Dai dẳng nạn tảo hôn ở vùng cao
Tại các huyện miền núi của tỉnh, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại, cần có giải pháp khắc phục triệt để.
Anh Hồ Văn L. ở làng Măng Lâng, xã Trà Cang (Nam Trà My) cưới vợ lúc 23 tuổi. Vợ anh là người cùng làng, khi đó đang học lớp 7. Mười bốn tuổi nhưng vợ anh L. giờ làm mẹ được 10 tháng. Cưới nhau, sinh con, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn trước. “Do còn nhỏ tuổi nên vợ chỉ giúp mình nấu cơm, giặt quần áo, chứ không làm gì được” - anh nói.
Cũng ở làng Măng Lâng, Hồ Thị Đ. cưới chồng khi 16 tuổi. Ba qua đời vì ăn lá ngón, Đ. nghỉ học, tính lấy chồng sớm cho đỡ khổ. Nhưng khi về làm vợ, làm mẹ, Đ. mới cảm nhận hết nhọc nhằn khi sinh con ở tuổi học sinh.
Chưa có kiến thức làm mẹ, Đ. phải nhờ đến chị em trong làng giúp đỡ. Kinh tế khó khăn, áo quần của em bé đều do người trong làng cho. Hồ Thị Đ. buồn bã nói: “Lúc sinh con, không biết cách chăm sóc. Khi con đau không có tiền mua thuốc. Giờ biết khổ cực thì cũng muộn rồi”.
Hai trường hợp trên không phải là hiếm gặp ở các xã vùng cao của huyện Nam Trà My. Sau mỗi mùa lúa chín, tết mừng lúa mới, nhiều học sinh không quay trở lại trường, mà trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ...
Tảo hôn, theo luật tục thì bị làng phạt, nhưng lỡ mang bầu, già làng cũng cho qua vì sợ không có người nuôi trẻ sơ sinh. Trưởng làng Măng Lâng - ông Hồ Văn Lâm cho biết: “Tôi rất bức xúc trước nạn tảo hôn và người trong họ cưới nhau. Già làng không cho cưới, thậm chí gia đình ngăn cản, nhưng thực trạng trên vẫn dai dẳng”.
Thời gian qua, xã Trà Cang thường xuyên tuyên truyền, xử phạt, tỷ lệ tảo hôn có giảm so với trước nhưng khó xóa bỏ hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Cang cho biết, trong năm 2021 có 7 cặp vợ chồng nằm trong diện tảo hôn.
Hai tháng đầu năm nay có 2 cặp vợ chồng chưa đủ tuổi cưới nhau. Hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dễ nhận thấy là những đứa trẻ suy dinh dưỡng, thể chất chậm phát triển, nguy cơ làm suy giảm chất lượng dân số, suy yếu giống nòi.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2021 có 4 huyện gồm: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang hoàn thành báo cáo về số lượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, 71 trường hợp tảo hôn và 1 hôn nhân cận huyết thống, riêng hai huyện Nam Trà My và Tây Giang vẫn chưa có báo cáo số liệu chính thức.
Trước thực trạng này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, thực hiện được mục tiêu này không dễ bởi phần lớn khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao đều rơi vào các xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Vì vậy, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cách tốt nhất để thay đổi nhận thức của người dân về hủ tục lạc hậu này.