Phát triển kinh tế - xã hội miền núi: Nhìn từ nền tảng hạ tầng - Bài 1: Trên con đường mới
Sau 25 năm tái lập tỉnh, diện mạo miền núi Quảng Nam có sự đổi thay vượt bật nhờ các chính sách đầu tư toàn diện. Đặc biệt, quá trình đầu tư hạ tầng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và tiếp tục được Trung ương, tỉnh tập trung toàn lực triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
BÀI 1: TRÊN CON ĐƯỜNG MỚI
Đổi thay của miền núi hiển hiện trong từng bản làng; đường, trường, trạm, điện... được đầu tư từng bước, thúc đẩy sự phát triển.
Cuộc sống mới ở Cao Sơn
Hiện nay, vùng miền núi có 100 xã có điện lưới quốc gia (đạt tỷ lệ 100%); có 418/437 thôn có điện lưới quốc gia (tỷ lệ 96%), số thôn chưa có điện là 19 thôn (tỷ lệ 4%). 9 huyện miền núi đã bê tông hóa được 1.443km đường giao thông nông thôn. Có 100/100 xã có trạm y tế. Quy mô mạng lưới trường học: có 254 trường với 107 trường đạt chuẩn quốc gia, chiến tỷ lệ 42,1%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại 9 huyện miền núi tỉnh đạt 83,5% tổng số hộ dân.
Chiều buông xuống trên con đường bê tông ở làng Cao Sơn (xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) rộn tiếng nói cười của học sinh sau giờ tan trường. Từ ngày con đường bê tông được đầu tư dẫn lên làng Cao Sơn, việc đi lại của người dân nơi đây thuận tiện hơn rất nhiều, cuộc sống cũng dần khá hơn.
Trước đây, Cao Sơn là thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Trà Sơn, thì nay đang trên đường xây dựng thành một ngôi làng văn hóa, điểm đến du lịch theo định hướng của huyện Bắc Trà My.
Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho Cao Sơn. Từ khi có đường giao thương thuận tiện, kinh tế của gia đình ông Triệu Tiến Tâm khởi sắc.
Theo lời ông Tâm, trước chỉ là đường mòn, đường núi, đi lại có khăn nên nuôi được con heo, con bò, thương lái đến thu mua với giá thấp. Từ khi có đường kiên cố, giao thương dễ dàng thì bán buôn cũng thuận tiện, hàng hóa được giá hơn.
“Con đường này được làm mới vào năm 2018, trẻ con đi học, người lớn đi làm, ốm đau đi bệnh viện, có hàng hóa đem đi bán, mua hàng hóa về bán cho bà con... không còn là câu chuyện gian nan. Lúc đó gia đình tôi là hộ nghèo, bởi nuôi trồng vất vả mà tiêu thụ càng khó hơn.
Sau khi mở đường, gia đình tôi được hỗ trợ heo giống, bò giống và mạnh dạn đăng ký thoát nghèo vào năm 2020. Đơn cử như con heo đen, trước đây đi lại khó thì bán giá khoảng 60 nghìn đồng/kg heo hơi, bây giờ giá heo hơi là 150 nghìn đồng/kg. Vợ tôi nấu rượu, bán thêm tạp hóa, cuộc sống giờ khá hơn nhiều” - ông Tâm chia sẻ.
Từ câu chuyện mở đường cho thấy hiệu quả đầu tư của chính sách ở vùng cao. Nguồn lực tổng thể từ các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, Nghị quyết 30a đã mang lại diện mạo mới cho miền núi.
Ông Nguyễn Thành Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết: “Các chính sách đầu tư vào miền núi đã tác động và làm thay đổi đời sống người dân rất nhiều. Rõ nét nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, làm thay đổi nhận thức của người dân, xây dựng cuộc sống văn minh hơn.
Trà Sơn nói chung và thôn Cao Sơn nói riêng, người dân chung tay với chính quyền địa phương hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành nên các làng nghề, phục vụ phát triển du lịch tại Cao Sơn.
Xã Trà Sơn đã được đầu tư cơ bản về điện, đường, trường, trạm. Thời gian tới, cần được đầu tư thêm hệ thống nước sạch, xã sẽ tập trung giúp người dân học nghề, giải quyết việc làm hiệu quả hơn”.
Xã Ba xây dựng nông thôn mới
Là vùng đất “cửa ngõ” giáp ranh với TP.Đà Nẵng, xã Ba (Đông Giang) được xem có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo dấu ấn bằng các công trình, dự án động lực mới.
Ngoài diện mạo bề thế hiện hữu ngay trung tâm xã, len lỏi khắp các khu dân cư là những con đường mới, khu vui chơi… được triển khai xây dựng, góp thêm vào diện mạo nông thôn kiểu mẫu.
Ông Phạm Xuân Vân - Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, những đổi thay của địa phương, bên cạnh nỗ lực chung của chính quyền và người dân, còn nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ các chương trình mục tiêu giảm nghèo, dự án dân sinh, đặc biệt là chương trình nông thôn mới.
Từ một xã vùng cao còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, năm 2015 xã Ba được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây được xem là bước ngoặt giúp địa phương hình thành các dự án động lực, tạo cơ hội thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống người dân miền núi.
Theo ông Vân, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 4,98% (63 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng (tăng 16,84 triệu đồng so với năm 2015).
Đến nay, địa phương đang nỗ lực duy trì 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới; xây dựng và hoàn thành 2 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và tiếp tục xây dựng thêm các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu khác, hướng đến xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Xã Ba là một trong số nhiều địa phương miền núi ghi dấu ấn phát triển kinh tế, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ở nhiều địa phương miền núi trong toàn tỉnh, các chương trình 135, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được lồng ghép nhằm phục vụ nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, phát triển sản xuất; đầu tư hạ tầng thiết yếu… hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Động lực phát triển
Miền núi với địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, nhưng nhờ triển khai nhiều chương trình, cơ chế đặc biệt, sau 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Thời gian qua, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư bằng các Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30 của Chính phủ; Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về sắp ổn, ổn định dân cư, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển miền núi. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư khá cao cho khu vực miền núi với hơn 9.350 tỷ đồng, chiếm 36,59% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh.
Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; các phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng được chú trọng đầu tư theo phương châm ngày càng đồng bộ, chất lượng, hiệu quả và được xem là động lực cơ bản, chủ đạo thúc đẩy sự phát triển của vùng miền núi tỉnh trong suốt 25 năm qua.
Các hạ tầng thiếu yếu gồm: mạng lưới điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Sự phát triển của bất cứ vùng đất nào, nếu không có cơ sở hạ tầng được đầu tư làm động lực, thì mọi thứ đều khó. Chỉ khi được đầu tư từ hạ tầng thiết yếu nhất, cuộc sống người dân sẽ có sự đổi thay”.
---------------------------
Bài 2: Tạo sinh kế giảm nghèo