Sức hút từ du lịch xanh
Du lịch xanh cung cấp các dịch vụ thân thiện với môi trường được xem là một xu hướng tất yếu phát triển du lịch bền vững.
Mô hình du lịch xanh ngày càng hấp dẫn nhiều du khách cũng như các doanh nghiệp, các nhà khai thác du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), du lịch xanh có vai trò to lớn trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thống kê của UNWTO cho thấy, vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng góp gần 9,2 nghìn tỷ USD (khoảng 10,4%) GDP toàn cầu, tạo ra 334 triệu (10,6%) việc làm.
Gần 3 năm qua, ngành du lịch thế giới chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch khi việc đi lại bị hạn chế. Đến nay, nhiều quốc gia thực hiện lộ trình mở cửa biên giới, đón khách du lịch quốc tế, dần trở lại cuộc sống bình thường mới, trong đó, chú trọng mô hình du lịch xanh trong nỗ lực hồi phục ngành công nghiệp “không khói” hậu đại dịch Covid-19.
Thiên đường du lịch Maldives nổi tiếng ngày càng chuyển hướng sang những sản phẩm bền vững hơn, giúp duy trì các kho tàng thiên nhiên của quốc đảo.
Nhiều khu nghỉ dưỡng ở Maldives thực hiện cam kết ngừng sử dụng các sản phẩm nhựa có thể gây hại cho sinh vật biển, thay vào đó là các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường trong khi các khu nghỉ dưỡng khác tham gia các dự án tái tạo rạn san hô.
Thậm chí, nhiều khu nghỉ dưỡng tại Maldives tuyển dụng các nhà sinh học biển, giúp cung cấp cho khách hiểu biết tốt hơn về môi trường địa phương. Nhiều khu nghỉ dưỡng sử dụng điện năng hoàn toàn từ nguồn năng lượng mặt trời.
Maldives cấp chứng nhận nhãn Travelife Gold cho các khu nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chí xanh, nâng cao trách nhiệm về tính bền vững của các khu kinh doanh du lịch.
Với dân số khoảng 550 nghìn người, Maldives đón khoảng 1,7 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm trước đại dịch, đóng góp khoảng 28% GDP cho quốc gia này. Năm 2021, du lịch Maldives phục hồi và đạt mức 70%, một phần nhờ vào thành công của mô hình du lịch xanh.
Những tour du lịch xanh là chuyến đi để khám phá các điểm đến gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, cảm nhận đặc trưng văn hóa và cuộc sống địa phương thông qua các hoạt động tương tác.
Điểm đến Ban Laem ở đông bắc của tỉnh Phetchaburi thuộc miền Trung Thái Lan, là cộng đồng yên bình ven sông nổi tiếng với hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng.
Những du khách đến đây có cơ hội được tham gia dự án bảo tồn rừng ngập mặn Ban Laem, nuôi cá, làm thủ công mỹ nghệ và nhuộm vải, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống của địa phương.
Tại homestay, du khách có thể trải nghiệm văn hóa, cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực của điểm đến.
Ông Marco Pense, một du khách từ Tây Ban Nha nói: “Những tour du lịch gần gũi với thiên nhiên yên bình, hòa mình với cuộc sống người dân địa phương, hay được tham gia những hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngày càng trở thành sự lựa chọn của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19”.
Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến lược phát triển du lịch xanh, cân bằng lợi ích kinh tế và môi trường.
Du lịch xanh, nếu được quản lý hiệu quả, có thể trực tiếp hay gián tiếp đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, bảo vệ môi trường bền vững cho thế hệ mai sau.