Vun đầy khoảng trắng...
Tôi chợt ứa nước mắt trước một khung cảnh tất bật mà chẳng ai rõ mặt ai. Có lẽ cảm xúc đưa một người nhà vào viện là như vậy. Vừa có nỗi lo khó kể hết vừa có nỗi buồn không dám gọi. Trong cơn dịch giã này, chẳng còn ai khác lo cho người bệnh, ngoài... người của bệnh viện.
Có những người ở viện, vì nhiệm vụ, như lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế. Bên cạnh đó còn có những con người tình nguyện ở lại bệnh viện, vì chính phút giây sinh tử đã trải qua, họ muốn cảm tạ bằng hành động.
Đặng Ngọc Li - chàng trai vừa qua tuổi 30, đã lựa chọn ở lại tiếp sức cùng nhân viên y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng, đã 6 tháng trọn...
1. Li nhắn với tôi: “Chị đợi em 10 phút nữa, em sắp ra ca trực”, khi cuộc hẹn của chúng tôi lần lữa bao lần vì khi thì tôi F0, khi thì Li đang ở tua trực.
Đứng chờ chàng trai trẻ ngay nơi tiếp nhận lương thực tiếp tế cho người bệnh, mới thấy hết được những việc không tên của một cơ sở điều trị Covid-19.
Tháng 8.2021, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trở thành nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 tập trung, ngay khi số ca mắc lúc bấy giờ tăng cao, và lượng vắc xin vẫn chưa đủ để tạo độ phủ miễn dịch như hiện tại.
Những khó khăn của một cơ sở điều trị Covid-19 không chỉ ở sự thiếu thốn về trang thiết bị, máy móc dành để điều trị cho bệnh nhân mà còn khó ở lực lượng chăm sóc, điều trị. Đây là điều đã được lãnh đạo tỉnh nhìn thấy và yêu cầu Sở Y tế vào cuộc.
“Từ sau tết đến nay, dịch Covid-19 bùng phát với số ca nhiễm ngày càng tăng. Các tuyến điều trị vô cùng vất vả, ngày đêm lăn lộn, túc trực điều trị các ca F0. Trong đó, với tầng điều trị các ca bệnh nặng như tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, càng gánh nặng và áp lực hơn.
Bệnh thì nhiều nhưng điều kiện điều trị còn khó khăn. Tôi đề nghị Sở Y tế có trách nhiệm tạo điều kiện chăm lo trang bị cho bệnh viện về hệ thống khí ô xy cũng như cải thiện về khó khăn nhân lực mà bệnh viện đang gặp phải” - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói.
Chứng kiến và dõi theo quá trình thiết lập, thu dung điều trị tại đây, càng hiểu hơn những nỗ lực của y bác sĩ, của lực lượng y tế tại bệnh viện là quá sức lớn. Ngày 27.7 có quyết định chuyển đổi công năng, thì ngày 28.7, họ đón nhận 4 bệnh nhân đầu tiên. Và cứ vậy, con số tăng lên cấp số nhân hằng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nói, ông vẫn nhớ như in những ngày đầu thiết lập khu điều trị Covid-19.
Mọi bỡ ngỡ nhanh chóng trôi qua, để anh em phải vào guồng làm ngay, ngay lập tức. Không có sự chậm trễ. Không có những nề hà. Bác sĩ Thảo nói, mọi người như ngầm cùng nhau động viên, để trước hết là vì người bệnh của mình.
“Lúc ấy còn tới mấy chục bệnh nhân lao điều trị nội trú. Chúng tôi phải liên hệ với các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến để tiếp nhận những người bệnh này. Rồi phải tiến hành sắp xếp ekip trực và chăm sóc bệnh nhân Covid-19, nơi ăn ở cho nhân viên... Lo nhất là khâu kiểm soát nhiễm khuẩn và lực lượng điều dưỡng của bệnh viện thì thiếu” - bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói.
Nhưng rồi, họ đã vượt qua bỡ ngỡ ban đầu này, để dần thích ứng với khó khăn và xoay chuyển trong khó khăn.
Tiếp nhận 2.414 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và điều trị khỏi 2.240 bệnh nhân là những con số ấn tượng mà Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch làm được từ ngày trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 cho đến dịp 27.2 năm này. Nhưng họ thật sự khó khăn với câu chuyện nhân lực.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói, điều trị bệnh nhân Covid-19 không chỉ là kỹ thuật, máy móc, phương pháp mà còn cả con người. Khoảng 60 con người của một bệnh viện chuyên khoa, phải xoay vòng để cùng thích ứng. Bản thân vị giám đốc bệnh viện phải gọi tới từng trung tâm y tế để xin chi viện...
2. Đặng Ngọc Li hiểu rõ những khó khăn ở nơi này. Bởi Li đã từng là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được nhập viện vào đầu tháng 8.2021. Trở về từ TP.Hồ Chí Minh trong những ngày kiểm soát dịch gắt gao nhất, Li được xác nhận dương tính với Covid-19.
Ngày 1.8, Li được chuyển vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị. Suốt 12 ngày được chăm sóc tại viện, Li âm tính và được cho xuất viện. Tuy nhiên, về nhà cách ly được 5 ngày, Li tái dương tính và phải quay trở lại điều trị.
Trong số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Đặng Ngọc Li là người có sức khỏe tốt, nên khi bệnh nhân nào cần giúp Li luôn sẵn lòng hỗ trợ.
Sau vài ngày, Li được chữa khỏi bệnh và các bác sĩ cho xuất viện. Nhưng lần này, Li không về nhà mà tình nguyện ở lại để hỗ trợ bệnh viện chăm sóc các bệnh nhân khác. Li nói lựa chọn cách này là để đáp ơn y bác sĩ đã tận tình điều trị cho mình.
Thời gian đầu tuy còn bỡ ngỡ, nhưng qua sự hướng dẫn của các bác sĩ, đến nay Li đã thuần thục các công việc như thay bình ô-xy, đút bệnh nhân ăn, chùi dọn phòng, phát cơm… Không kể ngày hay đêm, khi bệnh nhân cần, Li luôn có mặt.
Hơn nửa năm tiếp sức ở các kíp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Đặng Ngọc Li vẫn giữ nụ cười tươi. Vì tuổi trẻ, như Li nói, không thể làm gì lớn lao thì chọn để mình làm người tiếp sức cho vơi những vất vả, khó khăn của các y bác sĩ bệnh viện. Và cũng là giữ lấy niềm tin với người không may trải qua cơn lận đận của dịch bệnh…
“Chưa bao giờ mình nghĩ có ngày sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân như thế này. Đã từng là bệnh nhân Covid-19, mình hiểu được cảm giác của người bệnh và sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ như thế nào. Bệnh nhân không có người thân bên cạnh và đa số đều lớn tuổi...” - Li bỏ lửng câu nói.
Li kể khi nắm lấy đôi bàn tay những người già không may mắn với căn bệnh này, có những người không kịp nhìn cháu con, đã ra đi.
“Đi vì bệnh Covid-19 này cô đơn lắm. Nên mình cố gắng tròn vai là người thân của họ, khi họ còn khỏe mạnh, còn nói năng được thì chia sẻ với từng người” - Li bộc bạch.
Li có một đôi mắt nhìn tươi rói với cuộc đời. Li nói khi ở Sài Gòn, dù thu nhập lúc nào cũng ở hàng chục triệu đồng trở lên, nhưng trái tim luôn đặt ở quê nhà. Vì ở đó, trên một căn nhà giữa lưng chừng đồi xanh của Hiệp Đức, có một người mẹ vẫn hằng ngày ngóng cửa dõi tin con. “Mẹ nhiều năm liền muốn mình về quê lập nghiệp. Có mẹ có con..” - Li chia sẻ.
Những ngày trở về sau khi khỏi bệnh, Li nói với mẹ sẽ ở lại phụ một tay với lực lượng điều trị Covid-19 ở Tam Kỳ, mẹ đã động viên để Li không phải lo lắng cho mẹ ở quê nhà.
Giữa lằn ranh sống chết của những ngày trên giường bệnh một mình, Li hiểu cảm giác của một cái siết tay, một cái bóp vai cho bệnh nhân đỡ mỏi, một bàn tay phụ đẩy bình ô-xy với cô điều dưỡng hay thậm chí là những lần chuyển hàng tiếp tế và bông đùa cùng người bệnh. Điều duy nhất ở nơi này, là thấu hiểu, là sẻ chia...
Có những ngày trôi qua thật chậm khi một bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Li cùng đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng tiến hành vệ sinh, thuần thục từng động tác với thi hài và gói ghém để đưa vào nhà hỏa táng...
Họ về với đất, thật may, không cô đơn khi có những người đã cùng sớt chia một đoạn cuối cuộc đời. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói, những người như Đặng Ngọc Li, quý thay đã chọn để đồng hành với lực lượng y tế của bệnh viện.
“Chàng trai này cứ lặng lẽ góp sức mình trong từng phần việc nhỏ nhất. Bệnh viện chỉ đủ sức để hỗ trợ suất ăn và nơi nghỉ ngơi sau khi ra ca trực, còn chế độ thu nhập cho Li thì vẫn ở mức khiêm tốn. Nhưng Li đã không nề hà mà ở lại cùng chung tay chăm sóc bệnh nhân với chúng tôi” - bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo kể.
Tôi nhìn bóng dáng Li tất bật trong bộ đồ bảo hộ. Rồi lẫn dần cùng cả ekip điều trị. Những người chỉ có thể nói với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu của bàn tay và những cái gật, lắc đầu. Họ biết tên nhau qua nét bút viết vội sau những bộ đồ...