liệu của xã ở thôn xa nhất là Lăng Lương, Lăng Chổi. Nhưng tuyến đường dẫn vào vùng dược liệu còn lắm chông chênh, rất cần được đầu tư trong giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND xã Trà Tập - Hồ Văn Níp cho biết: “Thời gian qua, nhiều chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở miền núi, nhất là lĩnh vực giao thông giúp đời sống người dân tốt hơn. Đơn cử, khi đường sá mở ra, người dân làng Tăk Pổ làm chi cũng thuận lợi: từ chuyện học hành của con trẻ không còn cách trở đến sản phẩm dược liệu, chăn nuôi cũng được giá...
Xã chỉ còn đường đi vào vùng dược liệu Lăng Chổi, Lăng Lương cần được đầu tư. Bởi đây là vùng trồng quế rất lớn cùng các loại dược liệu khác, trong đó có sâm Ngọc Linh, với gần 400 hộ dân trồng khoảng 9ha dược liệu”.
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, không gì khác chính là đầu tư cho công cuộc giảm nghèo ở miền núi. Khi Nam Trà My định hướng phát triển mạnh dược liệu giúp nhân dân thoát nghèo bền vững, đồng nghĩa với việc dồn mọi nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, liên vùng, đặc biệt từ trung tâm các xã đi vùng dược liệu.
Trồng dược liệu không chỉ là sinh kế với người dân huyện Nam Trà My, mà còn giúp bảo vệ môi trường rừng tốt hơn, khi rừng chính là nguồn sống của người dân, sinh kế dưới tán rừng tự bao đời nay vẫn phù hợp với tập quán sinh sống ở vùng cao. Kết cấu hạ tầng đồng bộ giúp các mô hình sinh kế kết nối với thị trường, được nhiều người biết đến, tạo thêm nguồn thu nhập bền vững.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, từ việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, những năm qua các địa phương miền núi đã triển khai có hiệu quả đề án phát triển cây dược liệu, nhất là mô hình trồng dược liệu cho giá trị kinh tế cao dưới tán rừng như sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm…
Ở một số địa phương như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, từ quy hoạch của chính quyền, người dân được khuyến khích phát triển kinh tế vườn đồi gắn với kinh tế trang trại, từng bước đưa các mô hình này thành hướng kinh tế chủ lực để giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững.
Ông Út cho biết: “Miền núi với đặc điểm kinh tế nông nghiệp chủ yếu đang hình thành một số nhóm sản phẩm OCOP đặc trưng, đem lại thu nhập chính cho người dân. Thông qua các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế rừng, kinh tế trang trại… đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm đặc trưng, giúp công tác giảm nghèo hiệu quả và thiết thực hơn”.
-----------------
Bài cuối: Động lực của giai đoạn mới