Bảo vệ rừng vì phát triển bền vững

QUỐC HƯNG 21/03/2022 15:37

(QNO) - Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người, môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên diện tích rừng bị xóa sổ và suy thoái trên khắp thế giới đang ở mức báo động.

Các nhà khoa học trong chuyến khảo sát rừng tại Amazon. Ảnh: vtx.vt.edu
Các nhà khoa học trong chuyến khảo sát rừng tại Amazon. Ảnh: vtx.vt.edu

Ngày 11.3 vừa qua, Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil công bố một thực trạng đáng quan ngại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ rừng Amazon hay “lá phổi” của trái đất tại Brazil bị phá hủy cao kỷ lục, với khoảng 629km2 diện tích rừng bị mất đi.

Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy, trong 2 thập kỷ qua, hơn 3/4 diện tích rừng Amazon đã phần nào mất đi khả năng phục hồi sau các sự cố như cháy rừng và hạn hán. Nguyên nhân chủ yếu là do nạn phá rừng tràn lan và biến đổi khí hậu, cháy rừng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Cách đây tròn 10 năm, Đại hội đồng Liên hiệp quốc quyết định chọn ngày 21.3 hằng năm là ngày Quốc tế về rừng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ cuộc sống của hành tinh. Năm nay, chủ đề là “Rừng và sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Mục tiêu này phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 12 của Liên hiệp quốc: duy trì các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhấn mạnh đến việc quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên, góp phần giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, sự thịnh vượng và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm có trách nhiệm, thân thiện với môi trường cũng có thể xóa đói giảm nghèo đáng kể và quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh và các bon thấp. 

Như tại Bangladesh, chiến lược quản lý và tiêu thụ rừng bền vững được hướng dẫn bởi các hành vi, quy tắc, chính sách, chiến lược quốc gia, các hiệp ước và công ước quốc tế.

Để sản xuất và tiêu thụ rừng bền vững, trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Bangladesh tập trung cải thiện quản trị rừng, hỗ trợ các sinh kế thay thế để giảm áp lực lên rừng, khôi phục rừng, quản lý rừng, bảo tồn động vật hoang dã và các loài có nguy cơ tuyệt chủng và củng cố các nhóm tuần tra rừng do cộng đồng lãnh đạo.

Một nỗ lực đầy hy vọng bảo vệ rừng của cộng đồng quốc tế được nhóm lên khi tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo hơn 100 quốc gia - đại diện cho 85% diện tích rừng trên thế giới bao gồm Brazil, Mỹ, Trung Quốc cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. 

Các nhà khoa học nhấn mạnh, rừng và các giải pháp dựa vào tự nhiên cũng là chìa khóa để thế giới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là kiềm chế mức tăng trung bình nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C và tiến tới giới hạn 1,5 độ C đến cuối thế kỷ này.

QUỐC HƯNG