Liên kết phát triển du lịch ở miền Trung: Vì sao chưa như kỳ vọng?
(VHQN) - Ý tưởng về mô hình liên kết để phát triển du lịch tại các tỉnh miền Trung Việt Nam ra đời từ cách đây hơn 20 năm, ngay sau khi hai di sản ở Quảng Nam là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1999. Trả lời được vì sao liên kết phát triển du lịch ở miền Trung chưa đạt kỳ vọng sẽ giúp khu vực này định vị lại cách làm sát thực tế hơn.
Nhìn lại quá trình kết nối
Năm 2002, ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc Furama Resort ở Đà Nẵng đã đề xuất với Tổng cục Du lịch Việt Nam một chương trình mang tên “Con đường di sản thế giới” nhằm liên kết các điểm du lịch ở ba địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, tạo thành một sản phẩm du lịch chung, có khả năng thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế, để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch ở 3 địa phương này và góp phần phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam.
Với suy nghĩ: “Tất cả chúng ta nên cùng nhau đan một tấm lưới lớn để đánh cá ngoài khơi, để rồi cùng chia nhau mẻ cá đánh bắt được”, đề xuất của ông Paul Stoll đã được các lãnh đạo ở ba địa phương ủng hộ và được Tổng cục Du lịch đồng ý cho triển khai từ năm 2003, với tên gọi “Con đường di sản miền Trung”.
Tour du lịch này đã trở thành thương hiệu một thời của du lịch miền Trung, không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch ở các địa phương trên, mà còn tạo sức hút để các tập đoàn du lịch - khách sạn nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, tạo ra nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút dòng du khách cao cấp từ nước ngoài tìm đến.
Đặc biệt, sau khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003, tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” được nối dài đến Quảng Bình.
Năm 2004 đã được Tổng cục Du lịch chọn là “Năm du lịch Con đường di sản miền Trung”, với nhiều chương trình, sản phẩm du lịch gắn liền với các sự kiện: 10 năm Quần thể di tích Huế đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới (tháng 8.1994 - tháng 8.2004; Festival Huế lần thứ III; Hội An và Mỹ Sơn kỷ niệm 5 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới, khởi động “Năm du lịch Đà Nẵng”...
Năm 2014, từ tour du lịch “Con đường di sản miền Trung” với các địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là vùng lõi, sản phẩm du lịch này đã mở rộng ra phạm vi 6 tỉnh Bắc miền Trung, với điểm kết nối mới ở cực Bắc là Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
Hành trình mới của du lịch miền Trung sau 11 năm hoạt động đã không còn gói gọn trong loại hình du lịch văn hóa, mà mở rộng sang các loại hình: du lịch tâm linh, du lịch biển, du lịch khám phá, du lịch bản địa, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng… với nhiều địa chỉ, nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ mới; thu hút cả du khách nội địa lẫn du khách quốc tế, nhất là du khách Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, bên cạnh nguồn du khách truyền thống đến từ Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ.
Đặc biệt, 4 tỉnh thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, là những nơi có sự chuyển biến mạnh mẽ về du lịch, từ lượng khách, đến doanh thu, đóng góp đáng kể vào tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước của các địa phương này.
Tuy nhiên, từ năm 2014 trở đi, xu thế liên kết để phát triển du lịch ở khu vực miền Trung có vẻ lắng dần, dù trong các hội nghị của Vùng duyên hải miền Trung, vấn đề liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển du lịch luôn được đặt trên bàn nghị sự.
Chất keo dính để liên kết
Sự liên kết giữa các địa phương trong việc phát triển du lịch ở miền Trung trong 15 năm qua mới chỉ diễn ra ở cấp độ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch…; và cũng chỉ diễn ra trong các hoạt động: xúc tiến, quảng bá tài nguyên và tiềm năng du lịch, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch…
Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, ẩm thực...) vẫn chưa thực sự bắt tay liên kết để tạo ra những sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Trong khi đây mới là điều mà du khách quan tâm.
Gần đây, các chương trình liên kết du lịch mới hình thành ở miền Trung như: “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm” (do các tỉnh thành: Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khởi xướng năm 2020), “Liên kết, hành động và phát triển” (do Bộ VH-TT&DL khởi xướng năm 2020), “Miền di sản diệu kỳ” (do các tỉnh thành: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình khởi xướng năm 2021)… đã quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch chung của vùng, nhằm thu hút du khách thông qua các sản phẩm cụ thể, chứ không còn là những định hướng chung chung như trước.
Theo tôi, chủ thể sáng tạo và khai thác các sản phẩm du lịch không phải là chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước hay các hiệp hội du lịch - khách sạn, mà phải là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ tại các địa phương.
Nhà nước và các cơ quan quản lý du lịch, hay các hiệp hội chỉ là những “bà đỡ”, sử dụng các công cụ đòn bẩy như: chính sách tài chính ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất, đầu tư phương tiện, mở rộng mặt bằng và tạo lập sản phẩm du lịch… để đưa vào kinh doanh, phục vụ du khách, thu hút họ đến vùng du lịch miền Trung.
Chính các doanh nghiệp du lịch mới là người đưa du khách đến với những địa điểm du lịch trong vùng, thông qua việc bán các gói sản phẩm du lịch do họ xây dựng cho du khách. Gói sản phẩm ấy bao gồm: phương tiện và chi phí đi lại, chi phí ăn ở, chi phí tham quan và các dịch vụ bổ sung.
Để hình thành các gói sản phẩm này, doanh nghiệp không chỉ cần sự liên kết dọc (giữa các địa phương), mà cả liên kết ngang (giữa các ngành, các lĩnh vực) tại các điểm đến. Từ đó, mới tính toán giá thành của các sản phẩm du lịch để chào bán cho du khách, mời gọi du khách (trong nước và quốc tế) đến với vùng du lịch miền Trung.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt hẳn, việc liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ tại các địa phương tham gia các chương trình du lịch như: “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”, “Miền di sản diệu kỳ”… cần phải đặt tiêu chí “du lịch an toàn” và “giá cả hợp lý” lên hàng đầu.
Muốn vậy, những địa phương tham gia các chương trình trên cần ban hành các chính sách thống nhất về: an toàn phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá vé tham quan tại các địa điểm do chính quyền quản lý; có chính sách hỗ trợ giá cước vận chuyển, hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ẩm thực… để họ nâng cấp sửa chữa cơ sở lưu trú, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Nói cách khác, nhà nước, chính quyền, các hiệp hội… chỉ nên là những tác nhân đứng sau hỗ trợ, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ phải đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện liên kết để khai thác tiềm năng, giá trị của tài nguyên du lịch ở từng địa phương, tạo thành sản phẩm, đưa vào chuỗi liên kết để phục vụ du khách, thì khi đó, liên kết phát triển du lịch ở miền Trung mới được như kỳ vọng.