Về đảo rong chơi
(VHQN) - Chưa có tour từ đảo Cù Lao Chàm đến đảo Tam Hải. Nhưng thử hình dung, khi bạn dạo chơi từ Cù Lao Chàm rồi lên tàu, tận hưởng sóng gió biển khơi, và dợm chân lên Tam Hải. Mới nghĩ thôi, cũng đã lâng lâng. Còn bây giờ, hãy cùng chúng tôi rong chơi ở những nơi này, bằng một cách rất khác.
Con đường hạnh phúc
Homestay không chỉ để ở mà còn là nơi để tìm hiểu nét văn hóa, cuộc sống của người dân địa phương, được chủ nhà dẫn đi tham quan, ăn những món ăn dân dã, bình dị, sạch lành và còn được nghe kể những câu chuyện hằng ngày từ chính con người nơi đây.
Hơn hết chính là sự gắn kết, thân thiết của chủ nhà và khách... Tôi muốn homestay của mình trở thành chốn lưu trú thú vị cho du khách khi đến Cù Lao Chàm. Mời bạn tận hưởng hương thơm núi rừng theo cách của tôi.
Mỗi sớm mai đi bộ trên đường làng, từ đoạn dốc Bãi Làng cho đến Bãi Bìm, lòng tôi rộn niềm hạnh phúc đơn sơ. Bởi trên đoạn đường này, tôi được ngắm bầu trời trong xanh mỗi khi bình minh lên, được nhìn từng đàn chim bay rợp trời, được ngắm đàn bướm rập rờn xung quanh mấy bụi hoa dại đầy sắc màu.
Dọc đường thỉnh thoảng ngắt vài lá rau sân - một loại rau đặc trưng có mùi thơm độc đáo của núi rừng Cù Lao Chàm - hít hà, tôi nghe như có làn gió mát thổi qua. Mùa hè rạo rực, bạn được ngắm nhìn những cây ngô đồng thi nhau đua nở, rực rỡ trên vùng đảo Cù Lao Chàm...
Đấy là tôi kể phía bên trái đoạn đường tôi đi xuống, còn bên phải tôi chính là biển. Nhìn các bãi biển bình yên, không gợn sóng làm lòng người cũng bình yên gấp bội. Tàu thuyền chạy về sau đêm đánh bắt... nằm dọc theo các bãi.
Rảo bước xuống biển, bạn sẽ thấy thích nhất là tắm lúc mặt trời mới lên, lúc đó bạn tha hồ bơi lội thỏa thích, ngắm nhìn san hô, các đàn cá dưới biển. Đây là khoảng thời gian biển đẹp nhất, nhìn ánh nắng xuyên qua cát dưới biển thấy trắng xóa...
Và vui hơn khi hầu như ngày nào cũng được ăn dủ dẻ rừng, mà trước đây khi không ở Cù Lao Chàm, dễ gì được nhấm nháp. Và tôi cũng nhận ra lý do vì sao mọi người nói lâu lắm rồi không được ăn dủ dẻ. Hình như đã lâu lắm rồi mọi người cũng không thường xuyên đi bộ dọc con đường này và không quan sát, tìm kiếm...
Sẽ thật là hạnh phúc hơn khi tôi có bạn đồng hành đi bên cạnh mỗi sớm mai. Nhờ người đồng hành ấy, tôi được trải nghiệm thêm nhiều điều thú vị cả trên rừng và dưới biển, trân quý và biết ơn những điều bạn đồng hành đã làm cho mình.
Đấy chính là con đường hạnh phúc tôi muốn kể cho bạn!
Qua vùng sóng nước Tam Hải
Đến xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành), nếu có thể, bạn khoan “vồ vập” với những thắng cảnh được giới thiệu, mà hãy bắt đầu cảm nhận sự khác biệt của vùng cửa sông giáp biển này. Bản hợp ca của đá và nước được cất lên ở đây.
Nếu đi bằng đường bộ, bạn có thể men theo tuyến Thanh niên ven biển đến Tam Hòa, hoặc từ thị trấn Núi Thành xuống xã Tam Quang, hai ngả này đều phải qua đò mới tới được Tam Hải.
Sông Trường Giang nơi bến đò Tam Quang lúc nào cũng chộn rộn, bởi đây là cửa ngõ của tàu hàng, tàu cá mà. Hai bên bờ sông thì chật kín nhà cửa. Tôi ướm thử cho bạn một kiểu hình dung, như bến phà sông Hàn qua quận 3 (Đà Nẵng) cách đây vài chục năm rồi.
Nếu bạn không có ký ức đó, thì ít ra cũng cảm thấy một điều mới mẻ trong trải nghiệm về sự “ồn ào” của vùng sông nước giáp biển này... Còn Trường Giang nơi Tam Hòa qua Tam Hải thì khác biệt: mênh mông, lặng lẽ, ngùi ngùi như kiểu “buồn trông cửa bể chiều hôm” vậy.
Một kiểu “đột nhập” xứ đảo Tam Hải thú vị khác, là trực diện từ biển vào. Bạn xuất phát từ bến bờ nào cũng được, miễn là lênh đênh trên biển và nhận ra thắng cảnh Bàn Than, như chiếc đuôi sam thò ra từ giữa hai hình cánh cung, là bờ biển một mảng xanh đậm của rừng dương, với viền bo là đường kẽ trắng màu cát.
Mùa hè, biển ở đây rất êm, tàu thuyền có thể từ từ tiến vào khu vực này cập đảo, nhưng bạn hãy cẩn thận với mỏ neo, đừng làm hư hỏng những ngôi nhà san hô dưới sóng.
Những mảng đá nhô lên từ biển ở Bàn Than có thể kể cho bạn về sự tích ông Đụn - bà Che, nhưng trước hết hãy thử hình dung về hình dáng của nó có đúng với lời vè rằng: ... bà Che có khe nước chảy/.... ông Đụn có vảy có vi.
Đến đảo Tam Hải bằng đường biển, sẽ thêm phần thú vị và lý tưởng nếu bạn xuất phát từ Cù Lao Chàm. Bởi Tam Hải có thể là một tọa độ phía tây nam nhiều ý nghĩa của người Chăm, nhìn từ Cù Lao Chàm.
Lịch sử biển cả của người Chăm thì lẫy lừng như đã biết, nên bạn có thể khám phá một cái giếng Chăm cổ ở đảo Tam Hải. Giếng cổ này bây giờ vẫn còn cung cấp nguồn nước để người dân địa phương nấu ra thứ rượu gạo cực ngon. Người dân tin rằng giếng cổ này là ân tình của tiền nhân với họ. Bạn có thể rảo một vòng làng đảo và tìm hiểu xem cái cách mà người dân trao lại những ân tình đó nhé!