Tạo khác biệt trong liên kết phát triển du lịch

NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM 22/03/2022 06:52

(VHQN) - Sự tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch đặt ra nhiều bài toán cần phải đối mặt.

Các địa phương cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt. Ảnh: L.T.K
Các địa phương cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt. Ảnh: L.T.K

Theo tôi, việc nâng cao giá trị cốt lõi của các địa phương là nền tảng liên kết thời kỳ mới. Mỗi địa phương đều có sản phẩm chủ đạo trong việc tạo ra các lợi thế cạnh tranh của mình. Phát huy giá trị riêng biệt để tạo nên sức mạnh trong chuỗi liên kết chính là yếu tố tạo sự độc đáo để thúc đẩy việc tạo giá trị cho khu vực miền Trung.

Đồng thời cần xây dựng các chương trình thu hút khách linh hoạt theo từng thị trường và thời gian nhất định cũng như chia sẻ kinh nghiệm và nguồn nhân lực du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh. Quan trọng hơn nữa là xây dựng những sản phẩm phù hợp để tận dụng mọi tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.

Các địa phương cần chú trọng hoàn thiện và phát huy giá trị riêng để tạo sự hấp dẫn khi kết hợp trong tổng thể chung. Tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình “Miền Trung - Miền di sản diệu kỳ” hướng đến việc tạo sự đa dạng cảm nhận cho du khách quốc tế.

Chuỗi giá trị di sản với chương trình du lịch khám phá các miền di sản sẽ mang đến đầy đủ trải nghiệm cho khách quốc tế khi đến khám phá khu vực miền Trung với các cung bậc từ văn hóa, thiên nhiên và sự hài hòa với dịch vụ chất lượng cao ở điểm dừng chân của các địa phương. 

Với việc kết nối chuỗi các di sản từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình sẽ tạo được sức hút lớn và nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sự khác biệt so với các điểm đến trong nước và quốc tế như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)...

Cần có các chính sách chung trên nền tảng thông tin chung để tạo mọi điều kiện cho khách đặc biệt là đối với khách quốc tế. Làm sao để khách có thể thụ hưởng đầy đủ dịch vụ của các địa phương mà không có sự khác biệt trong các quy định về phòng chống dịch, phần mềm khai báo thông tin, các chương trình miễn phí vé tham quan, các chương trình kích cầu đều được thông tin đồng bộ để khách tìm kiếm nhanh nhất.

Cần đẩy mạnh việc kết hợp quảng bá điểm đến chung, thúc đẩy nhanh các ứng dụng số hóa trong du lịch. Quảng bá đến thị trường khách quốc tế và trong nước của các địa phương thông qua việc giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch trên báo chí, truyền hình, trên nền tảng số của ngành du lịch từng địa phương.

Đặc biệt là fanpage facebook: Amazing Central Heritage hướng đến cho khách cảm nhận được một hành trình mang đến nhiều trải nghiệm của các địa phương với bộ nhận diện chung. Tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến, tham gia các hội chợ du lịch đến các thị trường quốc tế trọng điểm của miền Trung.

Việc tạo ra các chính sách và các chương trình mới lạ trên cơ sở lấy giá trị cốt lõi làm nền tảng sẽ là yếu tố quan trọng để du lịch các địa phương miền Trung có sức bật vượt qua khó khăn, đưa ngành du lịch sớm hồi sinh.

NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM